Bị Mỹ tấn công chính là điều Houthi mong muốn?

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên 1 23

Những động thái rắn ngày càng leo thang của Houthi ở Biển Đỏ đã nhận phản ứng quân sự từ Mỹ và các đồng minh. Theo giới chuyên gia, phản ứng như vậy là hợp lý, nhưng sẽ mang lại cho Houthi, hoặc ít nhất là những người theo đường lối cứng rắn của nhóm vũ trang này, những gì họ muốn.

Tàu chiến Mỹ đánh chặn cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV của Houthi vào tháng 10/2023 ở Biển Đỏ. Ảnh: Getty

Tàu chiến Mỹ đánh chặn cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV của Houthi vào tháng 10/2023 ở Biển Đỏ. Ảnh: Getty

Theo Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM), kể từ tháng 11/2023, Houthi đã thực hiện gần 30 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa nhằm vào các tàu ở Biển Đỏ được cho là đang hướng tới hoặc rời các cảng của Israel. Lực lượng này còn phóng UAV và tên lửa đạn đạo về phía lãnh thổ Israel. Houthi tuyên bố ủng hộ Hamas và sẽ nhắm mục tiêu vào bất kỳ tàu nào đến Israel hoặc rời khỏi đó cho tới khi Israel ngừng xung đột ở Dải Gaza.

Tàu chiến của Mỹ và các đồng minh đã đánh chặn nhiều tên lửa cùng UAV của Houthi trước khi chúng tiếp cận mục tiêu. Tối 11/1, Mỹ, Anh tập kích vào hàng chục mục tiêu của Houthi ở Yemen, khiến 11 thành viên Houthi thương vong. Sau đó, Houthi và Mỹ liên tục có động thái đáp trả lẫn nhau, đẩy căng thẳng trong khu vực leo thang.

Theo tổ chức tư vấn Quincy Institute for Responsible Statecraft (trụ sở ở Mỹ), có rất ít lựa chọn tốt để đối phó với Houthi. Nhóm vũ trang này rất "đáng gờm". Dù liên tục bị thử thách trong gần 2 thập kỷ chiến tranh, Houthi vẫn ngày càng lớn mạnh.

Từ năm 2014, khi nắm quyền kiểm soát thủ đô Sanaa của Yemen, Houthi đã xem xét có hệ thống và thu nạp nhiều kỹ sư, kỹ thuật viên và sĩ quan giỏi nhất trong quân đội và cơ quan tình báo Yemen vào lực lượng của mình.

Kết hợp với sự hỗ trợ của Iran, Houthi từ một lực lượng du kích thành một nhóm vũ trang mạnh về mặt quân sự. Ít nhất, Houthi đã là một thế lực trong khu vực. Ả Rập Saudi và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), 2 nước trong liên minh vùng Vịnh đối đầu Houthi ở lần can thiệp quân sự vào Yemen năm 2015, hiểu rõ điều này.

Sau nhiều lần bị Houthi xâm nhập biên giới, tấn công bằng tên lửa, UAV vào lãnh thổ và không thể giành chiến thắng trong lần can thiệp quân sự vào Yemen năm 2015, Ả Rập Saudi chuyển từ trạng thái chiến tranh sang đối thoại với nhóm vũ trang này.

Thay vì tiếp tục theo đuổi một chính sách kiểu mẫu như cách tiếp cận của người Mỹ, Ả Rập Saudi quay trở lại chính sách đối ngoại thận trọng với Houthi. Kể từ cuối năm 2022, Ả Rập Saudi đã có các cuộc đàm phán riêng với Houthi. Đây là một phần trong nỗ lực nhằm giảm căng thẳng và ổn định các khu vực dọc biên giới Ả Rập Saudi - Yemen dài 1.200km.

Các cuộc đàm phán kể trên, có sự hỗ trợ của Trung Quốc và Iran, gần như thành công trước khi xung đột Israel - Hamas nổ ra. Houthi phản đối chiến dịch của Israel vào Dải Gaza. Những động thái rắn của Houthi gần đây có thể phá hỏng các cuộc đàm phán này.

