Hơn 1 tháng kể từ Nga mở chiến dịch quân sự, Ukraine thiệt hại như thế nào?
Bộ kinh tế Ukraine cho biết, thiệt hại vật chất đối với nước này sau hơn 1 tháng kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự phải mất hàng thập kỷ mới có thể khôi phục được.
Cơ sở hạ tầng Ukraine bị tàn phá nặng nề do xung đột với Nga (ảnh: CNN)
“Theo ước tính mới nhất của chúng tôi, thiệt hại trực tiếp hiện lên tới 565 tỷ USD, trong đó có 119 tỷ USD về cơ sở hạ tầng và 91 tỷ USD tổn thất về cơ sở vật chất dân sự. Do chiến tranh, Ukraine mất 54 tỷ USD vốn đầu tư”, hãng tin Ukrinform dẫn lời Thứ trưởng Kinh tế Ukraine Ihor Diadiura cho biết hôm 4.4.
Ngoài ra, những tổn thất do xung đột gây ra còn ảnh hưởng lâu dài đến Ukraine. Theo tính toán của Bộ Kinh tế Ukraine, thiệt hại trong năm nay đối với GDP của Ukraine sẽ lên tới ít nhất 112 tỷ USD.
“Sự tàn phá của chiến tranh không chỉ giới hạn ở việc phá hủy các công trình, mà còn về tình trạng mất đầu tư, mất việc làm, hạn chế thương mại”, ông Diadiura nói thêm.
Theo ông Diadiura, Ukraine sẽ phải mất nhiều năm để khôi phục nền kinh tế sau những thiệt hại nặng nề do xung đột với Nga.
Theo Bộ Kinh tế Ukraine, trong quý đầu tiên năm nay, GDP nước này có thể giảm 16%, trong khi cả năm có thể giảm 40%. Hôm 28.3, Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko thông báo, xung đột với Nga đã phá hủy 8.000 km đường và 10 triệu mét vuông nhà ở của nước này.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho rằng, để khôi phục kinh tế sau xung đột, Ukraine sẽ cần đến 3 nguồn tài chính.
“Thứ nhất, chúng ta có thể sử dụng số tiền đang bị phong tỏa của Nga như một khoản bồi thường. Thứ hai, chúng ta có thể tịch thu tài sản Nga ở Ukraine. Thứ ba, chúng ta có thể kêu gọi viện trợ từ các đối tác phương Tây”, Ukrinform dẫn lời ông Denys Shmyhal cho biết.
“Chúng tôi đang thảo luận về việc thành lập một quỹ để giúp Ukraine phục hồi. Chúng đã nhận được hơn 3 tỷ USD phương Tây hỗ trợ. Đây là bước đầu tiên để lấp đầy ngân sách”, ông Denys Shmyhal nói thêm.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong khi Liên minh châu Âu (EU) “quay lưng” với Nga và tìm tới Mỹ để nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), nhiều chuyên gia cho rằng cái giá phải trả sẽ không hề rẻ.