Hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc và bi kịch với 5 bà vợ
Phổ Nghi - vị hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc từng thừa nhận vì quá ham mê sắc dục dẫn đến bị liệt dương, bị người vợ đầu “cắm sừng”, sinh con cho người đàn ông khác…
Vua Phổ Nghi và người vợ đầu, hoàng hậu Uyển Dung.
Phổ Nghi tên đầy đủ là Ái Tân Giác La Phổ Nghi (7/2/1906 – 17/10/1967). Ông lên ngôi khi mới 2 tuổi, là vị vua thứ 12 đồng thời cũng là vị vua cuối cùng của triều đại Mãn Thanh nói riêng và của chế độ quân chủ trong lịch sử Trung Quốc nói chung.
Phổ Nghi bị ép thoái vị năm 1912 khi Cách mạng Tân Hợi bùng nổ rồi sau đó được Phát xít Nhật đưa lên làm Hoàng đế bù nhìn của Mãn Châu Quốc ở Đông Bắc Trung Quốc năm 1934.
Năm 1945, Phổ Nghi bị bắt, bị giam giữ và quản thúc vì tội bắt tay với quân phát xít Nhật. Mãi đến tháng 12/1959, Phổ Nghi mới được thả rồi trở lại sống ở Bắc Kinh như một thường dân cho đến khi qua đời vì bệnh ung thư thận.
Theo Ifuun, cuộc đời của Phổ Nghi gặp nhiều sóng gió, bao gồm cả bi kịch hôn nhân với 5 bà vợ của ông là hoàng hậu Uyển Dung, thục phi Văn Tú, Đàm Ngọc Linh, Lý Ngọc Cầm và Lý Thục Hiền.
Hoàng hậu Uyển Dung: Cắm sừng chồng, có con với người khác
Nếu như Phổ Nghi là hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc thời phong kiến thì Uyển Dung cũng là vị hoàng hậu cuối cùng của chế độ này.
Uyển Dung tên đầy đủ là Quách Bố La Uyển Dung (1906-1946). Bà là con gái duy nhất của Nội vụ Đại thần Vinh Nguyên. Gia tộc Quách Bố La của bà là một gia tộc rất có thế lực khi nhiều đời đều có người giữ chức vụ quan trọng trong triều đình nhà Thanh.
Uyển Dung nổi tiếng xinh đẹp kiêu sa.
Ngày 30/11/1922, bà kết hôn với Phổ Nghi khi mới 16 tuổi và được lập làm hoàng hậu. (Lúc này, Phổ Nghi đã không còn là hoàng đế, mà chỉ là một công dân của Trung Hoa Dân quốc nhưng vẫn được cho hưởng lễ nghi như với hoàng đế các nước, tôn hiệu không bị phế bỏ).
Theo một số ghi chép, vào thời đó, có tin đồn rằng, gia tộc Quách Bố La đã bỏ ra tới 20 vạn lạng vàng để mua ngôi hoàng hậu cho Uyển Dung.
Hoàng hậu Uyển Dung nổi tiếng sở hữu nhan sắc kiêu sa, xinh đẹp, mái tóc đen tuyền, làn da trắng hồng, nói năng từ tốn, đoan trang, có tinh thần tự do, tân tiến. Bản thân bà từ nhỏ cũng được tiếp xúc với văn hóa phương Tây thông qua âm nhạc, hội họa, tiếng Anh…
Xinh đẹp, tài năng là vậy nhưng Uyển Dung lại bị Phổ Nghi lạnh nhạt. Theo Ifuun, thậm chí ngay đêm tân hôn, Phổ Nghi chỉ tới nhìn mặt Uyển Dung một lần rồi bỏ đi.
Nàng Uyển Dung xinh đẹp là vậy nhưng lại bị Phổ Nghi lạnh nhạt
Bẽ bàng và cô đơn, Uyển Dung đã thông dâm với người đàn ông khác họ Lý, một thị vệ của chồng rồi mang thai, sinh con. Điều này đã khiến Phổ Nghi vô cùng tức giận.
Ông hoàng cuối cùng của Trung Quốc sai người cướp con của Uyển Dung rồi quẳng vào lò lửa. Trong cuốn hồi ký “Nửa đời trước của tôi” xuất bản lần đầu năm 1964, Phổ Nghi đã lên tiếng thừa nhận sự việc này:
“Năm 1935, khi Uyển Dung đã mang thai sắp đến ngày lâm bồn thì tôi mới biết chuyện. Tâm trạng của tôi lúc đó rất khó tả. Tôi rất tức giận, nhưng lại không muốn để người Nhật hay biết, nên cách duy nhất là trút giận lên bà ấy... Có lẽ cho đến lúc chết Uyển Dung vẫn mơ thấy con mình đang sống trên cõi đời này. Bà ấy không biết rằng đứa trẻ vừa sinh ra đã bị quẳng vào lò lửa thiêu chết”.
Bi kịch chưa kết thúc khi Uyển Dung sa vào con đường nghiện ngập. Bị chồng ghẻ lạnh, giam vào lãnh cung, con cũng bị cướp đi khi vừa chào đời, Uyển Dung đã dùng thuốc phiện để khỏa lấp bi kịch cuộc đời đến mức “thân tàn ma dại” để rồi cuối cùng qua đời tại Diên Cát, Cát Lâm khi mới tròn 40 tuổi.
2. Thục phi Văn Tú và cuộc ly hôn chấn động với Phổ Nghi
Chân dung thục phi Văn Tú
Thục phi Văn Tú (1909-1953) tên thật là Ngạch Nhĩ Đắc Văn Tú, thời đi học còn có tên khác là Phó Ngọc Phương. Bà sinh ra trong một gia đình quý tộc, kết hôn với Phổ Nghi vào cùng ngày vị hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc cưới hoàng hậu Uyển Dung và được phong làm thục phi.
Theo Ifuun, Văn Tú bị cho là kém sắc. Ban đầu Văn Tú vốn được nhắm cho vị trí hoàng hậu nhưng vì không xinh đẹp, gia đình lại không danh giá nên danh hiệu “mẫu nghi thiên hạ” tuột vào tay Uyển Dung.
Cũng như Uyển Dung, Văn Tú phải chịu chung cảnh bị Phổ Nghi lạnh nhạt. Khi biết Phổ Nghi có ý định bắt tay với quân Nhật để khôi phục lại nhà Thanh và chứng kiến ông mắc hết sai lầm này đến sai lầm khác, Văn Tú đã nhiều lần khuyên can chồng nhưng không được, ngược lại càng bị vị vua trẻ ghét bỏ hơn. Bất lực, bà đệ đơn lên tòa kiện Phổ Nghi ngược đãi mình và đòi ly hôn.
Thục phi Văn Tú được cho là có nhan sắc thua kém.
Một số tài liệu ghi lại rằng, lý do chính khiến thục phi Văn Tú đòi ly hôn với Phổ Nghi là vì ông hoàng này bị yếu sinh lý. Suốt 9 năm hôn nhân, cả 2 được cho là chưa từng một lần “gần gũi ân ái”.
Trong “Nửa đời trước của tôi”, Phổ Nghi cũng không giấu giếm khi kể lại rằng ông mắc chứng liệt dương do ham mê sắc dục từ sớm.
Theo đó, khi Phổ Nghi mới hơn 10 tuổi, các thái giám tối nào cũng đẩy các cung nữ vào giường ngủ để hầu vua, có khi 2 - 3 cô một tối. “Hôm sau dậy tôi hoa mắt chóng mặt, nhìn mặt trời và mọi thứ đều ra màu vàng ệch”, Phổ Nghi kể.
