Hơn 41.000 người chết do động đất, tiếng cầu cứu vẫn vọng lên từ lòng đất
Khi số người thiệt mạng tăng nhanh, những trường hợp sống sót thần kỳ được kéo ra khỏi đống đổ nát sau trận động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria cũng ngày càng hiếm hoi.
Nhóm cứu hộ đào sâu xuống 1 tòa nhà sụp đổ ở Thổ Nhĩ Kỳ (ảnh: CNN)
Hôm 14/2, ở Thổ Nhĩ Kỳ, có thêm 9 người sống sót được giải cứu khỏi đống đổ nát sau thảm họa động đất hôm 6/2. Hơn 1 tuần đã trôi qua kể từ khi xảy ra thảm kịch, hy vọng sống của những người còn mắc kẹt đang dần thấp xuống.
Trong số 9 người được giải cứu hôm 14/2, có 2 anh em, 17 và 21 tuổi, được kéo ra từ một chung cư đổ sập thuộc tỉnh Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ.
Đến ngày 14/2, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ghi nhận hơn 41.000 người thiệt mạng do động đất.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ thông báo, ít nhất 35.418 người ở nước này đã tử vong vì thảm họa. Ở Syria, hơn 5.814 người thiệt mạng do động đất.
“Chúng ta đang đối mặt với một trong những thảm họa thiên nhiên lớn nhất không chỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ mà còn trong lịch sử nhân loại”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu.
Động đất xẻ đôi một khu rừng, tạo rãnh dài hơn 300 mét ở Thổ Nhĩ Kỳ (ảnh: CNN)
Theo CNN, lực lượng cứu hộ ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nghe thấy nhiều tiếng cầu cứu vọng lên từ đống đổ nát, làm dấy lên hy vọng rằng sẽ có nhiều người được giải cứu hơn. Nhưng trong một số trường hợp, khi những nhân viên cứu hộ tiếp cận được người gặp nạn, tiếng cầu cứu đã không còn.
Hôm 13/2, Martin Griffiths – Giám đốc viện trợ khẩn cấp, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc – cho hay, nỗ lực cứu hộ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang dần kết thúc, trọng tâm hiện nay là cung cấp nơi ở, đồ ăn và nhu yếu phẩm cho nhũng người sống sót.
“Nỗ lực đưa những người còn sống ra khỏi đống đổ nát và tìm kiếm nạn nhân sắp kết thúc. Tiếp theo là tăng cường viện trợ nhân đạo, cung cấp thực phẩm, chỗ ở, chăm sóc tâm lý và dựng lại các trường học. Đây là nghĩa vụ của chúng tôi”, ông Griffiths nói.
“Mọi người rất khổ sở. Chúng tôi đã nộp đơn xin nhận lều, viện trợ nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất cứ thứ gì”, Hassan Saimoua, một người tị nạn ở thành phố Gaziantep (Thổ Nhĩ Kỳ), nói với Reuters.
Ngoài thiếu thốn về nơi ở, thực phẩm, nhiều người sống sót sau thảm kịch còn phải đối mặt với gánh nặng tâm lý. Một số người đã mất tất cả người thân, bạn bè.
Nhiều trẻ em ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria cần được hỗ trợ (ảnh: CNN)
“Tôi tưởng rằng con tôi đã quên đi thảm họa, nhưng chỉ cần nghe thấy âm thanh lớn là nó nhớ lại. Khi đang ngủ vào ban đêm và nghe thấy tiếng động, thằng bé bừng tỉnh và nói rằng: Bố ơi, động đất”, Hassan Moaz, cư dân ở Aleppo (Syria) kể về đứa con trai 9 tuổi.
Hans Henri P. Kluge, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Châu Âu cho biết, nhu cầu nhận viện trợ ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là vô cùng lớn.
“Khoảng 26 triệu người ở 2 nước cần nhận được hỗ trợ nhân đạo”, ông P. Kluge nói.
“Nguy cơ về sức khỏe đối với người dân do thời tiết lạnh giá, vệ sinh kém, bệnh truyền nhiễm và bệnh tâm lý cũng ngày càng tăng lên”, ông P. Kluge nói thêm.
Nguồn: [Link nguồn]
Đoạn video quay tại Hatay trước và sau trận động đất đã cho thấy được phần nào sự tàn phá ghê gớm của trận động đất kinh hoàng vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ.