Học gì từ cấm xe máy ở Trung Quốc
Ở Trung Quốc, ngay từ đầu thập niên 2000, nhiều thành phố đã tính chuyện cấm xe máy để giảm ách tắc giao thông, chống ô nhiễm môi trường.
Xe máy đủ loại bị tịch thu ở Thâm Quyến, Quảng Ðông (ảnh chụp tháng 4/2016). Ảnh: Daily Mail
Nhật báo Trung Quốc cho hay, ở Thượng Hải, thành phố đông dân nhất nước, bắt đầu từ năm 2002, cảnh sát đã ra lệnh cấm xe máy ở những tuyến đường chính. Lệnh cấm này có tác dụng đối với 789.000 chiếc xe máy trong thành phố. Theo quan điểm của các nhà quản lý, phát triển giao thông công cộng là giải pháp chính giải quyết nhu cầu đi lại trong tương lai của Thượng Hải; vì vậy phải cấm xe máy đi vào các trục đường chính ở trung tâm thành phố.
Động thái của Thượng Hải cũng tương tự như ở thủ đô Bắc Kinh, nơi hạn chế người dân đi lại và sở hữu xe máy. Ngay từ năm 1984, cảnh sát Bắc Kinh đã ngừng cấp đăng ký mới. Năm 2000, Cục cảnh sát giao thông Bắc Kinh tiếp tục cấm xe máy ba bánh, kể cả có đăng ký, lưu thông ở khu vực trung tâm và 8 quận lân cận.
Chu Doanh Lũy, phó giám đốc Sở Công an Thượng Hải nói: “Việc cấm xe máy được ban bố nhằm giúp hệ thống vận tải công cộng hoạt động hiệu quả hơn”.
Khi lệnh cấm được ban hành, xe máy chiếm 55% phương tiện giao thông ở Thượng Hải. Tuy nhiên, các nghiên cứu nói chúng chỉ gánh vác 2,1% nhu cầu đi lại hằng ngày.
Và số lượng xe máy ngày càng tăng tạo ra những cơn đau đầu đối với lãnh đạo thành phố. Năm 1997, chỉ có 40.000 xe máy tại Thượng Hải.
“Sự gia tăng xe máy trong vòng 5 năm qua đã tạo ra mối đe dọa đối với giao thông của thành phố”, ông Chu nói.
Cấm một phần, cấm toàn bộ
Mặc dù đã cấm xe máy vào các tuyến đường trung tâm từ đầu thập niên 2000, nhưng mãi đến năm 2016, Bắc Kinh mới cân nhắc việc cấm hoàn toàn xe máy.
Hoàn Cầu thời báo cho biết, vào tháng 4/2016, trên 10 tuyến đường chính ở Bắc Kinh, người ta bắt đầu thực hiện cấm hoàn toàn xe máy, kể cả xe máy điện. Trước đó, ở tỉnh Quảng Đông, chính quyền cũng ban bố lệnh tương tự. Đã có chống đối và 800 người đã bị bắt giam trong vòng 10 ngày.
Một chuyên gia nói động thái của chính quyền Bắc Kinh cho thấy một xu hướng mang tính toàn quốc về việc các đô thị sẽ dần cấm xe máy hoàn toàn.
Cơ quan quản lý giao thông Bắc Kinh nói 10 tuyến đường áp dụng lệnh cấm có mật độ giao thông cao, tỷ lệ tai nạn giao thông lớn và thường xuyên thiếu làn cho xe máy di chuyển.
Ở Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, ngay từ năm 2006 đã ban hành lệnh cấm tương tự. Sau đó, một loạt các đô thị khác như Hải Khẩu (tỉnh đảo Hải Nam) và Vũ Hán (thủ phủ Hồ Bắc) làm theo.
Cuối tháng 3/2018, một lệnh cấm xe máy điện được thực thi tại Thâm Quyến, Quảng Đông, khiến nhiều người, đặc biệt là các công ty chuyển phát đồ ăn hay đồ đóng gói phàn nàn bởi họ sử dụng xe máy điện vận chuyển 80% số hàng hóa.
Kết quả một cuộc điều tra xã hội học được thực hiện tại Quảng Châu cho thấy, 61,4% số người được hỏi ủng hộ lệnh cấm, chỉ 25,5% những người sở hữu xe máy và thường xuyên sử dụng phản đối.
Người ta tin rằng, lệnh cấm giúp giảm tỷ lệ tai nạn giao thông, ngăn chặn cướp giật và cải thiện môi trường, ngoài tác dụng chính là giảm ùn tắc.
Một số thành phố châu Á đã áp dụng lệnh cấm xe máy như Quảng Châu ở Trung Quốc, Yangon của Myanmar hay Jakarta ở Indonesia...