Hoàng hậu Trung Quốc cấm vua sủng ái phi tần, giết “tiểu tam” khiến vua uất hận bỏ lên núi
Theo Sohu, Độc cô hoàng hậu có lẽ là bà vợ cả duy nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc công khai cấm vua ân ái với các phi tần, bắt phải chung thủy với chỉ mình bà. Vị hoàng hậu này cũng khuyến khích các quan viên trong triều theo chế độ “một vợ một chồng”, chỉ sinh con với vợ cả, khi vợ cả chết mới được cưới vợ mới.
Để xả cơn ghen, các bà hoàng hậu Trung Quốc không ngại xuống tay tàn độc với tình địch. Ảnh minh họa.
Trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, tranh sủng, đánh ghen… vốn dĩ là chuyện thường tình bởi mỗi vị hoàng đế đều có nhiều thê thiếp mà ai cũng muốn chiếm trọn trái tim của bậc quân vương. Nhưng có những bà hoàng đánh ghen tàn khốc, ác độc đến mức khiến chồng con khiếp sợ, người đời lên án… Loạt bài này sẽ "điểm danh" những bà hoàng đánh ghen đáng sợ bậc nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. |
Độc Cô hoàng hậu vì tôn thờ chế độ độc thê, thậm chí còn sẵn sàng phế con trưởng, lập con thứ làm thái tử vì con trưởng cưới vợ lẽ, sinh con cái, trái với giáo huấn của bà. Khi phát hiện chồng lén lút qua lại với “tiểu tam”, bà vô cùng tức giận, lập tức dẫn người đi đánh ghen, xuống tay giết chết nữ nhân phá hoại hạnh phúc gia đình mình.
Tài sắc vẹn toàn, giúp chồng đoạt thiên hạ
Tạo hình Độc Cô hoàng hậu và Tùy Văn Đế trong bộ phim "Độc Cô hoàng hậu" do nữ diễn viên Trần Kiều Ân và nam diễn viên Trần Hiểu đóng vai chính.
Độc Cô hoàng hậu hay còn gọi là Văn Hiến hoàng hậu là vị hoàng hậu duy nhất của Tùy Văn Đế Dương Kiên, vị vua đầu tiên của nhà Tùy trong lịch sử phong kiến Trung Quốc.
Bà có xuất thân danh giá khi là con gái của Độc Cô Tín, một khai quốc công thần của nhà Bắc Chu.
Độc Cô hoàng hậu nổi tiếng là người tài sắc vẹn toàn. Thời trẻ, bà từng khiến Văn Đế si mê, sủng ái hết mực, nguyện thề một đời chỉ yêu mình bà, không gần gũi bất cứ phụ nữ nào khác nữa.
Vì thế, 5 người con trai và 5 người con gái của Văn Đế đều do Độc Cô hoàng hậu sinh ra, chứng tỏ tình cảm sâu đậm của 2 vợ chồng.
Là người có ăn học, Độc Cô hoàng hậu còn là cách tay đắc lực, giúp Dương Kiên lập nên Đế nghiệp.
Sử sách ghi lại rằng, năm 580, Bắc Chu Tuyên Đế băng hà sau khi nhường ngôi cho con là Bắc Chu Tĩnh Đế.
Dương Kiên khi đó vẫn còn là Tùy Quốc công dần dần thâu tóm quyền hành trong triều đình. Lúc này, Độc Cô thường khuyên chồng nên thừa cơ đoạt ngôi xưng đế.
Theo đó, năm 581, Dương Kiên đánh bại đại tướng Uất Trì Quýnh rồi buộc Bắc Chu Tĩnh Đế nhường ngôi cho mình, lập ra nhà Tùy.
Cùng năm đó, Tùy Văn Đế sắc phong Độc Cô làm hoàng hậu, sau đó lập con trai trưởng của bà là Dương Dũng làm thái tử, những người con khác đều được phong vương.
