Hơn 40 năm bị Mỹ cấm vận: Iran chế tạo máy bay không người lái hiện đại ra sao?
Iran đã chịu các lệnh trừng phạt và cấm vận của Mỹ trong hơn 40 năm, nhưng vẫn đạt được các thành tựu đáng kể trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là khả năng tự sản xuất và phát triển các mẫu máy bay không người lái (UAV) vũ trang.
Mẫu UAV Shahed-129 do Iran sản xuất.
Các biện pháp trừng phạt Mỹ áp đặt nhằm vào Iran được bắt đầu từ tháng 11/1979, sau khi một nhóm sinh viên cấp tiến xông vào Đại sứ quán Mỹ ở Tehran và bắt nhiều người làm con tin.
Mỹ dỡ trừng phạt vào tháng 1/1981, sau khi các con tin được trả tự do. Nhưng Washington áp đặt trừng phạt trở lại với Tehran vào năm 1987, khi mối quan hệ hai nước trở nên căng thẳng và Mỹ cáo buộc Iran tài trợ khủng bố.
Lệnh trừng phạt được mở rộng vào năm 1995 để đối phó chính phủ Iran. Năm 2006, Mỹ áp đặt thêm một loạt các biện pháp trừng phạt mới nhằm ngăn Iran làm giàu uranium. Mỹ cho rằng Iran muốn chế tạo vũ khí hạt nhân còn Tehran luôn khẳng định nghiên cứu công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Phương Tây cáo buộc Iran cung cấp cho Nga các UAV Shahed-136.
Trong hơn 40 năm chịu lệnh cấm vận, Iran vẫn đạt được các bước tiến, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự. Iran bắt đầu quan tâm đến UAV từ những năm 1980, trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq (1980 - 1988).
Thế hệ UAV đầu tiên của Iran mang tên Ababil, khi đó chỉ đơn giản là thiết bị bay mang vũ khí. Cùng với các UAV trinh sát được phát triển sau này, Iran đã thành công trong việc đưa UAV vào môi trường chiến đấu.
Sau cuộc chiến tranh với Iraq, Tehran quyết định tập trung toàn lực vào việc chế tạo và phát triển UAV, bên cạnh dự án chế tạo tên lửa đạn đạo.
Ngành công nghiệp hàng không Iran bao gồm một số tổ chức khoa học và kỹ thuật, nhà máy chế tạo và sửa chữa máy bay, cũng như nhiều doanh nghiệp sản xuất các bộ phận khác nhau của máy bay. Hầu như tất cả các doanh nghiệp trong ngành này đều do Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) giám sát. Nhờ đó, Iran đã huy động toàn bộ ngành công nghiệp hàng không cho mục đích phát triển UAV.
Mẫu Shahed-171 có vẻ ngoài giống hệt phiên bản RQ-170 của Mỹ.
Khi còn là đồng minh của Mỹ, Iran sở hữu một loạt các chiến đấu cơ phương Tây. Nhưng mối quan hệ căng thẳng cùng lệnh cấm vận khiến Iran mất đi nguồn cung cấp và bảo dưỡng vũ khí. Trước năm 1978, Iran dưới chế độ quân chủ chuyên chế từng là một trong những đồng minh của Mỹ ở Trung Đông. Cuộc Cách mạng Hồi giáo giai đoạn 1978 - 1979 đưa Iran trở thành nước Cộng hòa Hồi giáo. Kể từ đó, Iran áp đặt một loạt các chính sách mâu thuẫn với Mỹ và mối quan hệ giữa hai nước ngày càng căng thẳng.
Iran quay sang sản xuất hàng loạt UAV để bù đắp cho năng lực không quân hạn chế. Sau nhiều thập kỷ, Iran đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc phát triển và sản xuất các mẫu UAV hiện đại, từ UAV trinh sát, UAV mang vũ khí hạng nhẹ cho đến UAV cỡ lớn mang bom và tên lửa dẫn đường và UAV cảm tử.
Theo báo Nga Sputnik, Iran đạt được bước tiến nhờ hợp tác khoa học và kỹ thuật với nước ngoài, chủ yếu với Trung Quốc; tự lực thu thập công nghệ và sản xuất thiết bị thông qua cách chính thống và không chính thống; thu thập các mẫu máy bay không người lái của Mỹ và Israel nhằm mục đích nghiên cứu và sử dụng kỹ thuật đảo ngược để tìm ra bí mật công nghệ.
Iran từng hai lần can thiệp điện tử, ép UAV trinh sát RQ-170 Sentinel của Mỹ hạ cánh xuống sân bay nước này vào năm 2011 và chiếm quyền kiểm soát một máy bay MQ-9 Reaper vào năm 2018.
UAV Kaman 22 có vẻ ngoài tương đồng với mẫu MQ-9 Reaper của Mỹ.
MQ-9 Reaper là một trong những máy bay không người lái vũ trang hiện đại nhất của Mỹ, có kích thước và khả năng mang vũ khí không thua kém máy bay thực thụ.
Ngày nay Iran đã sản xuất 40 loại UAV khác nhau, đặc biệt là các UAV Mohajer và Shahed. Mẫu Shahed-129 của Iran rất giống với phiên bản MQ-1 Predator của Mỹ. Mẫu UAV này được ra mắt năm 2012, tầm hoạt động 1.700km, có thể hoạt động liên tục trong 24 giờ và có 4 giá treo với khả năng mang tổng cộng 400kg vũ khí.
Shahed-136 là UAV cảm tử được Iran ra mắt lần đầu năm 2020. Mẫu UAV này có thể mang 50kg thuốc nổ và có tầm hoạt động 2.000km (theo thông số của nhà sản xuất).
UAV Shahed 171 Simorgh do Iran sản xuất được cho là dựa trên chiếc RQ-170 của Mỹ, với kiểu dáng tương đồng nhưng năng lực chiến đấu kém hơn. Đây là mẫu UAV tàng hình đầu tiên của Iran sử dụng động cơ phản lực.
Năm 2021, Iran giới thiệu mẫu UAV Kaman 22, trông giống hệt phiên bản MQ-9 Reaper của Mỹ, nhưng có kích thước nhỏ hơn một chút. Mẫu UAV thân rộng này có thể mang theo bất cứ loại bom và tên lửa nào, tầm hoạt động tối đa 3.000km.
Nguồn: [Link nguồn]
Giáo chủ Iran đưa ra tuyên bố trong bối cảnh Mỹ và phương Tây đưa ra cáo buộc rằng Tehran đang cung cấp cho Moscow các máy bay không người lái vũ trang để sử dụng trong xung đột...