Hợp tác kinh tế Việt Nam - Mỹ: Nhìn lại thành tựu 10 năm đối tác toàn diện

Quan hệ Việt Nam - Mỹ đã đi được một chặng đường dài với nhiều thành công đáng kể, tiềm năng hợp tác tiếp tục vẫn còn rất lớn.

Theo lịch trình, chiều nay 10-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

TS Khoa học chính trị George Tyler, giảng dạy tại ĐH Michigan (Mỹ), đã dành cho báo Pháp Luật TP.HCM cuộc trao đổi sâu về sự kiện quan trọng này.

TS Khoa học chính trị George Tyler. Ảnh: LSA.UMICH.EDU

TS Khoa học chính trị George Tyler. Ảnh: LSA.UMICH.EDU

TS Tyler đánh giá chuyến thăm của Tổng thống Biden đến Việt Nam là cột mốc đáng kể của hai nước và là kết quả của nỗ lực ngoại giao thực chất từ cả hai phía. Bên cạnh đó, Việt Nam và Mỹ cũng đã đạt được nhiều điểm nhấn đáng chú ý trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại. Trong tương lai, triển vọng hợp tác hai nước được đánh giá là sẽ tiếp tục phát triển tích cực, với thêm nhiều hoạt động kết nối có lợi cho nhân dân hai nước.

Những cột mốc đáng chú ý

Ông Tyler cho biết trao đổi giá trị thương mại song phương Việt-Mỹ đã lên tới hơn 138 tỉ USD vào năm ngoái. Đây là sự tăng trưởng rất kinh ngạc, bởi vào giai đoạn hai nước mới bình thường hoá quan hệ vào năm 1995, thương mại hai bên chỉ vào khoảng 450 triệu USD. Mỹ hiện đang là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ bảy của Mỹ với khả năng cao là sẽ tiếp tục thăng hạng trong tương lai.

Gần đây, diễn biến đáng chú ý nhất của hai nước là khi Việt Nam cùng Mỹ trở thành những đối tác đầu tiên khởi động Sáng kiến về Khuôn khổ Kinh tế Thịnh vượng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) và cùng nhau tích cực thảo luận nhằm triển khai các nội dung cụ thể của IPEF trong thời gian sớm nhất. “Việc tham gia vào một cơ chế hợp tác quy mô lớn như vậy do Mỹ lãnh đạo ngay từ giai đoạn sơ khởi cho thấy Việt Nam ngày càng là một thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế và là một đối tác đáng tin cậy của Mỹ trong nỗ lực xây dựng khu vực thịnh vượng, ổn định” - TS Tyler nhận định.

Bộ Ngoại giao Việt Nam tiếp phái đoàn ngoại giao của Mỹ tại thủ đô Hà Nội hồi tháng 4. Ảnh: REUTERS

Bộ Ngoại giao Việt Nam tiếp phái đoàn ngoại giao của Mỹ tại thủ đô Hà Nội hồi tháng 4. Ảnh: REUTERS

Niềm tin của Mỹ còn được thể hiện qua dòng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nước này đổ về Việt Nam. Ông Tyler nhấn mạnh các doanh nghiệp Mỹ hiện đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng, có sức cạnh tranh tương đối tốt trong khối ASEAN nói riêng và khu vực châu Á nói chung.

“Nền kinh tế mở và định hướng thị trường của Việt Nam tạo được tiếng vang tốt với thị trường Mỹ. Mặt khác, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của đất nước đã ngày càng mở rộng tầng lớp trung lưu, kéo theo chi tiêu tiêu dùng tăng, mở rộng tiềm năng thị trường trong tương lai. Ngoài ra, lực lượng lao động trẻ và có trình độ học vấn cao của Việt Nam cũng hấp dẫn doanh nghiệp Mỹ” - TS Tyler nhận xét.

Chỉ tính trong năm nay, số liệu từ cổng thông tin chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy Mỹ đến nay đã có hơn 70 dự án đầu tư mới vào Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư là 489 triệu USD, tăng 132% so với cùng kỳ năm trước. Mỹ hiện là nhà đầu tư lớn thứ 11 trong tổng số 143 nhà đầu tư nước ngoài nhắm vào thị trường Việt Nam.

TS Tyler nhắc lại sự kiện đoàn đại diện của hơn 50 tập đoàn lớn ở Mỹ đã thăm Việt Nam hồi tháng 3 cho thấy sức hút rất lớn của Việt Nam hiện nay với giới doanh nghiệp Mỹ. “Gần như ở Đông Nam Á trong 5 năm trở lại đây chưa có nước nào được giới doanh nghiệp Mỹ quan tâm đến vậy như ở Việt Nam. Đó cũng là đoàn doanh nghiệp lớn nhất trong lịch sử Việt - Mỹ. Tôi tin rằng rồi đây sẽ có nhiều đoàn như thế, và nó sẽ mở ra chương mới trong lịch sử phát triển của Việt Nam” - TS Tyler khẳng định.

Tương lai hợp tác song phương rộng mở

Theo TS Tyler, quan hệ Việt - Mỹ tính từ khi hai nước chính thức nâng cấp quan hệ thành Đối tác toàn diện, đã có một “thập niên thành công đến khó tin”, là minh chứng rõ ràng cho thấy hoà bình hợp tác, tôn trọng sự khác biệt có thể xoá bỏ mọi bất đồng. Do vậy, ông Tyler cho rằng không có lý do gì để hai bên không thể tiếp tục vun đắp thêm 10 năm thành công nữa.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính sang dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Mỹ trong hai ngày 12 và 13-5 tại thủ đô Washington D.C. (Mỹ). Ảnh: TTXVN

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính sang dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Mỹ trong hai ngày 12 và 13-5 tại thủ đô Washington D.C. (Mỹ). Ảnh: TTXVN

Về kinh tế - thương mại, chuyên gia cho rằng đây sẽ tiếp tục là mũi nhọn trong quan hệ song phương khi xu hướng doanh nghiệp Mỹ tìm kiếm nơi mở rộng cơ sở sản xuất sẽ ngày càng tăng trong tương lai. Bên cạnh đó, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập với thế giới, hai nước sẽ dễ dàng có điều kiện hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực đòi hỏi tính kỹ thuật cao như phát triển công nghệ cao, chuyển đổi kinh tế số và bảo đảm sự bền vững của chuỗi cung ứng.

Hai nước nhiều năm qua đã tổ chức một số phiên thảo luận về các nội dung này, song TS Tyler đánh giá vẫn chưa có nhiều hoạt động thực chất, và kỳ vọng chuyến thăm của ông Biden lần này sẽ là sự kiện đột phá để tăng tốc hợp tác Việt - Mỹ.

“Đây không chỉ là những lĩnh vực chỉ riêng Việt Nam và Mỹ cùng nhắm tới, mà ASEAN trong những năm gần đây cũng đã nhắc tới các khái niệm trong văn kiện làm việc của khối. Việc hợp tác như vậy hoà hợp lợi ích của Việt Nam, Mỹ và những nước khác trong khu vực - phù hợp với tầm nhìn của Mỹ cho khu vực Đông Nam Á” - theo TS Tyler.

Chiều 9-9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu John Kerry đang thăm làm việc tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều 9-9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu John Kerry đang thăm làm việc tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Một lĩnh vực khác mà hai nước cũng có thể tăng cường hợp tác là chống biến đổi khí hậu. Là một trong những quốc gia được đánh giá chịu rủi ro khí hậu cao nhất thế giới, hợp tác với Mỹ trên lĩnh vực này cần là ưu tiên của Việt Nam. Chuyên gia Tyler cho biết Cơ quan Phát triển Quốc tế (USAID) của Mỹ đang làm việc chặt chẽ với lãnh đạo Việt Nam trên hàng loạt các dự án về tái tạo mảng xanh, năng lượng sạch và đảm bảo an ninh năng lượng.

Tuy nhiên, vẫn cần rất nhiều những dự án như vậy để giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu khí hậu, chẳng hạn như mục tiêu giảm phát thải ròng xuống bằng 0 trước năm 2050.

“Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry trong chuyến thăm Việt Nam hồi năm ngoái đã nhấn mạnh rằng Washington sẵn sàng hỗ trợ mạnh cho Việt Nam về lĩnh vực khí hậu. Tôi tin rằng nỗ lực từ phía các bạn với sự hỗ trợ của Mỹ sẽ giúp Việt Nam hoàn thành các mục tiêu khí hậu đề ra. Khu vực cần một chiến thắng như vậy trước các thông tin đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu” - TS Tyler nhận định.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhiều tập đoàn lớn của Mỹ đang mở rộng, tăng vốn đầu tư vào Việt Nam

Mỹ duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ. Trong năm nay, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ đang...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN