Hòa Thân lớn mật mang gái đẹp của Càn Long về làm vợ lẽ như thế nào?
Cho đến tận lúc chết, Càn Long đầy quyền uy có lẽ cũng không biết được Hòa Thân đã nhiều lần giở “mưu ma chước quỷ”, lừa phỉnh mình như thế nào.
Hòa Thân đã nhiều lần giở trò lừa lọc ngay trước mặt Càn Long (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Càn Long là một vị vua vũ dũng. Dưới thời trị vì của ông, nhiều chiến dịch truy quét quân phản loạn được đẩy mạnh, lãnh thổ của Trung Quốc mở rộng tối đa. Niên hiệu Càn Long có nghĩa “con rồng hùng mạnh càn quét” cũng phần nào thể hiện quyền lực tối cao của ông.
Uy quyền của vua như vậy, nên ít ai dám ngờ, Hòa Thân - kẻ luôn gần gũi Càn Long nhất, lại dám nhiều lần tước đoạt trắng trợn những báu vật, thậm chí, là cả người phụ nữ của hoàng đế về làm của riêng.
Hòa Thân nắm giữ chức tổng quản phủ nội vụ, thượng thư bộ Hộ, quản lý tiền bạc, lương thực của cả quốc gia. Vì thế, những bảo vật, đặc sản quý hiếm muốn dâng lên Càn Long, trước hết, đều phải qua sự kiểm tra của Hòa Thân. Thanh sử chép: Đồ tiến cống các nơi chuyển về, Hòa Thân tự mình chọn lựa, lấy đến 8 phần, chỉ chuyển vào cung 2 phần mà thôi.
Phần lớn bảo vật dâng lên Càn Long đều bị Hòa Thân chiếm đoạt làm của riêng (ảnh minh họa)
Không chỉ chiếm đoạt những sản vật thông thường, ngay đến cả bảo vật đã dâng đến tận tay Càn Long, Hòa Thân cũng tìm cách lấy về cho được. Thanh sử cảo chép:
Tháng 6 năm 54 niên hiệu Càn Long, tổng đốc Lưỡng Quảng (tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay) là Tôn Sĩ Nghị về triều. Tôn Sĩ Nghị đến Kim Loan điện yết kiến hoàng đế. Vừa đến cửa cung lại gặp ngay Hòa Thân.
Hòa Thân thoáng thấy vật trên tay Tôn Sĩ Nghị, liền đòi xem. Ông ta thấy đó là một hộp thuốc hít (hộp đựng cao, thảo dược, hít để xông mũi, cho đầu óc tỉnh táo) làm bằng ngọc trai, to bằng quả trứng chim công, điêu khắc tinh xảo, long lanh khoe sắc. Hòa Thân vốn rất mê ngọc trai, luôn miệng khen ngợi, ngỏ ý muốn Tôn Sĩ Nghị tặng lại cho mình. Tôn Sĩ Nghị không biết làm thế nào, đành phải nói:
- Vật này vốn để dâng lên thánh thượng mà hạ quan cũng đã tâu lên rồi. Hòa đại nhân thích lẽ ra nên tặng nhưng lại không biết nói lại với thánh thượng ra sao.
Hòa Thân nghe vậy lấp liếm rằng mình chỉ nói đùa mà thôi. Tôn Sĩ Nghị tưởng chuyện như thế là khép lại. Nào ngờ mấy ngày sau, Hòa Thân cho mời Tôn Sĩ Nghị đến, trên tay cầm một lọ thuốc hít, nói:
- Dám mời Tôn đại nhân xem thử lọ này, so với vật của ngài như thế nào?
Tôn Sĩ Nghị vừa nhìn liền kinh ngạc, thứ mà Hòa Thân cầm trên tay chính là lọ đựng thuốc đã dâng lên Càn Long. Hòa Thân đắc ý:
- Tôn đại nhân đừng ngạc nhiên. Vật này cũng chính do thánh thượng ban tặng.
Tôn Sĩ Nghị biết Hòa Thân dám lấy cắp bảo vật từ trong cung, liền hiểu được quyền lực của ông ta. Từ đó đối với Hòa Thân một mực cung kính.
Bức tranh chữ phúc do Khang Hy viết cũng bị Hòa Thân lấy cắp (ảnh minh họa)
Một sự kiện khác có lẽ còn “kinh thiên” hơn. Đó là việc Hòa Thân dám lấy cắp cả quốc bảo của triều Thanh – chữ “phúc” của hoàng đế Khang Hy. Khang Hy là vị hoàng đế rất nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, là ông nội và cũng là người Càn Long vô cùng sùng bái.
