Hoạn quan quyền to khiến nhiều quan lại "không dám mọc râu", hoàng đế TQ phải chịu khổ nhục
Không chỉ là nguyên nhân trực tiếp gây ra một trong những thất bại quân sự lớn nhất của Trung Quốc trước ngoại bang, nhân vật này còn mở ra “triều đại hoạn quan” đầy tai tiếng trong lịch sử.
Vương Chấn – kẻ tự hoạn mình để cầu danh lợi (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Sau khi đánh đuổi quân Mông Cổ, lập ra nhà Minh, vì lo sợ tương lai hoạn quan gây loạn trong triều, hoàng đế Chu Nguyên Chương đặt ra quy định vô cùng nghiêm khắc, đó là cấm tiệt việc hoạn quan can thiệp chuyện triều chính hay giao thiệp với quan lại khác.
Tuy nhiên, con cháu của Chu Nguyên Chương lại không tuân thủ nghiêm ngặt quy định trên. Hoạn quan ngày càng được các hoàng đế nhà Minh đời sau trọng dụng, sinh ra lắm mầm họa chốn cung đình.
Thời Minh Tuyên Tông, nhà Minh cho lập Nội thư đường – cơ quan phụ trách việc giảng dạy trong cung – và giao cho một số hoạn quan phụ trách. Đặc biệt, Minh Tuyên Tông cho phép một số sĩ tử lận đận khoa cử tự thiến mình để nhập cung. Vương Chấn – một nho sĩ biết chút chữ nghĩa, quê Úy Châu – là một trong số này.
Vốn là người nhanh nhẹn, khéo léo, lại có chữ, Vương Chấn nhanh chóng trở nên nổi bật trong đám hoạn quan làm việc ở Nội thư đường. Ông ta được Minh Tuyên Tông để mắt, giao cho việc dạy thái tử học.
Minh sử chép, năm 1435, Minh Tuyên Tông qua đời, thái tử Chu Kỳ Trấn lên ngôi, lấy hiệu là Minh Anh Tông. Vương Chấn lập tức được trọng dụng, trở thành thủ lĩnh của tất cả hoạn quan trong triều. Các tấu chương trình lên, Minh Anh Tông để mặc cho Vương Chấn phê duyệt. Với một số chỉ thị của hoàng đế truyền ra bên ngoài, Vương Chấn cũng tự ý thêm bớt sao cho hợp ý mình.
Vương Chấn khéo léo ẩn mình, chờ cơ hội thâu tóm quyền lực (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Tuy nhiên, Vương Chấn cũng không phải không có đối thủ. Do Minh Anh Tông lên ngôi khi mới 8 tuổi, bà nội là Trương Thái hậu phải tạm nắm quyền nhiếp chính. Vốn không ưa hoạn quan, Trương Thái hậu thường đem quy định hoạn quan không được can thiệp chuyện triều chính để dọa tước quyền lực của Vương Chấn. Hoạn quan họ Vương cũng e sợ nhất người phụ nữ này.
Có lần, để thị uy trước Vương Chấn, Trương Thái hậu sai cung nữ mặc giáp phục, cầm kiếm đứng hầu. Vương Chấn vừa được triệu tới, lập tức bị bắt quỳ gối. Trương Thái hậu mắng:
“Tổ tiên đã giáo huấn hoạn quan không được tham gia chính trị. Ngươi hầu hạ hoàng thượng mà không tuân theo luật lệ. Ta nên ban chết cho ngươi”.
Vương Chấn quá sợ hãi, dập đầu lia lịa xuống đất xin tha mạng. Minh Tuyên Tông và một số quan lại khác cũng xin tha cho Vương Chấn. Trương Thái hậu tạm tha chết cho Vương Chấn nhưng cứ cách 2 ngày lại cho người tới kiểm tra xem ông ta đang làm gì. Vương Chấn quả nhiên không dám tác oai tác quái suốt một thời gian dài.
Biết không thể đấu lại với uy tín và thế lực của Trương Thái hậu, Vương Chấn tìm cách lấy lòng bà. Có lần, trông thấy Minh Anh Tông và một thái giám trẻ tuổi chơi đá cầu trong cung, Trương Thái hậu cũng có mặt, Vương Chấn vội quỳ xuống can ngăn:
“Không ít hoàng đế chỉ vì quả cầu mà mất nước. Xin bệ hạ suy xét lại”.
Màn giả trung giả nghĩa này của Vương Chấn quả nhiên qua mặt được Trương Thái hậu. Bà cảm động thở dài:
“Trong đám hoạn quan cũng có người như vậy sao?”.
Từ sau vụ việc đó, Trương Thái hậu giảm bớt nghi kỵ đối với Vương Chấn. Viên hoạn quan này cũng không dám tự phụ, ngày càng tỏ ra trung thành và cần mẫn hơn. Bề ngoài Vương Chấn thể hiện là người không màng danh lợi, nhưng sau lưng Trương Thái hậu, ông ta ra sức thâu tóm quyền lực, gây dựng phe cánh.
Vương Chấn mặc sức lộng hành khiến triều Minh đi trên con đường suy vong (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Năm 1442, Trương Thái hậu qua đời, Vương Chấn không còn biết kiêng dè ai nữa. Minh Anh Tông không quan tâm đến việc nước, mọi việc nhất nhất đều giao cho Vương Chấn quyết định. Khi nói chuyện với Vương Chấn, Anh Tông đều dùng từ “tiên sinh”, không gọi thẳng tên để bày tỏ sự tôn trọng.
Nhiều quan lại sợ Vương Chấn nên ra sức lấy lòng ông ta. Ai muốn bản tấu được phê duyệt đều phải đút lót cho Vương Chấn. Mỗi tháng, Vương Chấn lại công bố một bản danh sách, trong đó liệt kê chi tiết ai biếu bao nhiêu tiền và mình đã giúp đỡ kẻ đó ra sao.
Một số quan viên a dua nịnh hót thậm chí còn tự cạo hết râu cho giống Vương Chấn và gọi ông ta bằng cha.
Theo Sohu, có lần trông thấy Vương Quý – viên thư lại của Bộ Công – mày râu nhẵn nhụi, Vương Chấn hỏi: “Sao nhà ngươi lại không có râu?”
Vương Quý không biết xấu hổ trả lời: “Cha không có râu, làm sao râu của con dám tự ý mọc?”. Vương Chấn cười lớn tỏ vẻ hài lòng. Sau đó không lâu, Vương Quý được thăng chức làm Thị lang Bộ Công.
Bằng cách đề bạt và bổ nhiệm những kẻ trung thành với mình, phe cánh của Vương Chấn trải rộng từ trung ương đến địa phương. Hoạn quan họ Vương còn lộng quyền tới mức xây dựng một ngôi đền lớn ngay tại kinh thành Bắc Kinh để làm nơi thờ tự mình.
Do sự lộng hành của Vương Chấn, thế lực nhà Minh suy giảm một cách nghiêm trọng. Các bộ tộc Mông Cổ nhân cơ hội này, mặc sức quấy phá biên cương, nuôi mộng muốn làm chủ Trung Quốc một lần nữa.
Các bộ tộc Mông Cổ không ngừng quấy phá Trung Nguyên (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Từ năm 1442 – 1445, Ngõa Lạt – bộ tộc mạnh nhất Mông Cổ bấy giờ – do Dã Tiên chỉ huy đã nhiều lần xâm phạm biên giới, cướp phá ở các vùng đất đai của nhà Minh. E sợ thế lực ngoại bang, Minh Anh Tông phải giảng hòa và cho phép Ngõa Lạt đưa đoàn sứ bộ hàng nghìn người ngựa vào Bắc Kinh nhận thưởng mỗi năm. Thông thường, một đoàn sứ bộ nước khác tới Bắc Kinh đông lắm cũng chỉ đến 50 người mà thôi.
Đầu năm 1449, Dã Tiên dẫn đoàn sứ bộ hơn 2.500 người vào Bắc Kinh nhưng nói phao lên là hơn 3.500 người để nhận thưởng nhiều hơn. Theo ước định, số vàng bạc ban thưởng sẽ lớn hơn rất nhiều số hàng cống nạp. Tuy nhiên, khi kiểm tra, Vương Chấn nhận thấy Ngõa Lạt cống nạp toàn ngựa gầy yếu, sản vật nghèo nàn. Thêm vào đó số lượng người của đoàn sứ bộ không đúng thực tế nên trách mắng Dã Tiên và giảm ban thưởng.
Nhân cớ này, Dã Tiên tuyên bố nhà Minh hạ nhục mình, tức giận bỏ về nước. Giữa năm 1449, Ngõa Lạt kéo quân đánh phá Đại Đồng – một thành trì tương đối lớn ở biên giới – và tiêu diệt gọn 3 vạn quân Minh cứu viện.
Vương Chấn coi thường các bộ tộc du mục Mông Cổ, cho rằng chỉ cần kéo đại quân ra trận, nhất định có thể đè bẹp Ngõa Lạt nên khuyến khích Minh Anh Tông tự mình cầm quân.
Hoàng đế nhà Minh chỉ thích ăn chơi, không biết đánh trận (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Bất chấp sự can ngăn của một số trung thần, Minh Anh Tông điểm binh 50 vạn, cùng Vương Chấn và hơn 100 quan viên, tướng lĩnh lên đường đánh Ngõa Lạt. Vì khởi binh gấp gáp, người ngựa đông đảo, lương thực không chuẩn bị kịp, lại thêm thời tiết xấu nên trên đường đi, quân Minh bị bệnh, ốm chết hoặc cướp bóc đồ của nhau rồi bỏ trốn rất nhiều.
Đến thành Đại Đồng, biết quân Ngõa Lạt vừa rút lui, hàng ngũ quân mình thì ngày càng rối loạn, Vương Chấn vội vàng tuyên bố thắng trận rồi giục Minh Anh Tông trở về. Tuy nhiên, do thói kiêu ngạo, Vương Chấn yêu cầu đại quân phải đi vòng qua quê nhà Úy Châu để ông ta được phen giương oai với người dân quê cũ.
Khi 50 vạn đại quân sắp kéo đến Úy Châu, Vương Chấn lại hối hận vì cho rằng số lượng binh mã đông như vậy sẽ xéo nát ruộng vườn quê nhà. Ông ta lập tức ra lệnh cho đại quân quay đầu trở lại theo đường cũ. Điều này gây nên bất bình lớn trong quân sĩ. Trong khi đó, Dã Tiên đang điều động kị binh Ngõa Lạt truy kích rát phía sau.
Quân Minh vừa đánh vừa lui cho tới Thổ Mộc Bảo, gần thành Hoài Lai (thuộc địa phận tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày nay) thì hạ trại nghỉ ngơi. Các tướng dưới quyền đều kiến nghị nên rút hẳn vào Hoài Lai cố thủ cho an toàn, nhưng Vương Chấn thấy hơn 1.000 xe chở theo tài sản, đồ đạc do quan lại địa phương biếu xén trên đường vì thồ nặng chưa tới kịp, bắt toàn quân phải hạ ở lại Thổ Mộc Bảo để chờ.
Địa hình xung quanh Thổ Mộc Bảo quá trống trải, quân Minh phải chọn vị trí cao để hạ trại nhưng không tìm đâu ra nguồn nước. Người ngựa chạy suốt mấy ngày ròng rã đều khát khô. Binh sĩ đào đất sâu tới 2 trượng cũng không thấy giọt nước nào. Kị binh Ngõa Lạt mai phục và bủa vây 4 mặt, chặn giữa đường đi lấy nước, quân Minh liều chết đánh ra nhưng không phá nổi vòng vây. Tình hình trở nên nguy ngập.
Giữa lúc nước sôi lửa bỏng, Dã Tiên cho người tới nghị hòa, Minh Anh Tông lập tức đồng ý. Vương Chấn ngây thơ cho rằng quân Ngõa Lạt đã rút lui, bèn hạ lệnh cho binh sĩ đổ ra sông lấy nước uống.
Đội hình quân Minh nhanh chóng trở nên lộn xộn. Binh sĩ cởi giáp trụ, vứt bỏ khí giới, giẫm đạp lên nhau mà tranh nước uống. Đúng lúc này, quân Ngõa Lạt mai phục bên bờ sông đổ ra chém giết bừa bãi, quân Minh thương vong không biết bao nhiêu mà kể.
Thổ Mộc Bảo – thất bại quân sự thảm hại đi vào lịch sử Trung Quốc (ảnh: Sohu)
Quân Ngõa Lạt truy sát đến tận trại lớn của Minh Anh Tông. Hoàng đế nhà Minh biết không thể thoát, ngồi trên bãi cỏ đợi chết. Binh sĩ Ngõa Lạt thấy người mặc áo giáp vàng, phong thái khác thường, nghi là Minh Anh Tông bèn bắt sống đem về làm tù binh.
Giữa đám loạn quân, Vương Chấn bị một viên tướng hộ vệ là Phàn Trung hạch tội rồi dùng chùy đánh chết. Đây là sự kiện “Thổ Mộc chi biến” vô cùng nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Nhà Minh sau trận chiến này thế lực giảm mạnh, đánh dấu bước chuyển từ thời hưng thịnh sang suy vong.
Em trai Minh Anh Tông là Chu Kỳ Ngọc thay anh lên làm hoàng đế, lấy hiệu là Minh Đại Tông. Minh Đại Tông nghe lời các đại thần, vừa lên ngôi đã xử tử hàng loạt họ hàng Vương Chấn.
Khi khám xét nhà Vương Chấn, binh sĩ phát hiện hơn 60 kho vàng, bạc, hơn 100 tấm ngọc bích cực lớn, hơn 20 cây san hô dài ít nhất 6 mét và vô số báu vật khác.
Minh Anh Tông bị Ngõa Lạt cầm tù suốt 1 năm ròng, sau đó được trao trả lại cho nhà Minh. Năm 1457, ông một lần nữa lên ngôi hoàng đế do Minh Đại Tông bệnh nặng, không thể xử lý công việc triều chính. Minh Anh Tông tiếp tục trọng dụng hoạn quan như cũ. Tin rằng Vương Chấn vì trung thành mà bỏ mạng, Anh Tông cho khôi phục chức tước, danh dự cho ông ta.
Một lễ chiêu hồn Vương Chấn lớn được Minh Anh Tông tổ chức. Hoàng đế nhà Minh còn xây đền thờ cho Vương Chấn, đặt tên là Tinh Trung để người đời sau noi theo “tấm gương trung nghĩa” của ông ta. Vương Chấn cũng là hoạn quan đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc được lập đền thờ.
Từ thời Minh Anh Tông, phe cánh hoạn quan của Vương Chấn tiếp tục lộng quyền, dẫn đến nhà Minh dần đi đến bước đường diệt vong. Các sử gia sau này gọi Vương Chấn là người đã mở ra “triều đại hoạn quan” trong lịch sử Trung Quốc, theo Sohu.
Nguồn: [Link nguồn]
Cho đến tận lúc chết, Càn Long đầy quyền uy có lẽ cũng không biết được Hòa Thân đã nhiều lần giở “mưu ma chước...