Hộp sọ "Người Rồng" ở Trung Quốc thuộc về một loài người khác?
Theo các nhà khoa học Trung Quốc, một hộp sọ cổ xưa có thể thuộc về một loài người hoàn toàn mới.
Hộp sọ "Người Rồng" có thể thuộc về một loài người mới. Ảnh: Chuang Zhao
Theo BBC, vài năm gần đây, hộp sọ với biệt danh "Người Rồng" thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu vì được cho là thuộc về một loài người hoàn toàn mới.
Câu chuyện về việc tìm thấy hộp sọ "Người Rồng" cũng được cho là có yếu tố ly kỳ. Năm 1933, một công nhân xây dựng cầu trên sông Tùng Hoa, chảy qua thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, phát hiện hộp sọ trong quá trình làm việc.
Thành phố Cáp Nhĩ Tân thời điểm đó dưới quyền kiểm soát của quân Nhật. Vì cho rằng hộp sọ là thứ có giá trị văn hóa lớn với đất nước, công nhân người Trung Quốc đã lén đem nó về nhà cất giấu dưới đáy giếng trong suốt 80 năm. Khi nằm trên giường bệnh, người này mới tiết lộ cho gia đình về sự tồn tại của hộp sọ. Gia đình của công nhân này sau đó bàn giao hộp sọ cho các nhà khoa học.
Ji Qiang, nhà cổ sinh vật học làm việc tại Đại học GEO Hà Bắc (Trung Quốc) và là người nghiên cứu hộp sọ "Người Rồng", từng nói năm 2022 rằng, hộp sọ này có thể là của một người đàn ông khoảng 50 tuổi, sống cách đây 150.000-300.000 năm trước ở vùng mà ngày nay là đông bắc Trung Quốc.
Theo ông Ji, các đặc điểm giải phẫu cho thấy, hộp sọ thuộc về loài người Homo Longi thay vì người Neanderthal. Homo Longi được cho là một loài mới, là họ hàng gần nhất của loài người hiện nay. Homo Longi được đặt theo chữ "long" trong tiếng Trung, có nghĩa là "rồng".
"Xét về các hóa thạch trong 1 triệu năm qua, đây là một trong những hóa thạch quan trọng nhất được phát hiện", BBC News năm 2021 dẫn lời giáo sư Chris Stringer, một trong những chuyên gia hàng đầu của Anh về tiến hóa nhân loại và cũng là người nghiên cứu về hộp sọ "Người Rồng". "Những gì có ở đây là một nhánh riêng biệt của loài người, không tiến hóa thành loài người ngày nay, mà đại diện cho một dòng dõi riêng biệt đã tồn tại và phát triển trong hàng trăm nghìn năm trước khi tuyệt chủng".
Các nhà nghiên cứu cho rằng phát hiện này có khả năng viết lại câu chuyện về sự tiến hóa của nhân loại.
Chân dung về loài người mới thời nguyên thủy. Ảnh: Chuang Zhao
Theo TBS News, hộp sọ "Người Rồng" lớn hơn so với trung bình hộp sọ của một số loài người khác, bao gồm cả loài người hiện nay. Bộ não của loài người mới phát hiện có kích thước tương đương với loài người ngày nay.
Hộp sọ "Người Rồng" có hốc mắt lớn, gần như hình vuông, đường xương lông mày dày, miệng rộng và răng lớn. Nhà cổ sinh vật học Ji nói đây là một trong những hóa thạch sọ người nguyên thủy hoàn chỉnh nhất từng được phát hiện.
"Hộp sọ có sự kết hợp giữa các đặc điểm nguyên thủy và một số đặc điểm hiện đại hơn, tạo nên sự khác biệt so với tất cả các loài người khác", ông Ji nói.
Trong một lần trả lời phỏng vấn với tạp chí Sixth Tone năm 2022, nhà cổ sinh vật học Ji cho biết, một số học giả phương Tây coi các đặc điểm của hộp sọ "Người Rồng" không đủ đặc biệt để xem nó là một loài người mới. Vì vậy, họ liệt nó vào một phân loài của nhóm người cổ đại khác đã được biết tới. Nhưng để trở thành một phân loài, một sinh vật cần phải sống cách ly về mặt địa lý với các phân loài khác. Đó là điều chưa được xác nhận vào lúc này.
"Vì vậy, chúng ta có thể gọi hộp sọ 'Người Rồng' là của một loài người mới. Nếu chúng ta khám phá thêm về hộp sọ này, việc phân loại loài của nó có thể thay đổi. Trong giới cổ sinh vật học, việc thay đổi tên gọi một loài khá phổ biến", ông Ji nói thêm.
Các chuyên gia cho rằng, có những dấu vết cho thấy, cuộc phẫu thuật cho một chiến binh đã thành công cách đây 2.000 năm.
Nguồn: [Link nguồn]