Hoàng đế Khang Hy được biết đến là người có trình độ thư pháp rất cao, nhưng rất ít viết lại chữ lưu niệm. Vì thế, người Trung Quốc có câu “một chữ Khang Hy, giá ngàn vàng”.
Bức tranh chữ phúc do Khang Hy viết vào lễ mừng thọ của của Hiếu Trang hoàng thái hậu. Từ sau khi có tranh chữ, hoàng thái hậu khỏe mạnh, không còn bệnh tật. Khang Hy thấy chữ phúc này viết ra có linh khí, sai người khắc vào bia đá, đặt trong nội cung, gọi nó là quốc bảo của nhà Thanh. Chữ phúc mà Hoàng đế Khang Hy viết ra có điểm rất đặc biệt. Trong một chữ phúc lại có cả hàm nghĩa “đa tử, đa tài, đa điền, đa thọ, đa phúc”. Đây là chữ “ngũ phúc” hợp nhất lại, có một không hai từ trước đến nay.
Trên bức tranh còn được đóng ngọc ấn của riêng Khang Hy, khiến cho nó trở thành vật quý không gì sánh được. Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai cũng từng gọi bức vẽ này là “Trung Hoa đệ nhất phúc”.
Năm 1799, Hòa Thân bị trị tội. Khi khám xét, ai cũng kinh ngạc khi tìm thấy bức tranh chữ phúc của hoàng đế Khang Hy nằm trong nhà của ông ta. Chắc chắc, Hòa Thân đã tìm cách để lấy cắp được quốc bảo này của nhà Thanh về giấu trong nhà. Nhiều người cho rằng, Gia Khánh cũng vì bức tranh chữ phúc này, nghĩ rằng Khang Hy đế ban phúc, bèn tha chết cho gia quyến của Hòa Thân.
Hòa Thân dám lấy cung nữ mà Càn Long yêu thích làm vợ lẽ của mình (ảnh minh họa)
Không chỉ nhiều lần qua mặt Càn Long chiếm đoạt bảo vật, mà ngay đến cả người phụ nữ của hoàng đế, Hòa Thân cũng dám chiếm. Trong cuốn Quy vân thất kiến văn tạp ký, Trần Điêu – người triều Thanh viết:
Càn Long khi đi tuần thú xuống Giang Nam, các địa phương dâng lên nhiều giai nhân. Trong đó, nổi bật nhất là một mỹ nữ tên Mai Quế do tuần phủ Giang Ninh tiến cống. Càn Long rất thích mỹ nhân này, đưa về trong cung. Hòa Thân cũng để ý đến Mai Quế, muốn tìm cách gần gũi người đẹp.
Vốn Càn Long do cao tuổi, hàng năm, theo lệ đều phải cắt giảm số cung nữ. Hòa Thân nhân đó lập mưu với tổng quản thái giám. Ông ta lén đưa Mai Quế ra khỏi cung, đến vườn Thục Xuân gặp gỡ. Hòa Thân nhiều lần ân ái với Mai Quế mà Càn Long không hề hay biết.
Trong bản hạch tội Hòa Thân, hoàng đế Gia Khánh viết: “Dám lấy cung nữ của vua làm vợ lẽ. Bưng bít sự thật, vô liêm sỉ là tội lớn thứ tư”.
Từ những chuyện trên, có thể thấy Hòa Thân đã nhiều lần lợi dụng quyền thế, sự sủng ái mà khinh nhờn, qua mặt Càn Long nhiều lần. Chiếm đoạt tài vật, ăn cắp quốc bảo, thậm chí, dám lấy cả mỹ nữ của hoàng đế về làm vợ lẽ. Từ xưa đến nay, chỉ mình Hòa Thân dám làm những chuyện động trời như thế.
____________
Hòa Thân là người có lối sống cực kì xa xỉ, đến cả vua chúa cũng không bằng. Ông ta còn có một món ăn khoái khẩu nhưng cũng không kém phần quý giá và kỳ lạ. Hòa Thân tin rằng loại thực phẩm đặc biệt này là bí quyết làm cho đầu óc sáng suốt, thông minh. Mời bạn đón đọc trong bài kỳ sau, xuất bản vào sáng 29/09/2019
Người xưa có câu “gần vua như gần hổ”, tuy nhiên, điều khó đối phó nhất với Hòa Thân khi làm quan không phải hoàng...