Người ủng hộ Houthi đốt cờ Mỹ và cờ Anh trong một cuộc biểu tình phản đối hoạt động không kích của Washington và London vào Yemen gần đây. Ảnh: Reuters

Người ủng hộ Houthi đốt cờ Mỹ và cờ Anh trong một cuộc biểu tình phản đối hoạt động không kích của Washington và London vào Yemen gần đây. Ảnh: Reuters

Có thông tin cho rằng chính quyền Mỹ của ông Biden đang xem xét đưa lại Houthi vào danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài (FTO). Chính quyền của ông Trump trước đây đã đưa Houthi vào danh sách này nhưng năm 2021, ông Biden đã thu hồi quyết định của người tiền nhiệm. Nếu thành hiện thực, động thái lần này của chính quyền ông Biden được cho là hợp lý hơn so với quyết định dưới thời ông Trump, nhưng sẽ có ít hoặc không có tác động đến Houthi hoặc giới lãnh đạo của nhóm vũ trang này.

Các thành viên cấp cao của Houthi không rời khỏi Yemen cũng như không có tài sản ở nước ngoài để bị tịch thu. Trên thực tế, ý định trên của chính quyền Mỹ nếu được thực hiện sẽ được Houthi xem như là "một chiến thắng" của nhóm này. Nếu Houthi bị đưa vào danh sách FTO, những người ảnh hưởng trực tiếp là người dân Yemen. Các tổ chức phi chính phủ cung cấp viện trợ nhân đạo cho quốc gia Trung Đông này sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Tấn công quân sự cũng không phải phương án hay để đối phó Houthi. Nhóm vũ trang này không chỉ trụ vững sau nhiều năm bị liên minh vùng Vịnh do Ả Rập Saudi dẫn đầu không kích mà còn phát triển mạnh về quân sự và chính trị. Các cuộc không kích của liên minh vùng Vịnh vào Yemen năm 2015 đã thổi bùng sự phẫn nộ của công chúng và đóng vai trò như "chất keo" gắn kết Houthi.

Cũng trong thời gian đó, Houthi đã cải thiện khả năng cất giấu vũ khí và cơ sở vật chất trong vùng núi non hiểm trở ở tây bắc Yemen cũng như trong các khu đô thị đông dân cư. Đồng thời, Houthi tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công xuyên biên giới bằng UAV, tên lửa vào sâu lãnh thổ Ả Rập Saudi.

Giống như việc đưa Houthi vào danh sách FTO, các cuộc tấn công của Mỹ và Israel vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen sẽ được nhiều người trong giới lãnh đạo Houthi xem là "một chiến thắng", nhất là những người có đường lối cứng rắn.

Các cuộc tấn công vào Yemen có khả năng làm tăng thêm sự ủng hộ của người Yemen dành cho Houthi. Các cuộc tấn công quân sự được cho là không làm suy giảm khả năng Houthi thực hiện các cuộc tấn công ở Biển Đỏ hoặc các khu vực khác.

Đáng lo ngại hơn, các cuộc tấn công như vậy của Mỹ hoặc Israel vào Yemen, ngay cả khi được kiểm soát, cũng có thể tạo ra một sự leo thang tác động lớn tới khu vực và thậm chí là thế giới. Houthi có khả năng cản trở việc lưu thông hàng hóa ở Biển Đỏ, ít nhất là trong ngắn hạn. Nhóm này cũng có thể nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng sản xuất năng lượng quan trọng của Ả Rập Saudi và UAE. Những cuộc tấn công như vậy, ngay cả khi thành công ở mức khiêm tốn, cũng có thể tác động đáng kể đến giá năng lượng toàn cầu.

Theo tổ chức tư vấn Quincy Institute for Responsible Statecraft (trụ sở ở Mỹ), Houthi đang kiểm soát "một vũ khí" đặc biệt. Đó là hơn 1 triệu thùng dầu ở ngoài khơi Biển Đỏ. Ban đầu, số thùng dầu này được chính phủ Yemen giữ trên tàu FSO Safer, được ví như kho chứa nổi, đậu gần bến cảng Hodeidah ở Biển Đỏ. Tháng 8/2023, Liên Hợp Quốc thông báo chuyển thành công hơn 1 triệu thùng dầu thô sang tàu chở dầu MOST Yemen vì tàu FSO đã quá cũ, tiềm ẩn nguy cơ tràn dầu, hủy diệt môi trường Biển Đỏ. Tàu MOST Yemen hiện neo đậu cách 2 cảng Hodeida và Ras Issa ở miền tây Yemen, khu vực chiến lược do Houthi kiểm soát, khoảng 6km. Giới lãnh đạo Houthi hiểu rõ về chiến tranh bất đối xứng và nếu bị dồn vào chân tường, họ có thể tấn công tàu này để gây thảm họa môi trường ở Biển Đỏ.

