"Hỏa thần" HIMARS của Ukraine đã hết thiêng?

Pháo phản lực tầm xa HIMARS mà Mỹ cung cấp cho Ukraine giúp Kiev phản công thần tốc ở Kharkiv hồi tháng 9/2022. Nhưng các lực lượng Nga đã dần thích ứng và bằng chứng là Ukraine mất nhiều thời gian để kiểm soát Kherson, cũng như không còn tạo thêm được bước tiến mớiở tiền tuyến.

Tên lửa HIMARS tạo ra dấu ấn rõ rệt nhất trong cuộc phản công của Ukraine ở Kharkiv.

Tên lửa HIMARS tạo ra dấu ấn rõ rệt nhất trong cuộc phản công của Ukraine ở Kharkiv.

Nếu điểm tên một loại vũ khí mang tính biểu tượng nhất trong số các vũ khí phương Tây cung cấp cho Ukraine, hệ thống M142 HIMARS luôn được nhắc đến hàng đầu. 

Thành công của Ukraine trong các đợt phản công đều bắt nguồn từ loại vũ khí này. Mỹ đến nay đã cung cấp cho Ukraine ít nhất 20 xe phóng HIMARS.

Nhưng hệ thống này liệu còn hiệu quả cao sau giai đoạn đầu gây thiệt hại đáng kể cho các lực lượng Nga?. Theo các chuyên gia Mỹ, Nga giờ đây đã thích nghi và biết cách đối phó với việc đối phó HIMARS, theo tờ Business Insider.

Khi HIMARS lần đầu xuất hiện trên chiến trường Ukraine vào mùa hè năm ngoái, đây được coi là vũ khí "thay đổi cuộc chơi". Với khả năng phóng các tên lửa dẫn đường chính xác bằng GPS, tầm bắn tối đa 80km, HIMARS đã phá hủy nhiều sở chỉ huy, kho đạn, kho dầu của Nga.

Một cây cầu ở Kherson bị phá hủy trong giao tranh.

Một cây cầu ở Kherson bị phá hủy trong giao tranh.

HIMARS mở đường cho một cuộc phản công thần tốc của Ukraine ở Kharkiv vào đầu tháng 9/2022. Các phương tiện truyền thông Nga khi đó đăng video cho rằng tên lửa phóng từ HIMARS có năng lực bí mật, ví dụ như tự thay đổi quỹ đạo.

Nhưng khi Ukraine sử dụng HIMARS trong cuộc phản công vào thành phố Kherson ở miền nam, kết quả lại không như vậy.

"Ukraine mất hơn 2 tháng, đến tháng 11/2022 mới giành lại thành phố Kherson và các khu vực ven bờ sông Dnipro", Michael Kofman, chuyên gia am hiểu về Nga tại Viện Nghiên cứu CNA ở Mỹ và Rob Lee, thành viên cấp cao tại Chương trình Á - Âu của Viện Nghiên cứu Đối Ngoại, nhận định. 

"Những gì diễn ra tại Kherson cho thấy hiệu quả của HIMARS có thể đã bị phóng đại và tác động của vũ khí này chững lại sau hai tháng đầu tiên được sử dụng trên chiến trường”, hai chuyên gia nói.

Trên thực tế, các lực lượng Nga đã chủ động rút lui khỏi thành phố Kherson để củng cố phòng tuyến ở bờ bên kia sông Dnipro. Kết quả là Nga duy trì hỏa lực và rút dần các thiết bị khỏi Kherson, bất chấp thách thức đến từ HIMARS.

Các điều chỉnh mà Nga đã thực hiện để đối phó với HIMARS gồm di chuyển các trung tâm hậu cần ra khỏi tầm bắn, gia cố các sở chỉ huy, bổ sung thêm hệ thống đánh chặn và tích cực ngụy trang, đánh lạc hướng HIMARS.

HIMARS tỏ ra lép vế trong các cuộc giao tranh với cường độ cao ở miền đông Ukraine.

HIMARS tỏ ra lép vế trong các cuộc giao tranh với cường độ cao ở miền đông Ukraine.

Về mặt chiến thuật, các lực lượng Nga tại Kherson đã trải qua tình thế khó khăn. Quân đội Nga giữ một đầu cầu ở bờ tây sông Dnipro, chỉ có một số phà và một con đập có thể đi qua để vận chuyển vật tư và quân tiếp viện từ các vị trí chính của Nga ở bờ đông.

Bất chấp Ukraine sử dụng một loạt vũ khí mạnh, đặc biệt là HIMARS, Ukraine đã không thể chặn đứng hoạt động vận chuyển hàng tiếp tế của Nga và vấp phải phản kháng mạnh.

"Kherson là một cảnh báo về thách thức cơ động tấn công chống một đối thủ cố thủ với đủ pháo và phòng không”, hai chuyên gia nhận định.

Đến đầu tháng 1/2023, quân đội Ukraine được cho là đã tận dụng sơ suất của một đơn vị Nga khi đóng quân ở tỉnh Donetsk để xác định vị trí, phóng 6 đạn tên lửa HIMARS khiến ít nhất 89 binh sĩ Nga thiệt mạng.

Ukraine đã thành công khi gây ra một trong những thương vong lớn nhất cho Nga trong xung đột. Nhưng ở các khu vực tiền tuyến, HIMARS đã không giúp quân đội Ukraine giành lợi thế. Bằng chứng là Ukraine đã không thể ngăn quân đội Nga và lực lượng đánh thuê Wagner đạt bước tiến xung quanh thành phố chiến lược Bakhmut.

Theo tờ Insider, Ukraine hưởng lợi lớn nhờ khả năng truy cập vào mạng lưới tình báo, trinh sát của Mỹ. Các dữ liệu vệ tinh Mỹ cung cấp cho Ukraine giúp Kiev tạo ra những cuộc tấn công bất ngờ và gây thương vong lớn cho Nga.

"Vì nhiều lý do mà Nga chưa ngăn chặn quân đội Ukraine tiếp cận thông tin tình báo của Mỹ, cũng như không bắn rơi vệ tinh Mỹ vì lo ngại xung đột leo thang", chuyên gia Kofman nói.

Trả lời hãng thông tấn Nga RIA Novosti, một chỉ huy quân sự Nga nói vào tháng 12/2022: "Chúng tôi giờ đây không gặp vấn đề gì trong việc phát hiện, theo dõi và đánh chặn tên lửa phóng từ hệ thống HIMARS”.

Trong những tuyên bố gần đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã không còn nhắc đến các hệ thống HIMARS, dù Mỹ vẫn còn 14 xe phóng HIMARS nữa chưa chuyển giao cho Ukraine theo cam kết đã đưa ra.

Ông Zelensky thúc giục phương Tây cung cấp hỏa lực mạnh hơn cho Ukraine, bổ sung thêm xe tăng, xe bọc thép. "Chúng tôi sẽ nhận được nhiều xe bọc thép hơn, bao gồm cả xe tăng hạng nhẹ do Pháp sản xuất. Điều này gửi một tín hiệu rõ ràng tới tất cả các đối tác, rằng không có lý do hợp lý nào để giải thích tại sao xe tăng phương Tây vẫn chưa được cung cấp cho Ukraine",  ông Zelensky nói hôm 5/1.

Đáp lại mong muốn của ông Zelensky, Ba Lan ngày 11/1 tuyên bố sẽ gửi sang Ukraine một đại đội xe tăng Leopard 2, tương đương 14 chiếc. Leopard 2 được coi là xe tăng uy lực mạnh nhất ở châu Âu hiện nay.

Mỹ cũng để ngỏ khả năng cung cấp cho Ukraine các xe tăng chủ lực M1, nhưng trở ngại hiện nay là mức tiêu hao nhiên liệu lớn cũng như cần mạng lưới hậu cần, bảo dưỡng quy mô lớn.

Nguồn: [Link nguồn]

Thủ lĩnh tập đoàn đánh thuê Nga tuyên bố số phận hàng trăm binh sĩ Ukraine cố thủ ở Soledar

Các lực lượng đánh thuê Wagner của Nga đã loại bỏ hoàn toàn các nhóm kháng cự còn lại bên trong thành phố Soledar, cách "chảo lửa" Bakhmut khoảng 19km.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Minh - Insider ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN