Hơn 30 vạn người mất việc do lệnh cấm đánh cá sông Dương Tử, TQ xử lý ra sao?

Lệnh cấm đánh bắt cá kéo dài 10 năm trên sông Dương Tử đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm ngàn người vốn phụ thuộc vào con sông. Các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng đập Tam Hiệp là một trong những nguyên nhân khiến Dương Tử có nguy cơ trở thành dòng sông chết nếu không được can thiệp kịp thời.

Hàng trăm ngàn ngư dân phải xếp lưới do lệnh cấm đánh bắt cá sông Dương Tử (ảnh: SCMP)

Hàng trăm ngàn ngư dân phải xếp lưới do lệnh cấm đánh bắt cá sông Dương Tử (ảnh: SCMP)

Chính phủ Trung Quốc đã cam kết sẽ giúp hơn 300.000 lao động tìm được việc làm mới sau khi lệnh cấm đánh bắt cá sông Dương Tử trong vòng 10 năm được thực hiện.

Đầu năm nay, Trung Quốc đã ra lệnh cấm đánh bắt cá 10 năm tại 332 khu bảo tồn dọc dông Dương Tử dài hơn 6.300 km – con sông dài nhất châu Á. Lệnh cấm đánh cá thậm chí còn mở rộng ra một số nhánh sông chính của Dương Tử và các hồ phụ cận.

Lệnh cấm đánh cá sông Dương Tử đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhiều cộng đồng sống dọc con sông, nơi nhiều thế hệ đã kiếm sống bằng nghề chài lưới.

Việc tìm kiếm việc làm mới là cực kỳ khó khăn trong bối cảnh hiện nay, khi dịch Covid-19 đang hoành hành và nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp do kinh tế suy thoái.

Đối với một số người trung niên hoặc lớn tuổi, họ thậm chí không thể tìm được nghề gì khác ngoài đánh cá trên sông Dương Tử.

Chạy dài từ cao nguyên Tây Tạng và đổ ra biển Hoa Đông, sông Dương Tử và các nhánh chính đi qua khu vực là nơi sinh sống của hơn 459 triệu người, bằng dân số Mỹ, Nhật bản gộp lại.

Đập Tam Hiệp được cho là một trong những nguyên nhân khiến cá sông Dương Tử cạn kiệt (ảnh: SCMP)

Đập Tam Hiệp được cho là một trong những nguyên nhân khiến cá sông Dương Tử cạn kiệt (ảnh: SCMP)

Sông Dương Tử từng nổi tiếng vì sự da dạng sinh học và là nơi sinh sống của nhiều loài thủy sản có giá trị cao. Tuy nhiên, kể từ khi đập Tam Hiệp – con đập lớn nhất hành tinh – được xây dựng, cùng với việc khai thác quá mức và ô nhiễm môi trường, số lượng các loài thủy sản của sông Dương Tử bị suy giảm nghiêm trọng.

Nhiều loài cá đặc hữu trên sông Dương Tử đã tuyệt chủng hoặc đang có nguy cơ tuyệt chủng như cá mái chèo, cà tầm thìa, cá heo.

Theo số liệu từ Trung Quốc, sông Dương Tử từng cung cấp 60% sản lượng cá nước ngọt cả nước nhưng con số này hiện tại chỉ còn dưới 0,2%.

Lệnh cấm đánh bắt cá 10 năm trên sông Dương Tử là hành động mạnh mẽ nhất của Trung Quốc từ trước tới nay nhằm khôi phục hệ sinh thái của con sông. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng cảnh báo nếu không hành động nhanh, Dương Tử có thể không còn cá.

Hôm 15.7, Trung Quốc tuyên bố, hơn 100.000 tàu thuyền đánh cá trên sông Dương Tử sẽ phải xếp lưới và 300.000 lao động trong ngành sẽ mất việc cho lệnh cấm. Những trường hợp đánh bắt cá trái phép sẽ bị xử lý nghiêm.

“Tính đến đầu tháng 7, khoảng 80.000 tàu thuyền và 100.000 ngư dân trên sông Dương Tử đã dừng hoạt động. Tuy nhiên, hầu hết những người này đều đã già và họ không có kỹ năng làm việc trong các lĩnh vực khác. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, họ cũng gặp rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm việc làm mới. Chúng tôi thực sự rất thông cảm”, Song Xin – một quan chức thuộc Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc – cho biết.

Ông Song nói rằng, chính phủ Trung Quốc sẽ nỗ lực hết sức để đào tạo nghề hoặc giúp những người mất việc tìm việc làm mới trong các nhà máy. Ai muốn kinh doanh sẽ được hỗ trợ tiền hoặc vay lãi suất thấp.

Ông Song thừa nhận kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn do dịch bệnh. Tuy nhiên, một số ngư dân mất việc sẽ được bố trí tham gia vào đội tuần tra thực thi lệnh cấm đánh bắt cá.

“Trung Quốc cũng sẽ phát triển một số ngành như nuôi cá và du lịch để tạo công ăn việc làm cho người dân dọc sông Dương Tử”, ông Song nói thêm.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, nhiều gia đình ngư dân lâu năm than thở rằng họ không thể tìm ra công việc mới cho nguồn thu nhập tương đương với đánh cá. Một số gia đình sống trên thuyền và giờ thì ngay cả nhà họ cũng không có.

Cá tầm thìa – loài cá nước ngọt dài tới 7 mét – bị tuyên bố tuyệt chủng ở Trung Quốc (ảnh: SCMP)

Cá tầm thìa – loài cá nước ngọt dài tới 7 mét – bị tuyên bố tuyệt chủng ở Trung Quốc (ảnh: SCMP)

Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng, hệ sinh thái sông Dương Tử đang đối mặt với thảm họa do việc xây đập Tam Hiệp, đánh bắt quá mức và vận tải thủy.

Trung Quốc thừa nhận việc cấm đánh bắt cá 10 năm trên sông Dương Tử sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế người dân. Tuy nhiên, điều là cần thiết để vực dậy dòng sông. Nếu Dương Tử trở thành sông chết, hậu quả sẽ là vô cùng khôn lường.

Trong cuộc họp hôm 15.6, giới chức Trung Quốc cho rằng, tình trạng đánh bắt cá trái phép vẫn xuất hiện rải rác ở sông Dương Tử và cần phải bị nghiêm trị.

Ở Hồ Bắc, việc rà soát, gia cố đê điều chống lũ được chú ý nhưng cảnh sát vẫn phải đẩy mạnh theo dõi, xử lý những trường hợp đánh bắt cá trái phép, một số băng nhóm đã bị bắt giữ.

Trung Quốc sắp tới sẽ xử phạt cả những người bán thiết bị đánh cá bị cấm.

Hệ thống giám sát lũ bất ngờ ngừng hoạt động, đập Tam Hiệp bị đồn có thể sắp “khai tử”

Một số trang tin Trung Quốc đang ám chỉ rằng đập Tam Hiệp đã cố gắng hết sức mà vẫn không thể kiểm soát nổi những...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – SCMP ([Tên nguồn])
Đập Tam Hiệp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN