Hòa Thân trong lịch sử đẹp trai khác thường ra sao?

Trên các bộ phim truyền hình Trung Quốc, nhân vật Hòa Thân thường xuất hiện trong hình tượng một người đàn ông trung niên, béo lùn và xảo quyệt. Nhưng ít người biết rằng trong lịch sử, Hòa Thân lại là người rất đẹp trai, thậm chí còn được ca ngợi là “đệ nhất mỹ nam” của nhà Thanh.

Ngoại hình của Hòa Thân trên màn ảnh khác xa với miêu tả trong lịch sử (ảnh: Sunnews)

Ngoại hình của Hòa Thân trên màn ảnh khác xa với miêu tả trong lịch sử (ảnh: Sunnews)

Theo Sohu, hầu hết khán giả đều cho rằng từ khả năng diễn xuất đến ngoại hình, Vương Cương là diễn viên Trung Quốc phù hợp nhất để đóng vai Hòa Thân. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lịch sử không hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Nói một cách khá “phũ phàng” thì Hòa Thân trong lịch sử đẹp trai hơn diễn viên Vương Cương rất nhiều.

Thanh sử cảo chép, năm Càn Long thứ 37 (1772), Hòa Thân lúc này 22 tuổi nhậm chức Tam đẳng thị vệ. Sau nhiều cố gắng, đến năm 1775, Hòa Thân được thăng lên làm Ngự tiền thị vệ thuộc đội Loan nghị vệ, chịu trách nhiệm bảo vệ riêng cho hoàng đế Càn Long. Kể từ sau khi gặp gỡ Càn Long, sự nghiệp của Hòa Thân cũng phất lên như “diều gặp gió”.

Theo dã sử, Hòa Thân không chỉ có vẻ ngoài ưa nhìn, dễ gây thiện cảm, gương mặt ông ta còn đặc biệt giống với một phi tần của Ung Chính - cha Càn Long. Do một lỗi lầm của Càn Long trong quá khứ, phi tần này bị xử tội giảo (thắt cổ chết) khiến ông vô cùng ân hận (một thuyết khác nói rằng giữa Càn Long và phi tần này nảy sinh tình ý). Khi nhìn thấy Hòa Thân, Càn Long bất giác nhớ đến “người xưa” nên ưu ái cho viên thị vệ trẻ tuổi này rất nhiều. Tuy nhiên, một số thông tin cho rằng giữa Càn Long và Hòa Thân nảy sinh quan hệ tình cảm đồng giới là không có căn cứ.

“Nhan sắc” của Hòa Thân sau khi tranh vẽ được phục chế (ảnh: Kknews)

“Nhan sắc” của Hòa Thân sau khi tranh vẽ được phục chế (ảnh: Kknews)

Theo Sohu, mặc dù câu chuyện Hòa Thân có gương mặt giống ái phi đã chết của Ung Chính mang nét hoang đường, nhưng không thể phủ nhận rằng ông ta có diện mạo khôi ngô, vóc dáng cao lớn nên mới được tuyển vào đội thị vệ riêng cho Càn Long. Năm 2018, khi phục chế một số bức vẽ cổ miêu tả chân dung Hòa Thân, các chuyên gia mỹ thuật phải công nhận rằng dung mạo của viên tham quan này rất giống với các tài tử điện ảnh nổi tiếng ngày nay.

Trong lịch sử, Hòa Thân kém Càn Long tới 40 tuổi, nhưng trên màn ảnh, tuổi tác của “cặp bài trùng” này lại suýt soát nhau. Đây là điều mà nhiều chuyên gia lịch sử cảm thấy không thỏa đáng. Trong các bức họa cổ, Hòa Thân hiện lên với vóc dáng cao ráo, nước da trắng, gương mặt thanh tú như phụ nữ, khác rất xa với tạo hình nhân vật mà Vương Cương thủ vai.

Năm 2008, sau khi đóng vai Hòa Thân trong một loạt các bộ phim như Tể tướng Lưu gù, Bản lĩnh Kỷ Hiểu Lam, Mộng đoạn Tử Cấm Thành, Hoàng đế thường dân, Thiết tướng quân… Vương Cương nói rằng mình sẽ không đảm nhận nhân vật này trên màn ảnh nữa. Lý do là ông đã diễn vai này quá nhiều.

Vương Cương là diễn viên thủ vai Hòa Thân xuất sắc nhất (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Vương Cương là diễn viên thủ vai Hòa Thân xuất sắc nhất (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Vương Cương cũng thừa nhận ngoại hình của mình không giống Hòa Thân và một số nam diễn viên trẻ đẹp có thể làm tốt hơn ông. Tuy nhiên, vai diễn Hòa Thân do Vương Cương đảm nhiệm thực sự đã đi vào lòng khán giả.

