Hồ thủy điện "khủng" TQ xả lũ: 30 vạn người bị ảnh hưởng, 12 làng bị nhấn chìm
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, sau khi hồ thủy điện Tân An Giang, một hồ chứa kiểm soát lũ quan trọng ở thượng nguồn sông Tiền Đường, lần đầu tiên phải xả lũ sau 9 năm, cuộc sống của hàng chục vạn người dân bị ảnh hưởng.
Video: Hồ thủy điện "khủng" của Trung Quốc mở 9 cổng xả lũ, khiến nước dâng cao. Nguồn: Sleuth Media
Theo Thời báo Hoàn cầu, khoảng 30 vạn người ở Kiến Đức, thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và ước tính thiệt hại kinh tế là khoảng 124 triệu nhân dân tệ (17,7 triệu USD) tính tới tối 8/7 sau khi toàn bộ 9 cổng xả lũ của hồ thủy điện Tân An Giang được mở đồng loạt để xả lũ vào sáng cùng ngày. Hôm 7/7, hồ thủy điện này đã mở các cổng xả lũ nhưng không phải toàn bộ.
Tới tối 8/7, mực nước trong hồ thủy điện duy trì ở mức 108,4 mét, cao hơn 1,9 mét so với ngưỡng ngập lụt.
Video: Toàn cảnh hồ thủy điện Tân An Giang xả lũ. Nguồn: CGTN
30 vạn người bị ảnh hưởng thuộc 8 quận và thị trấn ở huyện Kiến Đức. Hơn 9.000 người đã phải sơ tán khẩn cấp tới nơi ở mới. Kể từ khi 9 cổng xả lũ của hồ thủy điện được mở đồng loạt, 12 ngôi làng đã bị nhấn chìm trong nước lũ, diện tích hoa màu bị ảnh hưởng lên tới 653 hecta và 41 công ty bị ảnh hưởng trực tiếp.
Thống kê sơ bộ cho thấy thiệt hại kinh tế trong nông nghiệp, công nghiệp, khai khoáng, tài sản tư nhân, cơ sở hạ tầng và các cơ sở công cộng là 124 triệu nhân dân tệ.
Sáng 8/7, mực nước ở hồ thủy điện chạm tới mức cao: 108,45 mét - cao hơn 0.08 mét so với mức cao thứ 2 trong lịch sử hồ thủy điện (108,37 nét ghi nhận năm 1999. Khi đó, 8 cổng được mở để xả lũ). Lần gần nhất hồ chứa xả lũ là vào năm 2011.
Nước dâng cao ở khu vực cây cầu gần hồ thủy điện Tân An Giang sau khi xả lũ. Ảnh: Weibo
Lượng nước lũ lớn được xả ảnh hưởng đến các khu vực xung quanh, buộc chính quyền địa phương phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Một giờ sau khi hồ thủy điện Tân An Giang xả lũ, mực nước ở một số khu vực thuộc Kiến Đức dâng cao lên tới tầng 2 một số dãy nhà có dân cư sinh sống. Các ống thoát nước ở Kiến Đức đều trong tình trạng "nước chảy ngược".
Tính tới 6h ngày 8/7, thành phố Hàng Châu đã di dời hơn 43.800 người và thiết lập 937 khu ở tạm trong thành phố. Đồ cứu trợ, bao gồm 1.937 thuyền, 1.117 máy bơm và 2.300 áo phao được cung cấp cho người dân địa phương để sống chung với lũ.
481 đội cứu hộ với hơn 2 vạn nhân viên đã tham gia vào các hoạt động tìm kiếm, cứu hộ. Thành phố Hàng Châu cũng gửi tin nhắn tới hơn 10 triệu người dân, cảnh báo về các khu vực ngập lụt nguy hiểm.
Giới chức phòng chống lũ lụt thành phố cũng nhắc người dân sống dọc các con sông chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, hoạt động đánh bắt cá hay chơi đùa gần sông đều bị cấm. Những việc làm như đi lại dưới khu vực ngập nước, di chuyển trên các cây cầu quá cũ không được khuyến khích. Những người đi ô tô không nên di chuyển nhanh hoặc đi vào khu vực bị ngập nặng, có nguy cơ sạt lở cao.
Peng Hong, thành viên nhóm chuyên gia xả lũ ở hồ thủy điện Tân An Giang, đề xuất phụ huynh nên chăm sóc cho con cái họ nếu trẻ chưa nhận thức được nguy hiểm của lũ lụt và cảnh báo trẻ không tới những nơi nguy hiểm.
Ông Peng cũng lưu ý mọi hoạt động dưới nước nên tạm dừng. Một số dự án xây dựng, bao gồm những dự án gần sông, không nên bỏ qua tiêu chí an toàn để cố bắt kịp tiến độ thi công.
Kể từ khi Hàng Châu bắt đầu mùa mưa lũ ngày 29/5, tổng lượng mưa của khu vực này đã đạt tới 710 mm, gấp 2,7 lần lượng mưa thông thường.
Cơ quan dự báo thời tiết Hàng Châu cho biết mưa nặng hạt sẽ còn kéo dài tới ngày 10/7 tại nhiều khu vực trong thành phố.
Nguồn: [Link nguồn]
Úc sẽ đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong và trao thị thực tạm thời, tạo điều kiện cho người Hong Kong được...