Độc Cô hoàng hậu do nữ diễn viên Đài Loan Trần Kiều Ân thủ vai.
Do có tài trị nước, Độc Cô hoàng hậu rất được Tùy Văn Đế nể trọng. Ông thường bàn việc nước cùng bà. Khi Văn Đế bàn chính sự với các đại thần, Độc Cô được phép đứng gần nghe và can thiệp vào các quyết định của chồng.
Bà được cho là người nhân từ, thương dân như con. Một lần, người Đột Quyết (một quốc gia du mục do các dân tộc du mục liên minh với nhau tạo thành, chịu sự chi phối của nhà Tùy) dâng cho nhà Tùy minh châu có giá trị tới 800 vạn lượng vàng. Minh châu này được dâng lên cho Độc Cô hoàng hậu.
Tuy nhiên, bà cho rằng quân sĩ ở ngoài biên ải phải chiến đấu vất vả, gian lao, bèn đem minh châu đổi thành bạc thưởng cho họ. Vì thế, trong triều, các đại thần thường gọi Tùy Văn Đế và Độc Cô hoàng hậu là nhị thánh.
Tôn sùng chế độ độc thê, cấm chồng gần gũi phi tần
Tranh vẽ Tùy Văn Đế.
Đề cao chế độ độc thê, ở trong cung, Độc Cô cấm Văn Đế gần gũi các phi tần. Thậm chí, dưới sự kìm kẹp của hoàng hậu, các phi tần ngay cả cơ hội nhìn thấy Văn Đế cũng không có chứ chưa dám nghĩ tới việc được ân sủng.
Bà cũng khuyến khích các đại thần theo chế độ “một vợ một chồng”, hoặc chỉ nên có con với vợ cả, khi vợ cả chết mới được cưới và sinh con với vợ mới.
Độc Cô hoàng hậu cho rằng việc lập thiếp chính là mầm họa cho gia đình và xã tắc. Theo bà, khi đàn ông có “năm thê bảy thiếp”, sẽ không thể tránh khỏi những mối bất hòa phát sinh trong gia đình. Điều này cũng sẽ khiến vua lẫn các quan đại thần tốn nhiều công sức vào việc tề gia. Như vậy còn đâu thời gian để chuyên tâm vào việc quốc gia đại sự?
Đặc biệt đối với bậc đế vương, nếu sa đà vào việc hoan lạc với các cung tần mỹ nữ trong tam cung lục viện, thì còn sức lực đâu để lo việc trị quốc, bình thiên hạ?
Theo đó, ngay sau khi được sắc phong làm Hoàng hậu, Độc Cô đã yêu cầu Văn Đế không được ham mê sắc dục, thuyết phục các quan đại thần và dân chúng từ bỏ chế độ đa thê.
Thậm chí, bà còn thuyết phục vua Tùy đưa ra hình phạt như giáng chức hoặc phế bỏ đối với các đại thần vợ chưa chết mà lấy vợ khác và có con.
Ngay cả con trai cả của bà - thái tử Dương Dũng - cưới vợ lẽ rồi sinh con bà cũng tỏ thái độ không hài lòng.
Từ đó, bà dần ghét bỏ Dương Dũng, chuyển hết tình yêu thương sang cho người con thứ là Dương Quảng.
Khi vợ cả của thái tử tên là Nguyên thị bất ngờ qua đời năm 591, Độc Cô nghi ngờ do ái thiếp của Dương Dũng là Văn Chiêu Huấn đầu độc. Vì thế, bà giết Văn Chiêu Huấn và xúi giục Tùy Văn Đế phế Dương Dũng, lập Dương Quảng làm thái tử.
Tuy nhiên, Độc Cô hoàng hậu không ngờ rằng, người con trai thứ vì muốn chiếm ngôi nên mới giả vờ hiếu thuận, xa lánh ái thiếp để lấy lòng bà. Dương Quảng sau này lên ngôi, trở thành Tùy Dạng Đế.
Màn đánh ghen tàn khốc, khiến chồng uất hận bỏ đi
Mặc dù tình cảm vợ chồng giữa Độc Cô hoàng hậu và Tùy Văn Đế được người đời ca ngợi là sắt son, chung thủy nhưng đến những năm cuối đời, họ bắt đầu phát sinh rạn nứt, bất hòa và thậm chí không đạt được hòa giải cho đến khi cả 2 qua đời.
Nguồn cơn bất hòa đến từ việc Độc Cô hoàng hậu quá tôn sùng chế độ độc thê và đỉnh điểm là việc bà dẫn người đi đánh ghen, đánh chết thị nữ được Văn Đế ân sủng một đêm.
Cụ thể, một lần nhân cơ hội Độc Cô hoàng hậu bị bệnh, Tùy Văn Đế liền dẫn đám nội thị lẻn tới thăm tam cung lục viện. Tới cung Nhân Thọ, một cung nữ trẻ tuổi tên là Uất Trì khi thấy Văn Đế liền sợ hãi cúi đầu. Nhưng nhìn thấy nhan sắc kiều diễm, trẻ trung của Uất Trì, trái tim Tùy Văn Đế đã lạc nhịp và cuối cùng qua đêm với người đẹp.
Độc Cô hoàng hậu khi biết chuyện rất tức giận. Nhân lúc Văn Đế ra ngoài, bà liền đích thân đến cung Nhân Thọ, sai người đánh chết Uất Trì mặc cho “tiểu tam” khóc lóc xin tha. Tùy Văn Đế biết tin vô cùng tức giận song vì nể sợ vợ nên không thể làm gì hơn ngoài việc dong ngựa bỏ lên núi giải sầu, không màng việc nước lẫn việc nhà.
Khi quần thần tìm đến, Tùy Văn Đế liền cảm thán mà than: “Hoàng hậu hành động kiêu ngạo, độc đoán, ham muốn kiểm soát quá lớn. Ta thân là thiên tử nhưng chẳng được tự do! Có vị đế vương nào khốn khổ như ta không?”.
Tranh vẽ các quan đại thần khuyên can Tùy Văn Đế.
Mãi tới khi Độc Cô hoàng hậu sai 2 đại thần là Cao Quýnh, Dương Tố lên núi thuyết phục, Tùy Văn Đế mới chịu trở về cung, hòa giải với vợ. Tuy nhiên, 2 vợ chồng vương hậu không thể quay lại tình trạng thân mật như trước được nữa. Độc Cô dù giết được tiểu tam nhưng kể từ đó, bà mất đi tình yêu của chồng.
Không lâu sau đó, Độc Cô hoàng hậu bị bệnh nặng và qua đời, hưởng thọ 59 tuổi. Tùy Văn Đế thoát khỏi vòng kìm kẹp, lập tức cưới thêm 2 ái thiếp trong 1 ngày.
Tuy nhiên, Văn Đế khi đó đã ở tuổi 60, lại hoan lạc với mỹ nhân quá mức nên chỉ 2 năm sau vị vua này cũng về nơi chín suối đoàn tụ với Độc Cô hoàng hậu.
__________________
Về bản chất, không người phụ nữ nào muốn chia sẻ chồng mình với bất cứ người đàn bà nào khác. Từ Ý Hoàng hậu Lý Phượng Nương thời nhà Tống cũng vậy, nhưng hành động của bà thật đáng sợ. Bài kỳ sau xuất bản sáng sớm 10.4.2021 trên mục Thế giới sẽ đề cập đến những đòn đánh ghen kinh hoàng khiến vua phát điên của bà hoàng hậu này.
Nguồn: [Link nguồn]
Tấn Thư ghi lại, hoàng hậu Giả Nam Phong không chỉ nhan sắc tầm thường, xấu xí mà còn tự tiện tham gia triều chính, ép...