Năm 2006, Vương Cương kết hôn cùng người vợ thứ 3 kém mình tới 20 tuổi là nữ diễn viên xinh đẹp Trịnh Diễm Đông. Năm 2008, Vương Cương vừa đón đứa con đầu lòng với Trịnh Diễm Đông, vừa lên chức ông nội ở tuổi 60. Trong lịch sử, Hòa Thân cũng là người có rất nhiều vợ. Viên quan tham này nổi tiếng là có duyên và giỏi lấy lòng phụ nữ. Hòa Thân thăng tiến trên con đường quan lộ phần nào cùng nhờ cuộc hôn nhân với Phùng Tế Văn – con gái quan Tổng đốc Phùng Anh Liêm.

Thanh sử cảo chép, năm Càn Long thứ 33 (1768), Hòa Thân lấy con gái quan Tổng đốc Phùng Anh Liêm làm vợ. Hòa Thân khi đó mới 18 tuổi, gia cảnh nghèo nàn, thi cử nhiều lần không đỗ, so với Phùng Tế Văn thì hoàn toàn không môn đăng hộ đối. Nhờ vẻ ngoài tuấn tú và khả năng phu hút phụ nữ, Hòa Thân mới có được cuộc hôn nhân tốt đẹp này. Năm 1769, Hòa Thân tiếp tục đi thi nhưng lại không đỗ, Phùng Tế Văn đã dùng tiền bạc giúp ông ta có được chức Khinh xa đô úy.

Năm 1799, Hòa Thân bị Gia Khánh xử tội chết, nhiều người vợ của Hòa Thân là mỹ nhân đương thời như Ngô Liên Khanh, Đậu Khấu, Trường Nhị Cô được cho vì quá thương nhớ nên đã tự vẫn theo ông ta.

Không chỉ vươn lên nhờ người vợ cả và sự sủng ái của Càn Long, Hòa Thân cũng nhiều lần chứng tỏ mình là người có tài năng về quản lý tài chính, ngoại giao. Hòa Thân thông thạo 4 thứ tiếng Mãn, Hán, Tạng và Mông Cổ. Ông ta từng thay mặt Càn Long tiếp đón sứ thần nhiều nước, trở thành “gương mặt đại diện” của triều Thanh.

Năm 1793, Hòa Thân nhận nhiệm vụ tiếp đón đoàn sứ bộ của nước Anh do George Macartney (Mã Giáp Nĩ Ni) dẫn đầu. Ông ta học thêm tiếng Anh và có thể giao tiếp với Macartney mà không cần phiên dịch. Trong cuốn hồi ký về lần làm sứ giả tới Trung Hoa, Macartney miêu tả Hòa Thân như sau:

“Tướng mạo anh tuấn, trắng trẻo. Cử chỉ khoáng đạt, lịch sự. Luôn bình tĩnh, giao hòa với mọi người, Ứng đối tự nhiên, sắc sảo. Mọi việc không kể lớn nhỏ, đã nói là làm. Bề ngoài kính cẩn dị thường”.

Theo Thanh sử cảo, hoàng đế Gia Khánh cũng từng nhận xét Hòa Thân là người “tuấn tú, nhanh nhẹn, tinh anh”.

Bức tranh cổ vẽ chân dung của Hòa Thân trong Cung vương phủ khiến người xem trầm trồ (ảnh: Wenshigu)

Bức tranh cổ vẽ chân dung của Hòa Thân trong Cung vương phủ khiến người xem trầm trồ (ảnh: Wenshigu)

Ngày nay, khen ngợi một người đẹp trai là điều hết sức bình thường, nhưng vào thời phong kiến, những từ ngữ miêu tả tiêu chuẩn cái đẹp thường chỉ dành cho phụ nữ. Việc một người đàn ông như Hòa Thân được nhiều tài liệu lịch sử ghi nhận là “đẹp trai” là điều rất đặc biệt. Nhiều bộ dã sử nhận xét Hòa Thân là “đệ nhất mỹ nam tử Mãn Châu” có lẽ không phải điều hư cấu, Wenshigu – trang tin chuyên về nghiên cứu lịch sử Trung Quốc – bình luận.

Cung vương phủ – dinh thự cũ của Hòa Thân – hiện trở thành bảo tàng và là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch nhất của Bắc Kinh. Người ta có câu “một tòa Cung vương phủ, nửa bộ sửa nhà Thanh.

Trong Cung vương phủ, có rất nhiều cổ vật được trưng bày, một trong số đó là bức tranh cổ vẽ chân dung của Hòa Thân. Bức tranh này khiến nhiều khách tham quan không khỏi trầm trồ, nguyên nhân là bởi diện mạo của Hòa Thân trong tranh thực sự rất đẹp trai. Lưu ý rằng, bút pháp hội họa ở thời nhà Thanh chủ yếu chú trọng gợi hình chứ không đặc tả.

Nhiều lần vượt mặt cả Càn Long, Hòa Thân vẫn sợ ”không dám ho he” khi gặp nhân vật này

Cậy thế được Càn Long sủng ái, Hòa Thân không chỉ nhiều lần lộng hành, hà hiếp các quan lại khác, ông ta còn không ngại...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Đại gian thần Hòa Thân Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN