"Hỏa thần" HIMARS mất thiêng, Ukraine cần phương Tây cung cấp vũ khí mới đối phó Nga?
Quân đội Ukraine không thể đấu pháo với các lực lượng Nga một cách sòng phẳng và cần các vũ khí mới nếu muốn tiếp tục duy trì thế cạnh tranh trên chiến trường, các chuyên gia phương Tây nhận định.
Pháo binh Ukraine nã hỏa lực nhằm vào lực lượng Nga ở vùng Donetsk vào ngày 3/2/2024.
“Đạn pháo do phương Tây cung cấp trong tương lai khó có thể giúp Ukraine chiếm lợi thế so với Nga", Michael Kofman và Dara Massicot, hai chuyên gia đến từ Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở ở Mỹ cũng như chuyên gia Rob Lee ở Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại nhận định, theo Insider.
Trong vài tháng qua, lực lượng Ukraine ở tiền tuyến đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược và bị Nga áp đảo về hỏa lực. Tình hình hiện nay khác hẳn mùa hè năm ngoái, khi Ukraine tích trữ số lượng đạn pháo đáng kể để phát động phản công.
Kể từ đó, Nga đã không ngừng mở rộng sản xuất vũ khí và nhận được sự hỗ trợ từ các quốc gia khác.
Theo các ước tính hiện nay, Ukraine bắn khoảng 2.000 quả đạn pháo/ngày, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh điểm trong xung đột còn lực lượng Nga bắn tới 10.000 quả/ngày.
Các chuyên gia nhận định, lực lượng Nga chiến đấu ở Ukraine được cung cấp đạn pháo một cách bền vững và mức độ tiêu hao thậm chí sẽ còn lớn hơn.
Theo các chuyên gia, "Ukraine đã không thể phá vỡ phòng tuyến Nga dù có lợi thế về vũ khí và đạn pháo trong mùa hè năm ngoái. Do đó, các cuộc phản công trong tương lai là không khả quan trừ khi phương Tây giúp Ukraine tạo ra các ưu thế mới".
Binh sĩ Nga vận hành lựu pháo M777 ở tiền tuyến.
"Điều đó nghĩa là ngoài việc tập trung vào UAV, Ukraine có thể cần thêm các vũ khí tấn công chính xác", các chuyên gia đánh giá.
Bên cạnh đó, Ukraine cũng không thể tiếp tục dựa vào "hỏa thần" HIMARS hay đạn pháo dẫn đường Excalibur do hai loại vũ khí này đã bị Nga khắc chế.
Pháo phản lực HIMARS gây tiếng vang kể từ mùa hè năm 2022 nhưng đã gần như mất hút trong suốt năm 2023. Nguyên nhân là do Nga đã thích nghi, đặt kho vũ khí, các cơ sở quân sự quan trọng nằm ngoài tầm bắn của HIMARS.
Các chuyên gia nhận định, nếu muốn giúp Ukraine, phương Tây cần tìm ra cách mới để áp đảo hỏa lực của Nga, đặc biệt là các vũ khí dẫn đường tầm xa chính xác.
Năng lực tác chiến điện tử của Nga cũng khiến HIMARS và đạn pháo Excalibur giảm hiệu quả chiến đấu. Đó là vấn đề mà phương Tây cần lưu ý khi cung cấp các vũ khí công nghệ cao cho Ukraine trong tương lai.
Mỹ hiện có nhiều loại vũ khí tấn công tầm xa nhưng chưa cân nhắc cung cấp cho Ukraine, ví dụ như tên lửa hành trình phóng từ máy bay AGM-158 JASSM hay tên lửa JSM có thể trang bị cho chiến đấu cơ F-16, tầm bắn hơn 555km.
Pháo phản lực HIMARS đã có một năm 2023 gần như "mất hút" ở Ukraine.
"Việc lập kế hoạch hỗ trợ Ukraine không chỉ dựa vào kinh nghiệm đúc kết năm 2023 mà còn cần tính đến khả năng thích ứng của Nga và sự đổi mới của công nghệ trên chiến trường", các chuyên gia nhận định.
Trong số vũ khí được Ukraine sử dụng hiệu quả năm 2023 phải kể đến tên lửa hành trình phóng từ máy bay Storm Shadow/SCALP do Anh và Pháp cung cấp. Các tên lửa này có tầm bắn hơn 250km và đã gây thiệt hại cho các khí tài của Nga ở bán đảo Crimea.
Trong bối cảnh Mỹ vẫn chưa phê duyệt ngân sách bổ sung nhằm hỗ trợ Ukraine, giới chức phương Tây đang phát tín hiệu rằng ngừng viện trợ có thể dẫn đến "những hậu quả thảm khốc".
“Nếu muốn có một nền hòa bình lâu dài, chúng ta phải cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí và đạn dược hơn nữa”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói trong cuộc họp báo chung gần đây với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. “Vũ khí cung cấp cho Ukraine là con đường dẫn đến hòa bình”.
Nga đã nhiều lần khẳng định phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine chỉ càng làm kéo dài chứ không làm thay đổi cục diện xung đột. Nga cũng kiên quyết theo đuổi chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cho đến khi đạt được tất cả mục tiêu đề ra.
Ukraine sớm nhất sẽ được nhận được vũ khí mới do Mỹ cung cấp trong ngày 31/1, tờ Politico dẫn nguồn tin cho biết.
Nguồn: [Link nguồn]