Hội nghị về Ukraine và toan tính của Thái tử Ả-rập Xê-út
Jeddah, thành phố cảng cổ kính của Ả-rập Xê-út bên bờ Biển Đỏ, đang trải qua mùa hè nóng hầm hập, rõ ràng không phải là lựa chọn tối ưu để hạ nhiệt cuộc xung đột dai dẳng ở Ukraine.
Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman. (Ảnh: Getty)
Tuy nhiên, vị vua tương lai của vương quốc sa mạc - Thái tử kế vị Mohammed bin Salman, thường được gọi tắt là MBS, nghĩ rằng ông có thể giúp hạ nhiệt xung đột Nga - Ukraine.
Mùa thu năm ngoái, ông đóng vai trò trung gian trong đợt thả nhóm lính đánh thuê phương Tây bị Nga bắt giữ khi chiến đấu ở Ukraine. Giờ đây, ông sắp chủ trì một hội nghị thượng đỉnh để thảo luận về hòa bình cho Ukraine.
Các quan chức Ukraine nói rằng địa điểm này hữu ích với họ, vì sẽ cho thấy Ukraine không chỉ được “tập thể phương Tây” ủng hộ như Nga nói. Đại diện của khoảng 40 quốc gia, trong đó có Mỹ và Ấn Độ, sẽ dự hội nghị lần này.
Trong những ngày trước hội nghị diễn ra, Ukraine đã nêu rõ ý định của họ. “Mục tiêu của chúng tôi ở Ả-rập Xê-út là đạt được một tầm nhìn thống nhất về công thức và tìm kiếm khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu trong tương lai”, ý nhắc đến kế hoạch hoà bình mà Ukraine đã vạch ra.
Việc Mátxcơva chỉ “theo dõi” và không tham dự có thể biến hội nghị lần này trở thành bông tuyết sa mạc, tuyệt vời nhưng biến mất trong chớp mắt.
Dẫu vậy, giới chức Ukraine vẫn đặt hy vọng vào nó, "để đoàn kết thế giới xung quanh Ukraine". Nhà Trắng cho biết sẽ cử Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan đến hội nghị.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng “Ukraine ngồi ở ghế lái”, có cơ hội để tìm ra một “giải pháp ngoại giao tiềm năng cho cuộc xung đột” và cơ hội cho nhiều quốc gia trao đổi trực tiếp với các quan chức Ukraine trong dịp này.
Hội nghị đầu tiên về Ukraine diễn ra lặng lẽ tại Đan Mạch hồi tháng 6, quy tụ 15 quốc gia, trong đó có nhiều quốc gia thuộc nam bán cầu, trong đó nhiều nước có quan điểm tương đồng với Nga rằng cuộc chiến là “cần thiết”, rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) buộc Nga phải tấn công Ukraine.
Hội nghị đó không gây nhiều chú ý, cũng như không có sự thay đổi về quan điểm của hai bên để có thể đạt được hoà bình. Vậy lần này có gì khác biệt?
Vị thế của Ả-rập Xê-út
Khác với Đan Mạch, Ả-rập Xê-út không công khai đứng về phía nào trong cuộc xung đột. Đáng kể hơn là MBS có vị thế riêng, khi Ả-rập Xê-út ngày càng trở thành giao điểm của các lợi ích toàn cầu cạnh tranh nhau.
Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Riyadh vào tháng 7 năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đến thăm vài tháng sau đó.
Trước đó, Mỹ và Ả-rập Xê-út đạt được thành tựu ngoại giao chung, với thoả thuận hoà bình ở Yemen đạt được vài tháng trước. Còn ông Tập chứng kiến nhiều thoả thuận trị giá hàng tỷ USD được ký kết trong chuyến thăm.
Đáng kể hơn cả, mùa xuân năm nay, Ả-rập Xê-út và Trung Quốc công bố một kế hoạch xây dựng lòng tin với Iran để hàn gắn quan hệ thù địch lâu năm. Thoả thuận đã phát huy tác dụng. Lực lượng đại diện của Iran ở Yemen - Houthis - đã ngừng tấn công Ả-rập Xê-út bằng tên lửa đạn đạo do Iran sản xuất.
Sau khi làm được những điều đó, MBS giờ có thể lập kế hoạch tốt hơn cho tầm nhìn của ông về một Ả-rập Xê-út không chỉ phụ thuộc vào dầu mỏ.
Trong thế giới lý tưởng của MBS, Ả-rập Xê-út sẽ đóng vai trò quan trọng trong địa - chính trị toàn cầu.
Một trong những mục tiêu của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm Ả-rập Xê-út năm ngoái là thuyết phục cường quốc dầu mỏ này đừng cắt giảm sản lượng dầu, trong bối cảnh giá xăng dầu ở Mỹ tăng vọt và Nga có nguồn thu khổng lồ.
Nhưng chỉ vài tháng sau, Ả-rập Xê-út thông báo giảm sản lượng, với lý do rằng họ chỉ thay đổi sản lượng dựa trên thị trường và phù hợp với “lợi ích quốc gia” của mình.
Thời điểm này, Ả-rập Xê-út cũng có đòn bẩy đối với Nga. Nếu Riyadh có thể tăng giá dầu thì họ cũng có thể hạ giá mặt hàng thiết yếu này. Nga biết điều đó.
Những gì MBS muốn làm liên quan đến một số vấn đề gai góc nhất của Trung Đông: Quan hệ giữa Ả-rập Xê-út với Israel.
Về vấn đề đó, các cuộc đàm phán giữa Ả-rập Xê-út với Mỹ đang diễn ra, được nói là liên quan đến các nhà máy điện hạt nhân, máy bay chiến đấu F-35 và đảm bảo an ninh cho vương quốc sa mạc.
Mỹ muốn Ả-rập Xê-út thoả hiệp, và ngược lại.
Tất nhiên tất cả những điều này nằm ngoài phạm vi của hội nghị hòa bình ở Jeddah và cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, nó cho thấy ở đây có rất nhiều mảnh ghép đang thay đổi liên tục.
Ít nhất, với tư cách là nước ủng hộ lớn nhất của Ukraine, Mỹ đánh giá cao việc Ả-rập Xê-út vào cuộc để giúp đỡ Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky.
Nhật Bản đã đồng ý hỗ trợ Ả Rập Saudi công nghệ năng lượng xanh để quốc gia Trung Đông thúc đẩy khai thác nguồn năng lượng Mặt trời.
Nguồn: [Link nguồn]