Hồi giáo cực đoan từ đâu ra, vì sao tàn ác vẫn có người ủng hộ?

Sự tồn tại của các nhóm Hồi giáo cực đoan hầu như gắn liền với sự can thiệp của phương Tây. Và mặc dù phần lớn các nhóm này bạo tàn đến man rợ, cũng như luôn phải đối phó với sức mạnh của phương Tây, nhưng chúng vẫn tồn tại dai dẳng, thậm chí có những thời điểm trỗi dậy đến đáng sợ.

Các tay súng Taliban ở thủ đô Kabul năm 1996. Ảnh: AP

Các tay súng Taliban ở thủ đô Kabul năm 1996. Ảnh: AP

Ở thế kỷ 21, chủ nghĩa khủng bố quốc tế có 2 mốc lớn là sự kiện 11/9/2001 và sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS vào tháng 6/2014. Hai sự kiện này đều gắn với Hồi giáo cực đoan và đã thực sự làm cho thế giới thay đổi. Vì sao Hồi giáo cực đoan ra đời và thường nhắm vào phương Tây? Mời độc giả cùng đón đọc để hiểu rõ hơn về chủ đề này.

Vào một ngày cuối tháng 9/1996, cựu Tổng thống Afghanistan Mohammad Najibullah đang ở trong trụ ở Liên Hợp quốc (LHQ) tại nước này, có lẽ cho rằng mình an toàn và không hề ngờ được điều kinh khủng đang chờ phía trước.

Các tay súng Taliban, khi đó đã chiếm thủ đô Kabul, bất chấp luật pháp quốc tế xông vào trụ sở LHQ, đưa ông Najibullah ra khỏi tòa nhà, tra tấn đến chết, rồi kéo lê thi thể bị thiến của cựu Tổng thống trên đường phố bằng xe tải. Em trai Shahpur Ahmadzai cũng chịu chung số phận với ông Najibullah.

Thi thể ông Najibullah và Shahpur được treo trên cột đèn giao thông bên ngoài phủ Tổng thống Afghanistan vào ngày hôm sau, để thị uy và cảnh báo dân chúng về một giai đoạn mới do Taliban lãnh đạo.

Đó chỉ là một trong chuỗi những hành động “sắt máu” của Taliban, một nhóm Hồi giáo cực đoan, khiến cộng đồng quốc tế rúng động. Các nhóm Hồi giáo cực đoan khác cũng có những hình phạt ghê rợn và tàn bạo tương tự như hành quyết, chặt cụt chân tay nếu trộm cắp, ném đá đến chết nếu ngoại tình.

Điều đó khiến nhiều người phải đặt câu hỏi về nguồn gốc và lý do vì sao Hồi giáo cực đoan hành xử tàn ác nhưng lại có thể tồn tại dai dẳng đến vậy?

Đặc điểm của Hồi giáo cực đoan

Học giả người Mỹ Sheri Berman trong bài viết Islamism, Revolution, and Civil Society (tạm dịch: Chủ nghĩa Hồi giáo, Cách mạng và Xã hội dân sự) năm 2003, cho rằng, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan là tên gọi cho các phong trào, ý thức hệ Hồi giáo cho rằng đạo Hồi là trung tâm và kim chỉ nam cho các hoạt động xã hội, chính trị cũng như đời sống. 

Chủ nghĩa này gây tranh cãi khi khẳng định đạo Hồi có vai trò lớn trong chính trị. Những người ủng hộ chủ nghĩa này cho rằng tư tưởng của đạo Hồi ưu việt hơn các tôn giáo khác. 

Thực thi luật Hồi giáo Sharia theo cách cực đoan là điều trọng tâm mà chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan hướng tới. Ngoài ra, người theo chủ nghĩa này muốn loại bỏ những gì họ cho là phi Hồi giáo, nhất là các ảnh hưởng về quân sự, kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa của phương Tây, theo học giả người Mỹ Dale C. Eikmeier.

Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan bắt nguồn từ những hoạt động cải cách đạo Hồi vào thế kỷ 19. 

Trong bài viết năm 2011, nhà khoa học chính trị người Đức Armin Pfahl-Traughber đã nêu một số đặc điểm nổi bật của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, gồm: Coi Hồi giáo là trật tự cho đời sống và trật tự nhà nước, nhân danh đạo Hồi tạo nên một trật tự xã hội thống nhất, không công nhận một nhà nước có hiến pháp dân chủ, và có khuynh hướng quá khích, bạo lực. 

Vì sao tàn ác nhưng một bộ phận dân chúng vẫn ủng hộ?

