Hoa hậu bạch tạng nơm nớp sợ bị giết lấy xương ở Kenya
Quan niệm của người châu Phi cho rằng bùa hộ mệnh làm từ xương người bạch tạng giúp xua đuổi bệnh tật và mang lại may mắn.
Loise là hoa hậu bạch tạng năm 2016 tổ chức ở Kenya.
Khi ra đời, ông nội của Loise Lihanda muốn cháu gái mình phải chết vì cho rằng gia đình bị lời nguyền quỷ ám. Loise là một trong số những người bị bạch tạng ở châu Phi đang ngày đêm chống chịu sự kì thị của xã hội sở tại.
Sau khi đăng quang ngôi Hoa hậu Người bạch tạng 2016, cô sinh viên 20 tuổi có thể cảm thấy tự hào phần nào về cuộc đời đầy sóng gió của mình. Nếu không có sự bảo vệ của mẹ, Loise chắc hẳn đã không thể sống tới ngày hôm nay.
Cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức về người bạch tạng và giúp họ không mặc cảm bản thân.
Loise sinh ra và lớn lên ở Kenya, nơi mà làn da trắng đặc biệt của cô trở thành mục tiêu cho những kẻ săn người muốn bắt cóc, hãm hại.
Cộng đồng người bạch tạng ở châu Phi luôn sống trong lo lắng khi ra đường vì sợ bị chặt tay chân. Theo quan niệm cổ hủ ở đây, tay chân người bạch tạng là một vật mang lại nhiều phước lành. Những người như Loise từng bị cắt tóc, móc mắt và cắt bỏ bộ phận sinh dục khi bị bắt cóc.
“Ông nội muốn tôi chết vì ông nghĩ rằng tôi là linh hồn quỷ dữ”, Loise trả lời tờ Daily Mail. “Nếu mẹ tôi không cương quyết bảo vệ, giờ đây mồ tôi đã xanh cỏ”.
Châu Phi có nhiều người bạch tạng vì hôn nhân cận huyết phổ biến.
Loise cho biết gia đình cô có 5 chị em gái thì chỉ có cô mắc chứng bạch tạng: “Tôi bị người ta dòm ngó, trêu chọc. Họ đối xử tệ bạc với tôi nhưng chị em tôi vẫn bảo vệ tôi. Họ giúp tôi không bị ánh mặt trời gây hại sức khỏe, thách thức những kẻ trêu chọc tôi và nói “Mày nhìn cái gì đấy?” nếu xuất hiện ánh mắt thiếu thiện chí. Tôi cảm thấy an toàn khi ở cùng các chị”.
Một số thầy phù thủy Kenya khẳng định rằng nếu bùa hộ mệnh làm bằng xương của người bạch tạng thì bệnh tật được đẩy lùi, may mắn tới liên tục. Niềm tin sai lạc rằng xương của người bạch tạng chứa vàng khiến nhiều nạn nhân bị chính người thân của mình bán lấy tiền.
Các vụ tấn công người bạch tạng cũng rất phổ biến ở châu Phi thời gian qua. Liên Hiệp Quốc từng tuyên bố những người bạch tạng ở châu Phi đang “gặp nguy hiểm tính mạng” và cảnh báo việc tấn công, giết hại người bạch tạng sẽ khiến họ tuyệt diệt trong thời gian ngắn.
Các em nhỏ mắc chứng bạch tạng cũng tham gia cuộc thi.
Loise chia sẻ câu chuyện thường ngày của mình là một cuộc chiến thực sự: “Người ta chỉ trỏ, hét lên “Tiền kìa” khi đi xe bus ngang tôi. Họ nghĩ rằng cơ thể tôi giúp mang lại may mắn, tiền bạc”.
Khi hai chị gái của Loise kết hôn và chuẩn bị sinh con, cô lo sợ rằng cháu mình sẽ mắc bạch tạng. “Tôi rất lo lắng về điều này và hy vọng chúng không mắc bạch tạng. May mắn là nước da của chúng hoàn toàn bình thường. Tôi có thể thở phào”, Loise chia sẻ.
Loise kể rằng bên họ ngoại của cô cũng có người bị bạch tạng nhưng chết trước khi cô sinh ra. Cô nghĩ rằng cuộc sống với người bạch tạng chẳng khác gì địa ngục trần gian.
Thị lực kém là một trong những hệ quả của chứng bạch tạng. Loise phải vật lộn ở trường trước khi bố mẹ cô phát hiện và cho cô đeo kính. Hiện cô là sinh viên ngành báo chí và truyền thông, đồng thời tham gia một quỹ từ thiện cho trẻ em bạch tạng. Nhiều em nhỏ bị bỏ rơi vì bố mẹ các em sợ rằng chứng bạch tạng sẽ lây cho những đứa con của họ sau này.
Những người tham gia cuộc thi và đạt giải cao.
Loise giành ngôi hoa hậu trong cuộc thi dành cho người bạch tạng ở thủ đô Nairobi, Kenya. Mục đích của cuộc thi nhằm tôn vinh tài năng, vẻ đẹp của những người phải đấu tranh với chứng bạch tạng.
Trên toàn thế giới, chứng bạch tạng ảnh hưởng tới khoảng 20.000 người. Tuy nhiên ở Tanzania và một số quốc gia Đông Phi khác, tỉ lệ này còn lớn hơn. Nguyên nhân được cho là bởi hôn nhân cận huyết.