Do bị liệt dương, Phổ Nghi phải thường xuyên tiêm các loại thuốc kích thích có tên Trung Quốc là “Tập bảo mạng”, “An lạc căn” mới “lâm trận” được.
Vụ ly hôn của Phổ Nghi và Văn Tú thời đó đã gây chấn động không nhỏ. Báo chí khi ấy còn gọi Văn Tú bằng cái tên "Hoàng phi cách mạng". Phổ Nghi không lường trước được việc bị vợ bỏ nhưng cũng đành “ngậm đắng nuốt cay” đồng ý ly hôn.
Sau này, Văn Tú tái hôn cùng người đàn ông tên là Lưu Chấn Đông, cuộc sống gia đình nghèo khó nhưng khá bình yên. Đến ngày 18/9/1953, Văn Tú trút hơi thở cuối cùng trong căn nhà vẻn vẹn chỉ 10m2.
3. Đàm Ngọc Linh: Người vợ được yêu trọn vẹn nhưng yểu mệnh
Đàm Ngọc Linh (1920-1942) sinh ra trong một gia đình Mãn Châu ở Bắc Kinh. Bà vốn mang họ Tha Tha Lạp nhưng đổi sang họ Đàm, một họ gốc Hán phổ biến nhằm tránh gặp rắc rối vì các phong trào chống Mãn Thanh dâng cao sau khi Nhà Thanh bị lật đổ năm 1911.
Chân dung người vợ thứ 3 của Phổ Nghi Đàm Ngọc Linh
Đàm Ngọc Linh kết hôn với Phổ Nghi vào tháng 4/1937 tại Cung điện Trường Xuân của Mãn Châu Quốc và được ban hiệu Tường Quý nhân.
Vốn là một cô gái thông minh nhanh nhẹn, biết đối nhân xử thế, Đàm Ngọc Linh rất được Phổ Nghi sủng ái. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân được cho là hạnh phúc nhất của Phổ Nghi lại không kéo dài bao lâu khi Đàm Ngọc Linh đột ngột qua đời ở tuổi 22.
Đến nay cái chết của Đàm Ngọc Linh vẫn là một điều bí ẩn. Có nhiều tin đồn cho rằng, Ngọc Linh chết vì mắc phong hàn, cô tự tử hoặc thậm chí bị đầu độc…
Đây là người vợ được Phổ Nghi yêu thương nhất.
Phổ Nghi lúc đầu im lặng không nói gì về nguyên nhân cái chết của Ngọc Linh. Mãi tới năm 1946, vị hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc mới đột nhiên tiết lộ “người vợ yêu (Đàm Ngọc Linh) của tôi bị quân Nhật giết hại”. Theo Phổ Nghi, Đàm Ngọc Linh “chỉ mắc chứng phong hàn, nhưng sau khi được bác sĩ người Nhật điều trị, cô ấy lại bệnh ngày càng nặng hơn”.
Trong số 5 người vợ, có lẽ chỉ Đàm Ngọc Linh được Phổ Nghi gọi một tiếng “vợ yêu” và nhớ thương cho tới cuối đời. Có tài liệu chép rằng, Phổ Nghi thậm chí còn luôn giữ bên mình ảnh của Ngọc Linh cho tới khi “nhắm mắt xuôi tay”.
4. Lý Ngọc Cầm và cuộc hôn nhân “địa ngục” với Phổ Nghi
Nhan sắc nàng Lý Ngọc Cầm.
Sau khi Đàm Ngọc Linh qua đời, triều thần ép Phổ Nghi chọn người vợ khác. Cuối cùng Lý Ngọc Cầm (1928-2001) được lựa chọn. Khi trở thành vợ thứ 4 của Phổ Nghi, Ngọc Cầm mới 15 tuổi.
Lý Ngọc Cầm là người Hán, sinh ra trong một gia đình nông dân gốc Sơn Đông nhưng lớn lên ở Trường Xuân, Cát Lâm, thủ đô của Mãn Châu Quốc - quốc gia bù nhìn do quân Nhật lập ra trong Chiến tranh Trung-Nhật.
