Hơn 50 quốc gia chạy đua sản xuất vũ khí tích hợp trí tuệ nhân tạo
Theo Douglas Shaw, Cố vấn cấp cao của chương trình Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân Mỹ: “Tôi có thể dễ dàng tưởng tượng ra một tương lai, trong đó số lượng máy bay không người lái tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) đông hơn đáng kể số lượng người trong lực lượng vũ trang”.
Từ sự thành công của Trung Quốc
Truyền thông Trung Quốc vừa đưa tin, nước này đã tích hợp thành công trí tuệ nhân tạo vào máy bay chiến đấu siêu thanh tốc độ gấp 11 lần tốc độ âm thanh (Mach 11) và đã mô phỏng thành công một trận không chiến khi máy bay siêu thanh này chạm trán với một máy bay chiến đấu đang bay với tốc độ Mach 1.3, gần bằng tốc độ tối đa của chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Mỹ. Nếu như cách thức chiến đấu truyền thống, phi công Trung Quốc sẽ rượt đuổi đối phương và khai hỏa mục tiêu. Tuy nhiên, khi được tích hợp trí tuệ nhân tạo, phi công đã bay đến một vị trí bất ngờ, vượt máy bay địch khoảng 30km và tấn công mục tiêu.
Vũ khí tích hợp AI, nỗi lo của nhân loại - Ảnh foreignpolicy.
Dựa trên kết quả thông báo từ máy tính, tên lửa đã bắn trúng máy bay địch với tốc độ lên đến Mach 11, kết thúc trận không chiến chưa đến 8 giây. Các nhà nghiên cứu đã mô phỏng trận chiến ở tốc độ từ Mach 5 đến Mach 11.
Theo Phó giáo sư Liu Yanbin tại Đại học Hàng không Vũ trụ Nam Kinh, bằng cách tiếp cận phản trực giác này mang lại tầm sát thương xa nhất với rủi ro thấp nhất cho phi công. Dù có nhiều ưu điểm khi không chiến nhờ chi phí thấp, tốc độ nhanh và tính cơ động cao. Nhưng hệ thống điều khiển hỏa lực vẫn chưa được phát triển cho máy bay ở tốc độ siêu thanh từ Mach 5 trở lên. Do vậy đặt ra những yêu cầu mới đối với hệ thống điều khiển hỏa lực. Hệ thống này phải có khả năng thực hiện các tính toán cực kỳ chính xác và AI có thể giải quyết vấn đề này đồng thời sử dụng trong máy bay siêu thanh để cải thiện hiệu suất chiến đấu. Khi mô phỏng tốc độ đã đạt Mach 11 và phạm vi tấn công tối đa của máy bay siêu thanh. Việc áp dụng AI trong hệ thống điều khiển hỏa lực có thể cải thiện phản xạ của phi công, cũng như tốc độ phản ứng tấn công và phòng thủ của hệ thống.
Mỹ phát triển hơn 600 dự án
Một trong những nỗ lực lớn nhất, mặc dù vẫn còn non trẻ, nhằm thúc đẩy AI là chương trình bí mật của Không quân Hoa Kỳ, mang tên Nâng cấp Không chiến (ACE), trong đó khoảng 1.000 máy bay không người lái tích hợp AI, được gọi là máy bay chiến đấu hợp tác, hoạt động cùng với 200 máy bay được điều khiển. Tác chiến trong tương lai có thể thay đổi bất ngờ khi Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử gắn phi công ảo AI trên tiêm kích F-16.
Cơ quan nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA) vừa cho hay, một tiêm kích F-16 của nước này đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm do AI điều khiển lần đầu tiên trong lịch sử. Ngoài điều khiển máy bay, AI còn tham gia vào một cuộc diễn tập giả lập tấn công mục tiêu. Đây được xem là diễn biến đánh dấu một bước đột phá quan trọng của ngành quốc phòng Mỹ trong việc phát triển các năng lực liên quan tới AI trong hoạt động tác chiến tương lai. Cùng với phi công người thật trong buồng lái, 2 chương trình AI đã điều khiển chiếc tiêm kích F-16 đã thực hiện 12 cuộc thử nghiệm hồi tháng 12 năm ngoái ở căn cứ Edwards, bang California.
Chiếc tiêm kích tham gia thử nghiệm là F-16 hai chỗ ngồi được chỉnh sửa, với tên gọi "VISTA", theo DARPA. VISTA được cải tiến để AI có thể điều khiển thiết bị. Ngoài ra, máy bay này cũng có thể bắt chước các đặc tính của các dòng máy bay khác nhau, bao gồm F-16 và máy bay không người lái MQ-20, nhằm phục vụ hoạt động huấn luyện và thử nghiệm.
Theo DARPA, trong chưa đầy 3 năm, các thuật toán AI được phát triển theo ACE của DARPA đã đạt bước tiến từ việc điều khiển những chiếc F-16 mô phỏng trên màn hình máy tính sang điều khiển một chiếc F-16 chiến đấu ngoài đời thực. DARPA kết luận, công nghệ AI của Mỹ có thể điều khiển một máy bay chiến đấu trên thực tế. Chuyến bay thử nghiệm thành công là một bước đột phá đối với chương trình ACE của DARPA, vốn bắt đầu từ năm 2019 dựa trên ý tưởng con người có thể hợp tác với máy móc trong không chiến.