Các tổ chức Hồi giáo cực đoan như IS thường có các hình thức trừng phạt cực đoan như hành quyết, ném đá, chặt chân tay. Ảnh minh họa: Reuters

Các tổ chức Hồi giáo cực đoan như IS thường có các hình thức trừng phạt cực đoan như hành quyết, ném đá, chặt chân tay. Ảnh minh họa: Reuters

Việc các tổ chức Hồi giáo cực đoan như IS hay Taliban có các hình thức trừng phạt cực đoan như hành quyết, ném đá đến chết, hay chặt chân tay... không còn xa lạ. 

Tuy nhiên, một bộ phận dân chúng vẫn ủng hộ và không dám phản kháng việc thực thi các hình thức trừng phạt cực đoan này. Đó là vì các tổ chức Hồi giáo cực đoan lợi dụng Sharia, hay còn gọi là luật Hồi giáo, theo cách tiêu cực nhất. 

Sharia là một bộ luật và các quy tắc trong đời sống hàng ngày của người Hồi giáo, dựa trên sự kết hợp của Kinh Quran và những điều răn của nhà tiên tri Muhammad. Theo nữ học giả người Mỹ, Asma Afsaruddin, Sharia trong tiếng Ả rập có nghĩa là "con đường". Luật Hồi giáo được cho là cách để người Hồi giáo có được định hướng đạo đức về hành vi của họ. 

Một số học giả Mỹ cho rằng, bản chất Sharia không phải là quá tồi tệ như cách hiểu của nhiều người vì nó chỉ là một công cụ. Sharia tốt hay xấu phụ thuộc vào việc ai là người sử dụng nó. 

Ví dụ, Brunei và Ả rập Saudi từng sử dụng Sharia để hạn chế quyền tự do của phụ nữ. Điều này khiến Sharia mang tiếng xấu. Nhưng học giả Mark Fathi Massoud, giáo sư Nghiên cứu Chính trị và Pháp lý tại Đại học California (Mỹ), chỉ ra rằng, Sharia từng cung cấp cho phụ nữ một số quyền chưa từng có trong thế giới tiền hiện đại. 

Chia sẻ trên The Conversation, nữ học giả Afsaruddin cho hay, Sharia quy định việc kết hôn cần có sự đồng thuận của người phụ nữ. Nó cũng cho phép phụ nữ ly hôn trong một số điều kiện đặc biệt. Sharia còn từng cho phép phụ nữ Hồi giáo thừa kế tài sản vào thời điểm mà phụ nữ châu Âu còn chưa được hưởng những quyền như vậy.

Với người Hồi giáo, Sharia là thứ rất thiêng liêng. Tới mức, hầu hết người Hồi giáo tin rằng Sharia là lời của đấng sáng tạo chứ không chỉ đơn thuần là một bộ luật do con người phát triển dựa trên kinh Quran, theo một cuộc khảo sát đăng tải trên trang Pew Forum.  

Các tổ chức Hồi giáo cực đoan lợi dụng điều đó để khiến một bộ phận dân chúng tin rằng, các hình thức trừng phạt cực đoan, tàn bạo mà họ đưa ra là theo lời của đấng sáng tạo. Đó được xem là lí do vì sao một bộ phận dân chúng vẫn ủng hộ Hồi giáo cực đoan.

Trong trường hợp ở Afghanistan, chính phủ do Mỹ hậu thuẫn hoạt động thiếu hiệu quả, tham nhũng nặng và không bảo vệ được nhiều người dân do thực thi luật pháp thiếu nghiêm minh, nên một bộ phận dân chúng đã ủng hộ Taliban. Ở một góc độ nhất định, có thể tổ chức này giải quyết được vấn nạn tham nhũng và mang lại cuộc sống không chiến tranh. Việc thực thi luật Sharia tuy hà khắc đến đáng sợ, nhưng lại khá rạch ròi.

Chủ nghĩa can thiệp không vùi dập được Hồi giáo cực đoan

Trung Đông, với vị trí đặc biệt ở điểm giao của các nền văn minh lớn, nên thường xuyên xảy ra các cuộc đụng độ về giá trị giữa nền văn minh phương Tây và văn minh các nước Ả rập, giữa Kitô giáo và Hồi giáo.

Chính sách can thiệp của phương Tây vào khu vực Trung Đông được xem là một yếu tố chính góp phần sản sinh ra các tổ chức Hồi giáo cực đoan như al-Qaeda, Taliban hay IS.

