Hỗn loạn ở Armenia: Thủ tướng lo đảo chính, người biểu tình đụng độ cảnh sát
Căng thẳng leo thang mới nhất ở khu vực ly khai Nagorno-Karabakh đã gây ra tình trạng bất ổn ở Armenia.
Video: Người biểu tình đụng độ cảnh sát, đòi xông vào tòa nhà chính phủ Armenia. Nguồn: War Monitors X
Theo đài RT, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan ngày 19/9 cảnh báo về một "cuộc đảo chính" tiềm ẩn có thể xảy ra ở thủ đô Yerevan trong bối cảnh các cuộc biểu tình lan rộng ở Armenia liên quan đến Nagorno-Karabakh, khu vực ly khai khỏi Azerbaijan do lực lượng thân Armenia kiểm soát.
"Như dự đoán, có nhiều tuyên bố khác nhau xuất hiện ở nhiều nơi, trong đó có lời kêu gọi tổ chức một cuộc đảo chính ở Armenia", ông Pashinyan tuyên bố ngày 19/9, đồng thời cam kết duy trì "luật pháp, trật tự" và đưa ra phản ứng phù hợp với các "âm mưu đảo chính".
Trước đó, Azerbaijan tuyên bố "thực hiện các biện pháp chống khủng bố mang tính chất địa phương" tại khu vực ly khai Nagorno-Karabakh, cáo buộc Armenia bí mật tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực này.
Chính quyền Baku khẳng định chỉ nhằm mục tiêu vào các cơ sở quân sự trong khu vực và mở hành lang nhân đạo để sơ tán người dân. Trong khi đó, chính quyền Yerevan mô tả động thái của Azerbaijan "là một sự xâm lược quy mô lớn nhằm vào Nagorno-Karabakh". Armenia cũng phủ nhận triển khai bất cứ đơn vị nào đến khu vực ly khai này.
Căng thẳng leo thang ở Nagorno-Karabakh đã gây ra tình trạng hỗn loạn ở Armenia, khi hàng nghìn người tràn xuống đường phố Yerevan để biểu tình. Họ tập trung ở trung tâm thủ đô của Armenia và cố gắng làm gián đoạn giao thông. Những người biểu tình còn cáo buộc Thủ tướng Armenia là "kẻ phản bội", đồng thời kêu gọi quân đội nước này can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở khu vực Nagorno-Karabakh.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan. Ảnh: AA
Theo phóng viên đài RT ở Yerevan, đám đông biểu tình đã cố gắng xông vào các tòa nhà chính phủ. Cảnh sát buộc phải can thiệp bằng lựu đạn gây choáng và hơi cay.
Video tại hiện trường cho thấy, một nhóm cảnh sát đứng xung quanh tòa nhà chính phủ vào chiều 19/9. Nhiều chai lọ dưới đất cho thấy đám đông biểu tình đã ném chúng về phía cảnh sát. Cửa kính của tòa nhà cũng bị nứt vỡ. Một video trên mạng xã hội ghi lại cảnh người biểu tình đấm, đá các cảnh sát khi định cố gắng vượt rào vào trong tòa nhà chính phủ.
Cảnh sát buộc phải sử dụng hơi cay và lựu đạn gây choáng. Một số người biểu tình cho biết họ bị thương nhẹ khi đụng độ với cảnh sát.
Đám đông biểu tình còn hô vang "Thủ tướng Pashinyan là kẻ phản bội". Theo đài RT, khẩu hiệu này có thể ám chỉ đến tuyên bố của ông Pashinyan hồi đầu hè năm nay, rằng ông sẽ công nhận chủ quyền của Azerbaijan với khu vực Nagorno-Karabakh nếu chính quyền Baku đảm bảo nhân quyền cho người dân của khu vực này (chủ yếu là người Armenia).
Nagorno-Karabakh, nơi có phần lớn người Armenia sinh sống, ly khai khỏi Azerbaijan vào thập niên 90 và duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Armenia kể từ đó. Bất chấp sự thân thiết đó, Armenia chưa bao giờ chính thức thừa nhận Nagorno-Karabakh là một quốc gia độc lập hoặc có ý định sáp nhập khu vực này.
Armenia, một nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô, hiện là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) - khối quân sự do Nga dẫn đầu. Moscow đã làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn trong cuộc xung đột quy mô lớn giữa Armenia và Azerbaijan liên quan đến khu vực Nagorno-Karabakh vào năm 2020.
Thỏa thuận ngừng bắn cho phép khoảng 2.000 lính gìn giữ hòa bình Nga được triển khai tới Nagorno-Karabakh để bảo vệ hành lang Lachin, con đường duy nhất nối liền khu vực này với Armenia.
Tuy nhiên, lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga không ngăn cản quân đội Azerbaijan lập một trạm kiểm soát quân sự dọc hành lang Lachin. Armenia cho rằng Azerbaijan đang phong tỏa khu vực Nagorno-Karabakh. Azerbaijan phủ nhận cáo buộc này, trong khi Nga khẳng định lực lượng gìn giữ hòa bình vẫn đang làm đúng nhiệm vụ.
Thực tế đó khiến chính phủ Armenia cảm thấy bất an. Họ kỳ vọng nhận được sự bảo vệ từ khối quân sự do Nga dẫn đầu nhưng nhận về thất vọng. Theo đài RT, chính điều này khiến chính quyền của ông Pashinyan "quay lưng" với Moscow và thiết lập quan hệ ngoại giao với phương Tây.
Trong những tháng gần đây, Armenia đã gửi tiền viện trợ cho Ukraine, tập trận quân sự với Mỹ và bắt đầu quá trình gia nhập Tòa Hình sự Quốc tế (ICC), cơ quan đưa ra lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan tới cáo buộc ở Ukraine.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi Azerbaijan "chấm dứt ngay các hành vi thù địch" nhằm vào cộng đồng người Armenia ở vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh. Chiến dịch "chống...