Trên đỉnh đồi ở phía tây bắc của đảo Kim Môn Đài Loan là nơi đặt Bức tường phát sóng Beishan. Đây là cấu trúc bê tông cao chót vót với 48 chiếc loa phóng thanh.
Hàng thập kỷ trước, cỗ máy tuyên truyền hướng về phía đại lục là nơi phát các ca khúc nhạc Pop và thông điệp của Đài Loan gửi tới người dân đại lục ở thành phố Hạ Môn, cách đảo Kim Môn 10km.
Bức tường phát sóng Beishan được xây dựng vào năm 1967, là di sản từ thời xung đột giữa Trung Quốc đại lục và phe Quốc Dân Đảng ở Đài Loan.
Hòn đảo nhỏ nhưng mang ý nghĩa chiến lược
Kết thúc nội chiến Trung Quốc năm 1949, quân Tưởng Giới Thạch phải rút về các đảo ở Đài Loan, tách biệt hoàn toàn với đại lục. Trung Quốc vẫn luôn coi Đài Loan là vùng lãnh thổ không thể tách rời, nếu cần sẽ phải thu hồi bằng vũ lực.
Đảo Kim Môn thuộc Đài Loan nằm rất gần đại lục, là nơi có vị trí địa chính trị chiến lược, thường là chiến trường giữa hai bên. Trong trường hợp chiến tranh nổ ra giữa Trung Quốc và Đài Loan, đảo Kim Môn sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên.
Kim Môn có nghĩa là “Cổng Vàng”, là nơi Đài Loan tập kết lực lượng hùng hậu trong 43 năm, từ năm 1949-1992. Khi quan hệ hai bờ eo biển cải thiện, các hoạt động tuyên truyền, quân sự trên đảo Kim Môn mới chấm dứt.
Trong vài năm gần đây, đảo Kim Môn trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng, nhờ chính sách cởi mở giữa Đài Loan và đại lục.
Seong-hyon Lee, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Sejong Hàn Quốc, người từng đến thăm đảo Kim Môn vào năm 2019, so sánh hòn đảo với Khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Triều Tiên.
“Tôi nghĩ đây là DMZ của Đài Loan”, Lee nói với CNN. “Tôi nghĩ rằng người Hàn Quốc nào đến thăm hòn đảo cũng sẽ có cảm nhận như vậy”.
Lee nói những dàn loa công suất lớn, các vật cản quân sự rải rác trên bãi biển hay đường hầm bí mật khiến ông nghĩ đến vùng ranh giới giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Nhưng cũng có những khác biệt.
“So với DMZ, đảo Kim Môn nay có hình ảnh quảng bá du lịch lớn hơn là vùng tiền tuyến”, ông Lee nói. “"Mặc dù vẫn còn binh sĩ đóng quân và nhiều câu chuyện lịch sử liên quan đến chiến tranh, Kim Môn còn có một khu phố cổ, nơi du khách có thể nhìn thoáng qua về cuộc sống của người dân địa phương”.
“Trong giai đoạn đầu, có tới 10 vạn quân đồn trú ở Kim Môn. Hòn đảo phụ thuộc vào lực lượng đông đảo này để tạo nguồn thu phát triển kinh tế”, Chien-kang Ting, giám đốc Cơ quan Du lịch Kim Môn, nói.
“Khi hầu hết các binh sĩ rời đi, nền kinh tế Kim Môn rơi tự do. Đến khi Kim Môn mở cửa với công chúng từ năm 1993, du lịch trở thành yếu tố sống còn của hòn đảo”, ông Tang nói thêm.
Khi Trung Quốc đại lục và Đài Loan cải thiện quan hệ, Kim Môn trở thành nơi “các cuộc trao đổi và giao lưu văn hóa diễn ra”. “Các học giả Hàn Quốc hay tới đây để nghiên cứu và tìm hiểu xem người dân hai bờ eo biển Đài Loan giao lưu với nhau như thế nào”, ông Lee nói.
Kể từ năm 2015, người dân đại lục được tự do đến đảo Kim Môn mà không cần giấy thông hành. Các đường bay thẳng cũng được mở rộng. Nhiều hãng hàng không cung cấp các chuyến bay đến Sân bay Kim Môn Thượng Nghĩa từ nhiều thành phố đại lục. Trước đại dịch, hơn 40 chuyến phà chở khách qua lại giữa Kim Môn và Hạ Môn mỗi ngày.
“Điều này mở ra chương mới trong lịch sử du lịch Kim Môn”, ông Ting nói. “Kim Môn trở thành cầu nối quan trọng giữa người dân đại lục và Đài Loan”.
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19
Năm 2019, Kim Môn đón 2,5 triệu lượt khách du lịch. Khoảng 41% trong số này đến từ đại lục. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đã phủ bóng đen lên triển vọng phát triển du lịch của hòn đảo.
“Khách du lịch giảm 93,96% trong năm 2020 do dịch Covid-19”, ông Ting nói. Các chuyến bay, chuyến phà bị hủy kể từ tháng 2.2020.
“Đó thực sự là cú sốc với người dân trên đảo Kim Môn. Nửa đầu năm 2020, chúng tôi chẳng kinh doanh được gì”, Leo Hung, chủ sở hữu của Huang Cuo San Ceng Lou, nhà hàng phục vụ bữa sáng nổi tiếng với các món khoai môn Đài Loan, nói.
Nhưng du lịch trên đảo Kim Môn dần phục hồi sau vài tháng, khi Đài Loan kiểm soát thành công dịch Covid-19. Các hoạt động du lịch nội địa được khôi phục.
“Cuộc khủng hoảng đặt ra thách thức, nhưng cũng là cơ hội để chúng tôi xem xét lại ngành công nghiệp du lịch trên đảo”, ông Ting nói.
Văn phòng du lịch cùng chính quyền đã tung ra một loạt các sự kiện và phát phiếu du lịch để thu hút thêm nhiều khách du lịch Đài Loan đến Kim Môn.
Ước tính hơn 25.000 du khách và các cựu binh đã đến thăm hòn đảo trong giai đoạn thúc đẩy du lịch ở Đài Loan.
Đến tháng 7.2020, số du khách đến Kim Môn tăng lên 184.714. Một tháng sau, số du khách đến thăm hòn đảo còn tăng hơn cùng kỳ năm 2019.
Rút kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19, giới chức đảo Kim Môn đặt mục tiêu mở rộng các ngành dịch vụ và đa dạng hóa đối tượng khách du lịch.
"Kim Môn có nhiều điểm tham quan tuyệt đẹp, ví dụ như Phố cổ Shamei, đảo Jiangongyu - phiên bản thu nhỏ của hòn đảo du lịch nổi tiếng Mont-Sant-Michel ở Pháp và pháo đài tuần tra Fengshang – được ví như “Vạn lý Trường Thành thu nhỏ’”, ông Ting nói.
“Các địa điểm nổi tiếng giúp khách tham quan như được trải cảm giác ở nơi hoàn toàn khác biệt. Làm thay đổi hoàn toàn những gì mọi người nghĩ về Kim Môn”, ông Ting nói thêm.