Chính sách can thiệp này kéo dài từ thời Trung Cổ, qua thời kỳ tư bản chủ nghĩa cho đến ngày nay, tạo ra tâm lý, tinh thần phản kháng trong cộng đồng Hồi giáo. Thời Trung Cổ, có các cuộc thập tự chinh do phong kiến cầm quyền phương Tây (giáo hội La Mã) phát động nhằm chống lại đạo Hồi và chinh phục các vùng đất của người theo đạo Hồi. 

Đến thời kỳ tư bản chủ nghĩa, phương Tây tiếp tục thống trị Trung Đông, biến vùng này thành thuộc địa hoặc vùng bảo hộ của họ. 

Từ giữa thế kỷ 20 và kéo dài đến ngày nay, người Mỹ dù tự hào không có lịch sử cai trị thuộc địa như trong thời kỳ tư bản chủ nghĩa nhưng vẫn đi theo "vết xe đổ" can thiệp vào Trung Đông. 

Một câu hỏi được đặt ra là vì sao Mỹ, phương Tây dùng nhiều bom đạn nhưng không thể vùi dập được Hồi giáo cực đoan. 

Trang Fair Observer viện dẫn một lý do cho rằng các nhà lãnh đạo của Mỹ và phương Tây hiểu không đúng về xã hội, văn hóa và chính trị ở Trung Đông. 

Điều này dẫn đến việc họ thường tập trung vào tăng cường cung cấp vũ khí, đạn dược và huấn luyện quân sự thay vì viện trợ nhân đạo, giáo dục hay các hình thức thúc đẩy phát triển khác. Hệ lụy của sai lầm này tạo ra một chu kỳ liên tục, trong đó bất kỳ ai có sức mạnh quân sự sẽ nắm quyền và cùng sử dụng một mô hình cai trị. 

Theo Fair Observer, điều khiến Mỹ và phương Tây "mù quáng" là quan niệm sai lầm tồn tại từ rất lâu cho rằng, các xã hội ở Trung Đông là xã hội "phản dân sự", phản dân chủ và phản đa dạng văn hóa. 

Suy nghĩ đó dẫn đến kết luận thiếu chính xác, cho rằng những nước ở Trung Đông sẽ phải chịu cảnh chiến tranh đổ máu và cách xử lý tốt nhất là sử dụng vũ khí. Cách xử lý này không những không giải quyết được vấn đề mà còn góp phần đẩy các nước trong khu vực vào vòng xoáy bạo lực.

Thực tế đã chứng minh, dù dùng nhiều bom đạn nhưng Mỹ, phương Tây và các chính phủ do Washington hậu thuẫn ở Trung Đông vẫn không thể triệt tiêu hoàn toàn Hồi giáo cực đoan. Thậm chí, các tổ chức Hồi giáo cực đoan còn trỗi dậy mạnh mẽ hơn. 

Vào thời điểm cực thịnh, IS không chỉ khiến thế giới bàng hoàng vì những vụ hành quyết công khai mà còn chiếm được nhiều khu vực ở Iraq và Syria. 

Các phần tử IS ở biên giới Syria và Iraq. Ảnh: Corbis

Các phần tử IS ở biên giới Syria và Iraq. Ảnh: Corbis

Năm 2001, Mỹ đưa quân vào Afghanistan để chống tổ chức khủng bố al-Qaeda. Hai mươi năm sau, khi Washington rút khỏi quốc gia Nam Á thì bị các phần tử khủng bố đánh bom liều chết, khiến nhiều quân nhân Mỹ thiệt mạng. 

Ngoài ra, "bóng ma" al-Qaeda, vốn được cho là suy tàn sau cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden, có dấu hiệu hồi sinh ở Afghanistan. 

Tờ The Print hồi cuối tháng 8 đưa tin, Amin al-Haq, 61 tuổi, nhân vật cấp cao của tổ chức khủng bố al-Qaeda, kẻ có nhiều năm là thủ lĩnh đội cận vệ của trùm khủng bố Osama bin Laden, gần đây đã trở về quê nhà ở tỉnh Nangarhar, Afghanistan.  

Kênh truyền hình Al Arabiya hôm 2/9 dẫn lời Fahim Dashti, phát ngôn viên của phe chống Taliban ở Afghanistan, cho biết các tay súng Taliban có sự hỗ trợ của al-Qaeda khi tấn công thành trì Panjshir.

Mỹ và các nước phương Tây còn gây ra một số cuộc chiến khiến nhiều người Hồi giáo thiệt mạng và áp đặt mô hình quản lý kiểu phương Tây sang các nước Trung Đông. 

