Hong Kong đã chủ quan như thế nào để số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt trở lại?
Chỉ một tuần trước, Hong Kong dường như còn là tấm gương chống dịch Covid-19 với số ca nhiễm ở mức thấp sau nhiều tháng đối phó dịch bệnh. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi chóng mặt chỉ sau vài ngày.
Theo CNN, chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong, Trung Quốc ban đầu đã đặc biệt cảnh giác với nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ đại lục. Từ đó, Hong Kong đề ra hàng loạt biện pháp kiểm soát dịch bệnh như lập bản đồ lây nhiễm virus, cách ly xã hội, khuyến cáo mọi người rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang và tự bảo vệ bản thân.
Nhờ các biện pháp này, đặc khu với 7,5 triệu dân chỉ ghi nhận khoảng 100 ca nhiễm cho đến đầu tháng 3. Đó là lúc virus Corona lây lan sang Nhật Bản, Hàn Quốc và cả châu Âu, Bắc Mỹ.
Nhưng giờ đây, mọi chuyện đã thay đổi nhanh chóng, thể hiện sự chủ quan của Hong Kong trong cuộc chiến chống Covid-19. Chỉ sau 2 tuần, Hong Kong ghi nhận thêm 50 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm lên 150.
Từ ngày 18.3-22.3, số ca nhiễm tăng gấp đôi, từ khoảng 160 lên con số 318. Đa số các ca lây nhiễm là do người từ nước ngoài trở về Hong Kong.
Người dân Hong Kong đeo khẩu trang khi ra đường.
Theo CNN, các biện pháp kiểm dịch, cách ly người nhập cảnh từ nước ngoài của Hong Kong rõ ràng đã không hiệu quả. Người dân cũng không còn tâm thế chống dịch như trước. Các ca lây nhiễm trong cộng đồng vì thế quay trở lại.
Đến lúc này, Hong Kong mới quay trở lại trạng thái chống dịch, theo dõi mọi trường hợp nhập cảnh bằng thiết bị điện tử gắn vào tay, cách ly tại nhà đối với tất cả các những người trở về từ nước ngoài. Ai cố tình vi phạm có thể bị khởi tố hình sự.
Cảnh sát Hong Kong cũng tăng cường tuần tra vào ban đêm và bắt giữ 5 người vi phạm quy định cách ly. Hai trong số này cố tình cắt bỏ thiết bị điện tử gắn trên người để ra ngoài.
Đến ngày 23.3, công chức Hong Kong một lần nữa lại làm việc ở nhà, nhiều công ty tư nhân cũng bắt đầu có động thái tương tự.
Hai hành khách hạ cánh xuống sân bay ở Hong Kong, mặc đồ bảo hộ kín mít.
Một trong những cố vấn y tế hàng đầu của chính phủ cảnh báo rằng nhà chức trách có thể phải ra lệnh phong tỏa, hỗ trợ tài chính cho những người bị ảnh hưởng, từ đó ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới.
Cuối tuần trước, trưởng đặc khu hành chính Hong Kong, Carrie Lam tuyên bố thành phố “đã vượt qua được hai đợt lây nhiễm”.
“Đợt một là làn sóng lây nhiễm từ đại lục, đợt hai là lây nhiễm trong cộng đồng, với các ổ dịch từ nhà hàng, nơi tụ tập đông người”, bà Lam nói. “Giờ chúng ta đang đương đầu với đợt lây nhiễm thứ ba”.
Bà Lam hối thúc người dân không nên quá lo lắng khi thấy số ca nhiễm mới tăng vọt vì điều này phản ánh tình trạng lây lan nhanh trên toàn cầu.
Ở Trung Quốc đại lục, giới chức nước này đã phải chuyển hướng nhiều chuyến bay để san sẻ việc kiểm tra và cách ly 14 ngày với những người nhập cảnh từ nước ngoài.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Có nhiều ghi nhận trên khắp Trung Quốc đại lục về một tỉ lệ nhỏ bệnh nhân được cho ra viện nhưng sau này xét nghiệm...