Lầu Năm Góc đang tích hợp AI vào hơn 600 dự án, bao gồm cả ACE, để tăng cường khả năng phòng thủ của quốc gia. Chương trình cũng đánh dấu một bước tiến lớn trong công nghệ quốc phòng hiện đại và có thể tạo ra bước ngoặt khi tích hợp AI với hoạt động tác chiến trong tương lai. Mỹ trong những năm qua đã lên chiến lược về ứng dụng AI trong mọi lĩnh vực trong quân đội, từ thu thập thông tin tình báo, tới điều khiển khí tài quân sự.
Kỷ nguyên tác chiến AI đang gần
Một bằng chứng cho thấy kỷ nguyên của công nghệ AI trong tác chiến đang tới rất gần chính là những diễn biến ở chiến sự Nga - Ukraine.
Nga đang thử nghiệm robot chiến đấu Uran-9 ở Ukraine, vũ khí trông giống xe tăng với súng nòng 30mm, súng phun lửa và 4 tên lửa chống tăng. Ngoài ra, Lục quân Nga đã có kế hoạch phát triển một số loại robot chiến đấu mạnh hơn nữa, dựa trên các xe tăng uy lực T-72 và T-14 Armata. Những robot này có thể mang vũ khí hạng nặng và tự chủ tấn công mục tiêu dựa trên phần mềm đã lập trình sẵn.
Nga còn có tham vọng tăng cường tự động hóa các loại vũ khí và thiết bị thông thường do con người vận hành giống như Mỹ đang làm với F-16, Nga cũng phát triển tính năng AI trên máy bay Su-57, hay còn gọi là phi công ảo, với mục tiêu có thể cho phép nó thực hiện hầu hết các nhiệm vụ mà không cần phi công người thật trong buồng lái. Ngay cả những chiếc xe tăng kiểu cũ cũng được tự động hóa và điều khiển từ xa.
Theo giới quan sát, cuộc chiến kéo dài gần 2 năm qua có thể là tiền đề cho sự ra mắt của các robot chiến đấu hoàn toàn tự động trên chiến trường. Nếu điều này xảy ra, nó sẽ đánh dấu một kỷ nguyên mới về tác chiến hiện đại, có thể so sánh với thời điểm mà súng máy xuất hiện dẫn tới sự tái định nghĩa lại các phương pháp chiến đấu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố rằng, trong kỷ nguyên mới, bên nào làm chủ được công nghệ thông tin và AI sẽ là bên có sức mạnh "thống trị" được thế giới. Sự phát triển của công nghệ không người lái trong thời gian qua khiến các chuyên gia cho rằng, cuộc chiến càng kéo dài thì khả năng các thiết bị tự vận hành xuất hiện càng lớn. Chúng sẽ tự xác định, khóa và tấn công mục tiêu mà không cần sự hỗ trợ từ con người. Trong cuộc chiến kéo dài gần 2 năm qua, cả Nga và Ukraine đều đang sở hữu dàn máy bay không người lái hùng hậu, lên tới hàng nghìn chiếc và chúng đang thể hiện uy lực trên chiến trường khi có thể phá hủy những vũ khí hạng nặng hiện đại nhất như xe tăng chiến đấu chủ lực, tàu chiến, máy bay.
Ukraine cũng có đội xuồng tự sát có khả năng tự tấn công mạnh mẽ, đe dọa tới lợi thế của hạm đội Nga ở khu vực Biển Đen. Zachary Kallenborn, nhà phân tích tại Đại học George Mason, cho biết: "Nhiều nước đang phát triển công nghệ AI. Rõ ràng, nó không phải là một loại vũ khí quá khó để chế tạo". Chuyên gia quân sự Douglas Shaw nhận định: "Tôi có thể dễ dàng tưởng tượng ra một tương lai trong đó máy bay không người lái đông hơn số người trong lực lượng vũ trang khá nhiều.
Một ưu điểm lớn nhất của AI chính là công nghệ có thể khiến giảm thương vong trong các cuộc giao tranh. Bằng cách mở rộng đáng kể vai trò của thiết bị không người lái do AI điều khiển trong lực lượng không quân, hải quân và lục quân, mạng sống của con người có thể được bảo toàn. Hiện thời, nhiều nền quân đội đã phát triển các đội robot chiến đấu tự vận hành. Theo Asia Times, tương lai của tác chiến có thể là cuộc đối đầu của máy móc và công nghệ.
Chương trình Nâng cấp Không chiến của Mỹ sẽ có khoảng 1.000 máy bay không người lái tích hợp AI.
Những lo ngại cho nhân loại
Với sự phát triển mạnh như vũ bão của AI, các chuyên gia tỏ ra lo ngại về mối đe dọa của nó gây ra đối với nhân loại.
Thứ nhất, các phần mềm AI có thể giúp các cường quốc ra quyết định nhanh chóng hơn, trong vài phút, thay vì vài giờ hoặc vài ngày như hiện tại, nhờ khả năng xử lý lượng dữ liệu khổng lồ nhanh chóng. Đây là điều được xem khá rủi ro, nhất là khi các nước này nắm trong tay kho vũ khí hạt nhân. Chuyên gia Herbert Lin từ Đại học Stanford cảnh báo, việc phụ thuộc vào dữ liệu từ AI để đưa ra quyết định do trí tuệ nhân tạo tính toán nhanh hơn rất nhiều con người có thể khiến nguy cơ xung đột bùng phát lớn hơn.
Một mối lo ngại khác là công nghệ AI tiên tiến có thể cho phép những kẻ xấu như đối tượng khủng bố có được kiến thức và công nghệ trong việc chế tạo vũ khí gây chết người. Mặt khác, thông tin do AI cung cấp có thể bị vũ khí hóa một cách tiêu cực gây ảnh hưởng tới nhân loại. Kẻ xấu có thể dùng thông tin giả mạo để khiến AI đưa ra khuyến nghị sai lầm tới những người có quyền ra quyết định, gây ra rủi ro lớn.
Rõ ràng là một cuộc chạy đua vũ trang liên quan tới AI đang diễn ra và việc ngăn chặn nó không mấy dễ dàng. Trong một bức thư ngỏ vào cuối tháng 3 năm ngoái, hơn 2.000 nhà lãnh đạo và nhà nghiên cứu công nghệ, bao gồm cả tỷ phú Elon Musk, đã kêu gọi các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới tạm dừng đào tạo các mô hình AI mới nhất vì lo ngại rằng chúng có thể dẫn đến thảm họa cho con người. "Chúng ta phải tự hỏi rằng, chúng ta có nên phát triển những bộ óc phi nhân loại mà cuối cùng có thể đông đảo hơn, thông minh hơn và thay thế chúng ta không? Chúng ta có nên mạo hiểm và có thể dẫn tới kết cục mất kiểm soát nền văn minh của mình không?", bức thư ngỏ viết.
Mặt khác, về lý thuyết, AI trên vũ khí không người lái có thể nhận ra các mục tiêu trên chiến trường. Nhưng vấn đề lớn nhất mà các nhà hoạch định chính sách lo ngại chính là liệu công nghệ có đủ sự tin cậy để đảm bảo các vũ khí trên không tấn công nhầm vào những người không tham gia chiến đấu như dân thường, hay không. Lo ngại này là có cơ sở trong bối cảnh các hoạt động tác chiến mạng, tấn công trực tuyến đang diễn ra với tần suất ngày càng lớn. Máy móc có thể có trí thông minh trong việc tính toán, nhưng thiếu đi cảm xúc, tri giác cần thiết khi đưa ra những quyết định quan trọng như con người. Chúng có thể thông minh hơn, nhưng đặt quyền ra quyết định vào máy móc và phần mềm có thể gây ra những hậu quả ngược khi chúng trở nên không còn có thể kiểm soát.
Cần kiểm soát
Trong một báo cáo được công bố, tổ chức Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (Mỹ) cho biết AI và các công nghệ mới khác, như tên lửa siêu vượt âm, có thể "xóa mờ sự khác biệt giữa một cuộc tấn công thông thường và hạt nhân". Báo cáo nói rằng cuộc cạnh tranh để "phát triển các công nghệ mới nổi cho mục đích quân sự đã tăng tốc với tốc độ nhanh hơn nhiều so với nỗ lực đánh giá những mối nguy hiểm mà chúng gây ra và những giới hạn trong việc sử dụng. Do đó, điều cần thiết là phải làm chậm tốc độ vũ khí hóa các công nghệ này, cân nhắc cẩn thận các rủi ro khi làm như vậy và áp dụng các hạn chế có ý nghĩa đối với việc sử dụng chúng cho mục đích quân sự".
Các chuyên gia nhận định, việc cố gắng hạn chế sự phát triển của AI là không hợp lý và có thể phản tác dụng. Tuy nhiên, con người cần bắt đầu cân nhắc tới mối đe dọa phát sinh khi các hệ thống AI tham gia vào hầu hết mọi lĩnh vực hoạt động của con người, đặc biệt trong công nghệ vũ khí. Trong thời gian qua, một số nước châu Âu, trong đó có Đức, đã bắt đầu hệ thống hóa các quy định về kiểm soát các vũ khí sát thương nhằm ngăn việc vũ khí gây chết người có thể hoạt động mà không cần sự can thiệp của con người.
Hôm thứ hai 29/4/2024, các quan chức dân sự, quân sự và công nghệ từ hơn 100 quốc gia đã gặp nhau tại Vienna, Áo, để thảo luận về việc kiểm soát trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngành công nghiệp quốc phòng bởi ngày càng xuất hiện nhiều loại vũ khí sử dụng AI trong cuộc chiến giữa Ukraine và Nga, giữa Israel với Hamas, Houthi, Hezbollah cùng các vụ khủng bố…
Nguồn: [Link nguồn]