Điều này khiến thế cân bằng nội tại của các nước như Iraq, Syria và Afghanistan bị phá vỡ. Hệ lụy là tạo ra khoảng trống quyền lực cho mâu thuẫn giáo phái và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan bùng phát.

Nhiều học giả và chính trị gia phương Tây phải thú nhận rằng cuộc chiến tranh do Mỹ phát động ở Iraq năm 2003 để lật đổ Tổng thống Saddam Hussein là nguyên nhân chính dẫn tới sự ra đời của IS.

Nguồn gốc chia rẽ của Hồi giáo: Tranh quyền kế vị

Trung Đông là nơi cư trú của nhiều cộng đồng văn hóa, sắc tộc, và tôn giáo khác nhau, nhưng Hồi giáo chiếm ưu thế.

Nhà tiên tri Muhammad (570 – 632), người sáng lập đạo Hồi, đã giới thiệu tôn giáo này tới người dân ở thánh địa Mecca vào năm 610.

Tuy nhiên, một cuộc tranh luận về quyền kế vị sau khi nhà tiên tri Muhammad đã khiến cộng đồng Hồi giáo bị chia rẽ sâu sắc, phân thành 2 dòng chính là Sunni và Shiite.  

Theo trang CFR, dòng Hồi giáo Sunni là những người ủng hộ Abu Bakr - người bạn và bố vợ của nhà tiên tri Muhammad - lên làm người kế vị. "Thuật ngữ Sunni bắt nguồn từ cụm từ: Ahl-as-Sunnah, có nghĩa là những người theo truyền thống. Dòng Sunni tin rằng Abu Bakr là người kế vị thích hợp của nhà tiên tri Muhammad", theo Azadeh Moaveni, cựu phóng viên Trung Đông của tạp chí Time (Mỹ).

Trong khi đó, dòng Shiite (Shias) là những người ủng hộ Ali ibn Abi Talib, con rể của nhà tiên tri Muhammad, làm người kế vị. Từ Shias là viết tắt của shi’atu Ali - tiếng Ả rập có nghĩa là "những người đi theo Ali". Người theo dòng Shiite cho rằng, hậu duệ của Muhammad mới là người kế vị chính đáng.

Từ mâu thuẫn trên dẫn đến sự khác biệt trong việc tiếp nhận các bản ghi chép lời dạy của nhà tiên tri Muhammad và dần dần là sự khác biệt, xung đột về quan điểm chính trị cũng như cách thực hiện nghi thức Hồi giáo. 

Sự phân chia thành hai dòng Sunni và Shiite là biến cố quan trọng, gây xung đột nhiều nhất trong lịch sử Hồi giáo.

Ngày nay, sự chia rẽ trong Hồi giáo càng sâu sắc, và làm nảy sinh 2 nhóm phong trào Hồi giáo: Cấp tiến và cực đoan. Các phong trào Hồi giáo cực đoan, được xem là gốc rễ của các nhóm khủng bố Hồi giáo hiện nay.

Sự chia rẽ sâu sắc trong Hồi giáo, mâu thuẫn giữa Kitô giáo - Hồi giáo, và sự can thiệp của nước ngoài vào khu vực Trung Đông được xem là các nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự xuất hiện của các nhóm Hồi giáo cực đoan. Nếu các nguyên nhân này không được giải quyết triệt để, Hồi giáo cực đoan sẽ không thể bị xóa bỏ.

---------------------

Khởi đầu chỉ là một nhánh của al-Qaeda ở Iraq năm 2013, IS lớn mạnh dần và mở rộng hoạt động sang Syria và một số nước khác, lợi dụng xung đột liên miên để gây dựng lực lượng. 

Trên lý thuyết, al-Qaeda có thể vui mừng trước sự xuất hiện của một nhóm thánh chiến cực đoan, thích hành quyết người Mỹ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự trỗi dậy của IS khiến al-Qaeda có nguy cơ bị tiêu diệt. Vì sao cùng là Hồi giáo cực đoan nhưng al-Qaeda và IS lại cạnh tranh gay gắt tới mức muốn triệt tiêu nhau? Bài tiếp theo đăng trên mục Thế giới sáng 19/9 sẽ thử giải đáp cho câu hỏi này!

Nguồn: [Link nguồn]

Luật Hồi giáo - Sharia: Có phải nơi nào cũng hành quyết, đóng đinh và chặt tay?

Nếu ngoại tình khi đã kết hôn ở Ả rập Saudi hay Brunei, người phạm tội có thể bị tử hình, nhưng cùng tội đó ở Qatar...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN