Hoàn thành phát triển vũ khí hạt nhân, Triều Tiên sẽ phát triển kinh tế?
Vào đêm 29/11, Triều Tiên đã phóng thử tên lửa đạn đạo mạnh nhất của mình. Chỉ trong vòng 6 phút sau đó, Hàn Quốc cũng tiến hành diễn tập không kích để gửi một thông điệp rằng họ sẵn sàng mạnh tay đáp trả.
Tuy nhiên theo hãng tin Fox News, đây cũng có thể coi là tín hiệu cho thấy tiến trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đang đến hồi kết.
Một số người cho rằng, với việc tuyên bố là một quốc gia hạt nhân có thể sánh với Mỹ, Bình Nhưỡng có thể sẽ tập trung vào một ưu tiên khác mà lãnh đạo Kim Jong-un đã từng nếu ra trong bài diễn văn đầu năm nay, đó là khôi phục nền kinh tế đang yếu kém của mình.
Tin Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đã xuất hiện trên các kênh truyền thông.
Cuộc phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên ngày 29/11, được cho là có thể bắn tới bất kỳ nơi nào thuộc lãnh thổ nước Mỹ, là nhằm thách thức Mỹ cũng như chứng minh sự phát triển về mặt quân sự của mình. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng cũng có những bước đi cụ thể để không khiêu khích Tổng thống Mỹ Donald Trump dùng vũ lực.
Thứ nhất, Triều Tiên đã không phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản, điều mà họ đã hai lần thực hiện trong các cuộc thử nghiệm vừa qua. Thứ hai, mặc cho những tuyên bố mạnh mẽ, Triều Tiên đã không phóng tên lửa tới đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương. Thứ ba, Triều Tiên cũng không cho thử nghiệm đầu đạn hạt nhân được gắn trên các tên lửa tầm xa.
Những điều trên không phải là những dấu hiệu rõ ràng để dự đoán về tương lai của Triều Tiên. Tuy nhiên, nó cho thấy rằng Bình Nhưỡng có thể tin rằng họ đã giành chiến thắng quân sự lớn và sẽ tập trung vào các vấn đề khác trong năm tới, cùng thời điểm 70 năm đất nước Triều Tiên được thành lập.
Theo ông Vipin Narang, chuyên gia vũ khí hạt nhân tại MIT (Mỹ), cuộc thử nghiệm tên lửa mới nhất của Triều Tiên có thể coi là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng tin đã “hoàn thành” chương trình hạt nhân của mình và tập trung vào phát triển kinh tế, song ông cũng nói thêm rằng “vẫn còn rất nhiều yếu tố khó lường tác động lên Triều Tiên”.
“Một phần trong tôi vẫn lo ngại rằng Triều Tiên đang cố gắng để đảm bảo tên lửa của mình đạt tầm bắn như đã thiết kế, và rồi nếu như Mỹ vẫn nghi ngờ khả năng của tên lửa, họ sẽ cho thử nghiệm tên lửa mang đầu đạn hạt nhân ở ngoài biển”, ông Narang nói. “Dù vậy tôi vẫn nghĩ đây là một động thái đầy mạo hiểm và chỉ được thực hiện nếu họ nhận thấy có một hành động khiêu khích nghiêm trọng từ phía đối thủ của mình”.
Bình Nhưỡng hoàn toàn có thể sẽ tiếp tục thử nghiệm vũ khí với tốc độ chóng mặt như hiện nay, khi chúng vẫn chưa thể so sánh được với các loại vũ khí hạt nhân mà các cường quốc trên thế giới đang có.
Theo ông Narang, chương trình vũ khí của Triều Tiên vẫn đang trong giai đoạn phát triển, nghĩa là “họ vẫn cần phải đạt được những mục đích nhất định về tầm bắn, độ tin cậy”.
Người dân Triều Tiên vui mừng trước tin tên lửa đạn đạo mới được thử nghiệm thành công.
Nhiều chuyên gia tin rằng ít nhất sẽ có thêm một cuộc thử nghiệm tên lửa nữa để kiểm chứng tầm bắn tối đa của nó. Thêm vào đó, Triều Tiên vẫn chưa hoàn thiện tên lửa phóng từ tàu ngầm của mình.
Một nỗi lo lớn hơn đó là Triều Tiên có thể sẽ cho nổ một loại tên lửa mang đầu đạn nhiệt hạch ở ngoài không trung để dập tan nghi ngờ rằng nước này không có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân. Vào tháng 9 vừa qua, Ngoại trưởng Triều Tiên nói rằng đất nước của ông có thể sẽ thử bom nhiệt hạch ở ngoài Thái Bình Dương.
Dù vậy, tuyên bố của Triều Tiên sau khi thử tên lửa vào ngày 29/11 cho thấy họ không muốn gây hoang mang. Theo họ, loại tên lửa này “đã đạt được mục tiêu mà Triều Tiên đề ra nhằm tiến đến hoàn thành quá trình phát triển tên lửa”.
Bình Nhưỡng cũng nói rằng tên lửa của họ cho thấy họ có thể “phát triển vũ khí để đối phó với chính sách hăm dọa bằng hạt nhân của Mỹ” trong khi người dân tiếp tục “có một cuộc sống yên bình”.
Sau nhiều tháng thử nghiệm tên lửa và có nhiều tuyên bố đe dọa lẫn nhau giữa Triều Tiên và Mỹ, ai cũng muốn chương trình hạt nhân của Triều Tiên kết thúc. Tuy nhiên điều này có dẫn đến việc Triều Tiên có thể có “một cuộc sống yên bình” hay không, không ai có thể trả lời được.
Chuyên gia Vladimir Kolotov nhận định rằng, nếu không chịu thay đổi chính sách với Triều Tiên thì Mỹ sẽ đi vào ngõ cụt,...