3 kết quả từ cuộc họp giữa 20 cường quốc

Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã trao búa cho Thủ tướng Ấn Độ Modi và chúc mừng Ấn Độ trở thành Chủ tịch G20 2023.

Hội nghị G20 bế mạc hôm 16/11 với nhiều vấn đề quan trọng được thông qua (ảnh: Reuters)

Hội nghị G20 bế mạc hôm 16/11 với nhiều vấn đề quan trọng được thông qua (ảnh: Reuters)

Phát biểu trong ngày Hội nghị G20 kết thúc (16/11), ông Widodo đã nêu ra 3 kết quả “thực chất”, đáng chú ý nhất sau khi lãnh đạo 20 cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới họp ở Indonesia, Straits Times đưa tin.

Thứ nhất, các thành viên của G20 đã đồng ý thành lập một quỹ tài chính mới, đặt tại Ngân hàng Thế giới (WB). Mục tiêu của quỹ này là giải quyết thiếu hụt tài chính đối với các nước trong việc chuẩn bị, phòng ngừa và hành động để ngăn chặn nguy cơ đại dịch xảy ra trong tương lai.

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và WB ước tính chi phí phòng ngừa đại dịch toàn cầu thiếu hụt khoảng 10,5 tỷ USD mỗi năm. Quỹ mới do G20 thành lập dự kiến trị giá 50 tỷ USD.

Kết quả thứ 2 là các nước thành viên G20 đã nhất trí thành lập một quỹ tín thác thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IFM).

Được trích một phần từ nguồn dự trữ tiền tệ trị giá khoảng 650 tỷ USD của IMF, quỹ này sẽ giúp các quốc gia có thu nhập thấp, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn có thêm vốn để giải quyết các vấn đề kinh tế vĩ mô. Bao gồm cả các vấn đề do đại dịch và biến đổi khí hậu gây ra.

Thứ 3, Mỹ và Nhật Bản cam kết đầu tư 20 tỷ USD để giúp Indonesia – một "siêu cường khí hậu" – chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, ông Widodo cho biết.

Theo Straits Times, việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, hạn chế gây ô nhiễm môi trường đối với một "siêu cường khí hậu" như Indonesia không chỉ giúp ích cho nước này mà còn cho toàn thế giới.

"Siêu cường khí hậu" là thuật ngữ chỉ các quốc gia sở hữu những khu rừng nhiệt đới rộng lớn, vùng đất than bùn rộng và rừng ngập mặn có thể hấp thụ lượng khí phát thải khổng lồ.

Nhờ khoản đầu tư từ Mỹ và Nhật Bản, Indonesia được kỳ vọng là có thể xây dựng nhiều cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo hơn, hạn chế phá rừng và cho các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch dừng hoạt động.

“Có nhiều kết quả tốt khác đạt được ngoài 3 kết quả thực chất nêu trên”, ông Widodo phát biểu về Hội nghị G20 năm nay.

Theo Straits Times, mặc dù xung đột Nga – Ukraine là vấn đề “nóng nhất” Hội nghị G20 2022, nhưng các nhà lãnh đạo quốc tế vẫn dành thời gian thảo luận các vấn đề khác và gặt hái được kết quả.

Tổng thống Indonesia cho biết, ông không mong muốn G20 biến thành một diễn đàn chính trị.

“G20 là diễn đàn dành cho kinh tế, tài chính và phát triển. Đây không phải diễn đàn chính trị. Đừng biến nó thành diễn đàn chính trị”, ông Widodo nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Ba Lan kết luận sơ bộ vụ tên lửa rơi: Ông Zelensky nói gì?

Ông Zelensky lên tiếng sau khi phía Ba Lan cho rằng, “rất có thể” tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan, khiến 2 người thiệt mạng, được bắn từ lực lượng phòng không Ukraine.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo QUỐC NAM - Straits Times ([Tên nguồn])
Tin tức Indonesia Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN