Hoàng đế Trung Hoa sở hữu dàn hậu cung đông đảo khiến con trai nối ngôi tìm mọi cách che giấu
Khang Hi thời nhà Thanh nổi tiếng là một trong những hoàng đế vĩ đại nhất lịch sử Trung Hoa, có những đóng góp đáng kể cho thiên hạ, nhưng ông cũng là hoàng đế có những tiếng xấu.
Hình tượng hoàng đế nhà Thanh trong lịch sử Trung Hoa. Ảnh minh họa.
Khang Hi, hoàng đế thứ ba của nhà Thanh được biết đến là hoàng đế có thời gian tại vị lâu nhất (61 năm) và cũng là một trong những hoàng đế vĩ đại nhất lịch sử Trung Hoa, người đã thiết lập sự thịnh trị kéo dài 134 năm của nhà Thanh.
Nhưng ít người biết rằng, Khang Hi cũng là hoàng đế nhà Thanh có số lượng phi tần lớn nhất, với 55 người vợ chính thức được lưu lại trong sử sách và khoảng 45 người con.
Theo trang mạng Trung Quốc Sina, từ thời Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích cho đến trước thời Khang Hi, nhà Thanh chưa có một hệ thống phi tần quy mô và đầy đủ.
Thanh Thái Tông Hoàng Thái Cực, người sáng lập triều đại nhà Thanh, ông nội của Khang Hi, cũng không phải là người quá quan tâm đến hậu cung, cả đời chỉ có 15 người vợ.
Đến thời hoàng đế Thuận Trị, cha của Khang Hi, chế độ phi tần bắt đầu được khôi phục giống như thời nhà Minh. Nhưng chế độ phi tần hoàn chỉnh nhất chỉ thực sự được ghi nhận vào thời Khang Hi. Khang Hi cả đời có 55 người vợ chính thức, gồm 4 hoàng hậu, 3 quý phi và 48 phi tần.
Khang Hi chia hậu cung làm 8 cấp bậc, phân định rõ ràng từng cấp bậc, ví dụ như hoàng hậu trong một giai đoạn chỉ có một, xếp sau là một hoàng quý phi, sau nữa là hai quý phi rồi cứ như vậy mở rộng với số lượng nhiều hơn trước. Hàng năm, các phi tần cũng sẽ được cất nhắc để thăng cấp bậc, tạo ra sự cạnh tranh sôi nổi ở hậu cung.
Dưới thời Khang Hi, nhà Thanh mới xây dựng hệ thống hậu cung đầy đủ, phân chia phi tần theo cấp bậc.
Ví dụ như trong số 4 hoàng hậu của Khang Hi, có Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu Đông Giai ban đầu chỉ là thứ phi, sau được phong làm quý phi rồi trở thành hoàng hậu.
Đối với các phi tần thuộc cấp bậc quý nhân, thường tại hay đáp ứng, số lượng thậm chí còn không được ghi chép đầy đủ.
Có thông tin cho rằng nếu tính cả phi tần thuộc các cấp bậc này thì hậu cung của hoàng đế Khang Hi lên tới 200 người.
Từ đó về sau, các hoàng đế nhà Thanh nối ngôi đều sử dụng hệ thống phân chia cấp bậc trong hậu cung mà Khang Hi để lại, nhưng cũng không có ai "dám" vượt qua số lượng 55 người vợ của Khang Hi.
Theo Sina, một trong những lý do Khang Hi có thể xây dựng hậu cung với quy mô đáng kể như vậy là vì ông có thời gian tại vị lâu nhất lịch sử Trung Hoa, cũng như trị vì trong giai đoạn nhà Thanh hùng mạnh.
Khang Hi lên ngôi năm 8 tuổi, chính sự do các đại thần phụ trách giúp đỡ. Khang Hi kết hôn với người vợ đầu tiên năm 12 tuổi, phong là Hiếu Thành Nhân Hoàng hậu Hách Xá Lý. Bà là con gái của một trong 4 đại thần phụ trách giúp đỡ hoàng đế nhỏ tuổi. Hoàng hậu không may qua đời ở tuổi 21, khiến Khang Hi dù có hậu cung đông đảo cũng cả đời không quên được.
Các phi tần thời Khang Hi ngay cả khi vào cung với cấp bậc thấp nhưng sau này vẫn có thể trở thành hoàng hậu. Ảnh minh họa.
Vài chục năm sau, Khang Hi vẫn luôn dành trọn một ngày ở bên mộ trong ngày giỗ hoàng hậu đầu tiên, không làm gì khác dù có quốc sự quan trọng. Sự trân trọng của Khang Hi còn thể hiện ở chỗ hoàng đế nhất quyết lập con trai của mình với Hiếu Thành Nhân Hoàng hậu làm thái tử, dù khi đó hoàng tử mới 2 tuổi, là chuyện hiếm có trong lịch sử phong kiến Trung Hoa.
Ngoài ra, theo Sina, Khang Hi cũng được cho là có thể chất cường tráng và tinh lực dồi dào. Có giai thoại kể rằng, vì hậu cung quá đông nên Khang Hi từng “tranh thủ” sủng hạnh tới 9 phi tần trong một đêm. Sự kiện này được gọi là cửu phi liên châu. 9 phi tần này bao gồm Tuệ phi, Bình phi, Lương phi, Vinh phi, Tuyên phi, Thuận Ý Mật phi, Thành phi, Thuần Dụ Cần phi và Huệ phi.
Ở tuổi ngoài 60, độ tuổi được coi là "gần đất xa trời" vào thời xa xưa. Khang Hi dù bắt đầu có những dấu hiệu sa sút, suy nhược, thường xuyên lâm bệnh, nhưng vẫn không giảm tần suất mây mưa, hưởng lạc chốn hậu cung.
Năm 1718, ở tuổi 64, một quý nhân họ Trần sinh hạ tiểu a ca thứ 25 tên Dận Viên. Nhưng tiếc rằng, đứa trẻ sinh ra đã yểu mệnh và sớm qua đời.
Một ví dụ khác làm nổi bật sự phong lưu, đa tình của Khang Hi là hoàng đế khi tuyển chọn phi tần, chọn luôn một cặp chị em ruột. Tổng cộng có 4 cặp chị em được ghi nhận từng hầu hạ Khang Hi trong lịch sử, là điều hiếm thấy ở Trung Hoa thời phong kiến.
Có nhiều biến cố xảy ra dẫn đến việc Khang Hi luôn phải tuyển thêm phi tần. Ảnh minh họa.
“Tứ đối tỷ muội hoa” (4 cặp chị em) được Hoàng đế Khang Hi yêu chiều nhất gồm Hoàng hậu Hách Xá Lí và em gái Bình phi, Nghi phi và em gái là Quý nhân Quách La Lạc thị, Hiếu Chiêu Hoàng hậu và Ôn Hi Quý phi, Hiếu Nhân Hoàng hậu và Đông Quý phi.
Theo Sina, các đại thần nhà Thanh biết sở thích phóng túng cũng như sự cường tráng của hoàng đế, nên thay nhau tiến cử các con em trong dòng tộc, thông qua các cuộc thi tuyển chọn để bổ sung vào hậu cung.
Có lần đi tuần tra Giang Nam, Khang Hi vì say đắm vẻ đẹp của một nữ nhân mà ra lệnh được đặc cách vào hậu cung. Hoàng đế tổng cộng có 25 hoàng tử và 20 công chúa. Số lượng nữ nhân trong hậu cung mà Khang Hi để lại sau khi qua đời là rất lớn.
Sina cho rằng, hoàng đế Ung Chính sau khi nối ngôi, vì để bảo vệ thanh danh cho cha, đã yêu cầu quan viên nội phủ xử lý hồ sơ trong hậu cung một cách thận trọng. Cuối cùng, số phi tần chính thức được lưu trong sử sách chỉ là 55 người.
Bên cạnh đó, cũng có một lý do khách quan dẫn đến việc hậu cung của hoàng đế Khang hi đặc biệt đông đảo. Đó là vì nhiều hoàng hậu và phi tần giai đoạn này không may sớm qua đời, dẫn đến việc hoàng đế lại tuyển chọn thêm người mới vào hậu cung.
Theo nhận định của các sử gia Trung Quốc, đối với vai trò trị quốc, Khang Hi là hoàng đế thông minh, tài hoa, cẩn thận, cần cù can đảm và cầm quân giỏi, biết lo cho dân. Nhưng chốn hậu cung, Khang Hi không phải là người kiểm soát tốt ham muốn của bản thân, cho đến cuối đời vẫn ngày đêm gần gũi với các phi tần. Hoàng đế cũng không quyết đoán trong việc lựa chọn thái tử nối ngôi, dẫn đến việc các hoàng tử chia bè kết phái nhằm chiếm đoạt vương vị. Sự kiện này trong sử sách được gọi là cửu tử đoạt đích hay 9 hoàng tử tranh giành ngôi báu.
Nguồn: [Link nguồn]
Con đường tơ lụa bắt đầu hình thành cách đây khoảng 2.200 năm trước dưới thời Hán Vũ Đế Lưu Triệt. Các chính sách của hoàng đế nhà Hán cũng góp phần thúc đẩy giao thương ở con đường tơ lụa trong hàng ngàn năm.