Trong khi các tên lửa và UAV của Houthi bị đánh chặn, nhiều người ở Yemen và thế giới Hồi giáo coi Houthi là lực lượng đang "đáp trả" hành động "gây hấn" của Israel. Điều quan trọng nhất với Houthi là các cuộc tấn công nhằm vào mục tiêu có liên kết với Israel đã củng cố sự ủng hộ của nhiều người Yemen dành cho nhóm.

Trước xung đột Israel - Hamas, Houthi phải đối mặt với những khó khăn trong việc giữ được sự ủng hộ trong nước. Tình trạng thất nghiệp, kinh tế kém phát triển, giá lương thực, năng lượng tăng cao đã gây xói mòn niềm tin của người dân Yemen dành cho Houthi. Houthi không mất kiểm soát ở vùng tây bắc Yemen nhưng các vết rạn nứt về sự ủng hộ ngày càng lớn dần.

Giờ đây, ngay cả những đối thủ cũ của Houthi cũng đang ra tín hiệu ủng hộ lực lượng này. Các thành viên chủ chốt của Islah - một nhánh của tổ chức Anh em Hồi giáo ở Yemen, có liên kết với chính phủ Yemen - gần đây đã gặp các quan chức Houthi ở thủ đô Sanaa.

Đây là điều đáng chú ý vì Islah từng tham gia vào cuộc giao tranh chết người, đối đầu với Houthi năm 2015. Các cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh vào Yemen, ngay cả khi là đáp trả hợp lý, cũng chỉ củng cố xu hướng trên và góp phần tăng cường thêm sự hỗ trợ cho Houthi.

Chiến đấu cơ tham gia hoạt động không kích của Mỹ, Anh vào Yemen tối 11/1. Ảnh: AP

Chiến đấu cơ tham gia hoạt động không kích của Mỹ, Anh vào Yemen tối 11/1. Ảnh: AP

Theo tổ chức tư vấn Quincy Institute for Responsible Statecraft (trụ sở ở Mỹ), không có lựa chọn nào là tốt nhất để đối phó với Houthi. Nhóm vũ trang này rất khó bị đánh bại nếu chỉ bằng biện pháp quân sự đơn thuần.

Ả Rập Saudi đang cố gắng tiết chế hành vi của Houthi bằng các cuộc đàm phán liên tiếp. Các quan chức Ả Rập Saudi hiểu rõ, có những người ôn hòa trong giới lãnh đạo Houthi. Những người này quan tâm đến kinh doanh và phát triển hơn chiến tranh. Ngay cả những người trong giới lãnh đạo Houthi theo đường lối cứng rắn giờ đây cũng có những của cải và tài sản cần bảo vệ.

Giới chức Ả Rập Saudi đang đánh cược vào một cách tiếp cận thúc đẩy sự ôn hòa thông qua các nỗ lực phát triển và tái thiết, sẽ thành công hơn trong trung và dài hạn so với việc quay trở lại chiến tranh. Houthi phát triển mạnh trong chiến tranh nhưng phát triển trong hòa bình lại là thách thức với họ.

Gần đây, các hành động rắn ngày càng leo thang của Houthi đều nhằm mục đích là để Mỹ và đồng minh có phản ứng mạnh. Theo các chuyên gia, những phản ứng như vậy là hợp lý, nhưng lại giúp Houthi đạt được mục đích mà họ muốn: Chiến tranh.

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên 1 23

Nguồn: [Link nguồn]

Từ giờ ăn trưa cho đến khi hoàng hôn, pháo kích và giao tranh giảm dần. Houthi và nhiều đơn vị quân đội Yemen ngầm định đình chiến để lực lượng 2 bên nhai lá "thiên đường", một thói quen mà phần lớn người dân Yemen duy trì từ lâu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - (t/h) ([Tên nguồn])
Tiềm lực của phong trào Houthi ở Yemen Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN