Hội nghị bất thường của BRICS và thông điệp tới phương Tây
Lãnh đạo các nền kinh tế mới nổi trên thế giới vừa kêu gọi chấm dứt cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza, chấm dứt thù địch từ cả hai phía để giảm bớt cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ ở vùng đất của người Palestine.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi, ngày 24/8. (Ảnh: Reuters)
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến BRICS do Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa chủ trì ngày 21/11 đã lên án các cuộc tấn công vào dân thường Palestine và Israel, trong đó có nhà lãnh đạo nói rằng việc ép buộc người Palestine sơ tán là “tội ác chiến tranh”.
“Chúng tôi lên án bất kỳ hình thức chuyển giao và trục xuất cá nhân hoặc hàng loạt người Palestine khỏi chính vùng đất của họ”, tuyên bố chủ tịch hội nghị viết. BRICS “nhắc lại rằng việc cưỡng bức chuyển giao và trục xuất người Palestine, dù ở Dải Gaza hay sang các nước láng giềng, cấu thành hành vi vi phạm nghiêm trọng các công ước Geneva cũng như tội ác chiến tranh và vi phạm Luật Nhân đạo quốc tế”.
Hội nghị của BRICS, nhóm bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, diễn ra trong bối cảnh khối này đang tìm kiếm tiếng nói lớn hơn trong trật tự toàn cầu mà Mỹ và các đồng minh phương Tây thống trị từ lâu.
BRICS thường được coi là đại diện cho tiếng nói của “Nam bán cầu”. Nhưng không chỉ có 5 quốc gia này lên tiếng về cuộc xung đột trong hội nghị diễn ra hôm qua.
Đầu năm nay, BRICS đồng ý mở rộng để kết nạp thêm Ai Cập, Ethiopia, Argentina, Ả-rập Xê-út, UAE và Iran từ năm 2024. Lãnh đạo 6 nước này cũng tham gia hội nghị, cùng với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres.
Hội nghị là lời kêu gọi ngày càng mạnh mẽ từ Nam bán cầu về việc phải chấm dứt xung đột ở Dải Gaza.
Chiến dịch tấn công đáp trả của Israel đến nay đã khiến hơn 13.000 người Palestine thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em.
Hàng triệu người trên khắp châu Phi, châu Á và Trung Đông đã tham gia tuần hành vì “Palestine Tự do” và kêu gọi ngừng bắn.
Các chuyên gia ở châu Phi và nhiều nơi khác cáo buộc phương Tây “đạo đức giả” khi tự nhận mình là pháo đài của dân chủ và nhân quyền nhưng vẫn ủng hộ cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza.
Dù tuyên bố tóm tắt của chủ tịch hội nghị “trung lập và cân bằng”, nhưng một số quốc gia đưa ra những phát biểu gay gắt hơn, Steven Gruzd, một nhà phân tích tại Viện Quốc tế Nam Phi, đánh giá.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Nam Phi Ramaphosa nói rằng những hành động của Israel “rõ ràng vi phạm luật pháp quốc tế” và việc Israel “trừng phạt tập thể người dân Palestine là tội ác chiến tranh… cấu thành tội diệt chủng”. Ông Ramaphosa cũng nói Hamas đã “vi phạm luật pháp quốc tế và phải chịu trách nhiệm”.
Ấn Độ đưa ra quan điểm nhẹ nhàng hơn. Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar nói rằng cần “kiềm chế và tăng cường hỗ trợ nhân đạo ngay lập tức”, cũng như phải có “giải pháp hòa bình thông qua đối thoại và ngoại giao”.
Nga và Brazil trước đó chỉ trích Israel ném bom không ngừng và tấn công trên bộ vào Dải Gaza. Trung Quốc vừa đón phái đoàn bộ trưởng các nước Ả-rập và Hồi giáo đến để thúc đẩy ngừng bắn.
Theo các chuyên gia, đây là lần đầu tiên BRICS tổ chức một hội nghị như vậy, vì những hội nghị trước đây đều tập trung vào vấn đề kinh tế.
“Tôi không chắc tôi có thể nhớ ra một hội nghị như vậy từng diễn ra trước đây hay chưa. Điều này cho thấy sự khẳng định và tự tin ngày càng lớn của BRICS, đó là không chờ đợi phương Tây. BRICS trước đây thường tránh các vấn đề chính trị và an ninh, nhưng hội nghị lần này đi ngược xu hướng đó”, nhà phân tích Gruzd nói với Al Jazeera.
Tiếng nói ngày càng lớn
BRICS chiếm 40% dân số thế giới và 1/4 kinh tế toàn cầu.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nói rằng người Palestine nên tổ chức trưng cầu dân ý để quyết định số phận của mình.
Một số quốc gia, không chỉ Ấn Độ, vẫn có quan hệ với Israel và không muốn đoạn tuyệt.
Trung Quốc có những dự án đầu tư lớn ở Israel, còn Ấn Độ có mối quan hệ lịch sử và hợp tác về công nghệ quân sự với Israel. Khi Iran chuẩn bị gia nhập nhóm, Ấn Độ có thể không tác động được nhiều đến cách BRICS+ phản ứng với Israel nữa, nhà phân tích Gruzd nhận định.
Từng trải qua nạn apartheid hơn 4 thập kỷ, Nam Phi coi cuộc đấu tranh của người Palestine giống như những gì họ đã trải qua.
Quốc hội Nam Phi vừa bỏ phiếu nhất trí đóng cửa Đại sứ quán Israel tại Pretoria, đánh dấu bước chuyển mới trong cuộc khủng hoảng. Hai bên đã triệu đại sứ của mình về nước.
Tuần trước, Nam Phi cùng Bangladesh, Bolivia, Comoros và Djibouti nộp kiến nghị lên Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) để yêu cầu điều tra tội ác chiến tranh ở Dải Gaza.
Theo các nhà nghiên cứu, quan điểm mà BRICS đưa ra ngày 21/11, dưới sự dẫn dắt của Nam Phi, sẽ khuyến khích nhiều quốc gia khác, nhất là ở châu Phi, lên án cuộc chiến. Tuy nhiên, nhà phân tích tại Viện Quốc tế Nam Phi cho rằng sức nặng chính trị của BRICS chưa đủ lớn để có thể tạo nên bất kỳ tác động thực tế nào nhằm thay đổi lộ trình cuộc chiến của Israel.
“Nói thật, tôi không nghĩ họ có nhiều tác động trực tiếp lên Israel. Tôi không nghĩ họ có thể tác động nhiều đến phương Tây, ngoại trừ việc tăng thêm tiếng nói kêu gọi đình chiến”, ông Gruzd nói.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng sức mạnh của BRICS đang tăng lên, sau khi đã có hàng chục quốc gia thể hiện mong muốn gia nhập BRICS, một phần nhằm giảm bớt phụ thuộc vào hệ thống tài chính của phương Tây.
Đảm nhận vị trí chủ tịch BRICS năm 2024, Nga dự kiến sẽ thúc đẩy việc đưa các đồng tiền nội tệ trở thành phương tiện thanh toán trong thương mại quốc tế, để giảm bớt vai trò thống trị của đô la Mỹ.
Các nhà phân tích cho rằng nếu làm được như vậy, tiếng nói của Nam bán cầu sẽ có sức nặng hơn nhiều.
Việc BRICS kết nạp thêm sáu thành viên mang đến một số đóng góp tích cực cho nền kinh tế thế giới, song lại có nguy cơ làm sâu sắc thêm tình trạng chia rẽ toàn cầu.
Nguồn: [Link nguồn]