Tháng 2/1943, Ngọc Cầm được đưa vào cung và được phong danh hiệu Phúc Quý Nhân. Nhưng vì có xuất thân thường dân, nên Ngọc Cầm thường xuyên bị coi thường. Phổ Nghi vì vẫn nhớ nhung người vợ trước nên cũng tỏ ra chán ghét Phúc Quý Nhân.
Thậm chí, để khống chế người vợ mới 15 tuổi, Phổ Nghi được cho là còn đưa ra 21 điều khoản cấm kỵ với cô bao gồm, phục tùng mọi quy tắc trong cung, mọi hành vi ngôn ngữ phải tuần theo chồng, không được về thăm gia đình, không được nghe lỏm chuyện ngoài cung hay không được chau mày nhăn mặt...
Những ngày sống cùng Phổ Nghi của Ngọc Cầm vô cùng khốn khổ, thường xuyên bị Phổ Nghi đánh mắng khi ông tức giận.
Sau khi vào cung được 2 năm thì Mãn Châu Quốc sụp đổ, Ngọc Cầm và hoàng hậu Uyển Dung bị quân đội Liên Xô bắt giữ và bị giam vào nhà tù tại Trường Xuân.
Hoàng hậu Uyển Dung mất tại đây còn Ngọc Cầm được trả tự do vào năm 1946. Đến năm 1958, Ngọc Cầm ly hôn với Phổ Nghi rồi kết hôn với người khác, sinh được 2 con trai, sống phần đời còn lại bình yên.
Ngày 4/24/2001, Lý Ngọc Cầm bệnh nặng qua đời tại Trường Xuân sau 6 năm chiến đấu với bệnh nặng, hưởng thọ 73 tuổi.
5. Người vợ cuối cùng Lý Thục Hiền
Phổ Nghi bên người vợ thứ 5 Lý Thục Hiền.
Cuốn “Bí mật lần kết hôn cuối cùng của vua Phổ Nghi” viết rằng, Lý Thục Hiền là một người phụ nữ phức tạp với 3 lần kết hôn. Bà kết hôn với Phổ Nghi năm 37 tuổi khi mới ly hôn với người chồng thứ 2 một năm.
Lý Thục Hiền vốn là một hộ lý. Bà được Sa Tăng Hy - cán bộ biên tập Nhà xuất bản Nhân dân Bắc Kinh giới thiệu cho Phổ Nghi khi ông đã trở thành một công dân bình thường, không còn danh hiệu hoàng đế và những đặc quyền khác. Đây là cuộc hôn nhân bình đẳng và bình thường duy nhất của Phổ Nghi.
Về tình cảm vợ chồng giữa hai người có rất nhiều câu chuyện trái ngược nhau. Có tin đồn, Phổ Nghi rất yêu thương người vợ thứ 5 này. Khi trời mưa ông còn cầm ô đi đón vợ. Thấy trên đường có chiếc hố không đậy nắp, sợ vợ dẫm phải, Phổ Nghi còn đứng canh tại đây suốt nửa tiếng.
Tuy nhiên, cũng có tin đồn cho rằng, do Phổ Nghi yếu sinh lý nên cuộc sống của hai vợ chồng luôn lục đục. Lý Thục Hiền thậm chí được cho là cảm thấy hối hận khi lấy Phổ Nghi.
Ngày 17/10/1967, Phổ Nghi bệnh nặng qua đời. 30 năm sau, Lý Thục Hiền qua đời do căn bệnh ung thư phổi, hưởng thọ 72 tuổi.
Nguồn: [Link nguồn]
Các hoàng đế Trung Quốc xưa thường có hàng trăm, hàng nghìn phi tần trong hậu cung nên việc chọn người nào để thị tẩm...