Hồ sơ "tam giác ma túy" của CIA ở Trung Mỹ

Sự kiện: Tin tức Mỹ

Kể từ khi được thành lập vào năm 1947 dưới thời Tổng thống Mỹ Harry Truman, Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã được ghi nhận bởi vô số hoạt động mang tầm ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, năm 1996, CIA từng bị nêu tên trong một chuỗi những vụ phanh phui được đăng trên tờ San Jose Mercury News bởi phóng viên Gary Webb đã kể câu chuyện về một "tam giác ma túy" trong suốt thập niên 1980 có dính líu tới giới chức CIA tại Trung Mỹ. Một vòng ma túy ở San Francisco, và một đầu nậu ma túy ở Los Angeles.

Theo các câu chuyện của phóng viên Gary Webb thì CIA và các đặc vụ đã dùng ma túy (bán thông qua cộng đồng người Mỹ gốc Phi ở Los Angeles) để thu lời hàng triệu USD và số tiền này lại dùng cho các hoạt động mật của cơ quan này ở Trung Mỹ.

Một trong những người đã bị tờ San Jose Mercury News buộc tội đã nằm giữa âm mưu cocaine của CIA, lại là một cựu binh đã nghỉ hưu và rất được kính trọng của Lực lượng chống ma túy Mỹ (DEA), ông Robert “Bobby” Nieves.

Về chuyện tố cáo này, ông Nieves sau này cho biết: “Quý vị phải hiểu một điều rằng thời điểm đó Trung Mỹ là thỏi nam châm cho các nhà lý thuyết âm mưu. Viện Christic, những người như tay Gary Webb, và những người khác luôn đào lên những câu chuyện có động cơ chính trị. Không có câu chuyện nào thôi thúc trí tò mò của con người bằng việc quy kết họ là những tay buôn lậu ma túy”.

Vài tuần sau khi công bố, các đồng nghiệp của ông Gary Webb, những nhà báo ở tờ Washington Post, New York Times cho rằng ông Webb cường điệu sự thật cho một âm mưu lớn. Điều mà các nhà báo quan tâm là ông Webb hoài nghi CIA đã châm ngòi nổ cho các thương vụ ma túy.

Phóng viên Gary Webb của tờ San Jose Mercury News, người đã viết loạt bài tố cáo CIA dính líu ma túy ở Trung Mỹ. Ảnh nguồn: KCRW.

Phóng viên Gary Webb của tờ San Jose Mercury News, người đã viết loạt bài tố cáo CIA dính líu ma túy ở Trung Mỹ. Ảnh nguồn: KCRW.

Sau đó ông Webb nhất trí trong một cuộc phỏng vấn rằng bản thân không tìm thấy bằng chứng cho rằng CIA hoặc nhân viên của mình buôn ma túy hoặc hưởng lợi từ nó. Tuy nhiên, ông Webb lại cho xuất bản cuốn sách mang tiêu đề “Liên minh hắc ám - CIA tiến hành cuộc điều tra nội bộ về vai trò của họ ở Trung Mỹ liên quan đến buôn lậu ma túy”.

Ông Frederick Hitz, cựu Tổng thanh tra CIA (một nhà quan sát độc lập do Quốc hội Mỹ phê chuẩn) đã tiến hành cuộc điều tra. Tháng 10 năm 1998, CIA công bố một bản giải mật báo cáo 2 phần của ông Hitz. Báo cáo này tuyên bố rằng các quan chức CIA biết rõ đồng minh Nicaragua của họ buôn bán ma túy, nhưng lại không có bất kỳ động thái can thiệp đối với những cáo buộc. Dưới đây là cái nhìn sâu hơn trong báo cáo Frederick Hitz với nhiều góc khuất đáng quan tâm.

Can thiệp sâu về chính trị

Khi mặt trận giải phóng dân tộc Sandino lật đổ chính phủ của nhà độc tài Anastasio Somoza (Tổng thống Nicaragua) vào năm 1979, Mỹ ngày càng thể hiện quan điểm rõ ràng khi coi chế độ mới là một vệ tinh của Cuba chứ không phải Liên Xô. Khi Ronald Reagan lên cầm quyền sau đó, rất nhanh chóng đã gửi viện trợ để chống lại chính phủ này, họ được biết đến dưới cái tên Kháng chiến Nicaragua hay chỉ đơn giản là Contras.

Cũng như với Miến Điện, Lào và Afghanistan (Mỹ từng tài trợ cho kháng chiến ngầm), Nicaragua có buôn bán ma túy, một thực tế mà CIA rất quan tâm, trong khi nỗ lực lật đổ của Contras đã không thành công. Năm 1981, các thành viên của Liên minh dân chủ cách mạng Nicaragua (ADREN) đã hợp tác với CIA để hất cẳng chính phủ Sandino.

Trong báo cáo Hitz đề cập rằng, một kênh của tổng hành dinh CIA đã lưu ý “lãnh đạo ADREN đã quyết định vận chuyển ma túy sang Mỹ nhằm có kinh phí cho các hoạt động chống Sandino”. Thời hạn là tháng 7 năm 1981, “lô thử nghiệm” sẽ chuyển bằng máy bay sang Miami. Năm 1982, ADREN tan rã, nhưng một số thành viên đã tham gia vào Lực lượng dân chủ Nicaragua (FDN) làm việc với CIA.

CIA cũng nhận được cáo buộc rằng có 5 thành viên của Liên minh cách mạng dân chủ (ADREN) (từng chiến đấu dọc theo biên giới Nicaragua và Costa Rica) đã nhúng tay vào buôn lậu ma túy, 5 người này bị cáo buộc có làm ăn với tay buôn lậu “cái chết trắng” khét tiếng Jorge Morales. Cũng trong khoảng thời gian này, đầu thập niên 1980, một lá thư của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, William French Smith và giám đốc CIA, William J. Casey đã chính thức tạo ra một thứ được xem là “lỗ hổng tiện lợi” cho CIA.

Một trùm ma túy bị lực lượng phòng chống ma túy Nicaragua bắt giữ (ảnh tư liệu).

Một trùm ma túy bị lực lượng phòng chống ma túy Nicaragua bắt giữ (ảnh tư liệu).

 “Vẽ đường cho hươu chạy”

Mùa Đông năm 1982, trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách hất cẳng chính phủ Sandino đang cầm quyền ở Nicaragua thì bỗng xuất hiện một lá thư đề là “Biên bản nhận thức” (MOU) được soạn thảo ở Washington, D.C. Tác giả lá thư là Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, William French Smith, đã quá cố. Còn người nhận thư là giám đốc CIA, William J. Casey.

Nội dung trong lá thư là danh sách các sĩ quan thực địa của CIA được yêu cầu báo cáo nếu họ từng chứng kiến hoặc cảnh giác về hành vi tội phạm, cụ thể nếu họ là đặc tình hoặc ai đó trong sĩ quan CIA muốn được tuyển dụng làm “điệp viên”. Bức thư liệt kê đủ loại tội phạm từ giết người đến gian lận hộ chiếu, nhưng bỏ qua vi phạm ma túy.

Trong bức thư đề ngày 11 tháng 2 năm 1982 mà ông Smith viết gửi cho ông Casey có đoạn: “Căn cứ vào những điều khoản này cũng như sự hợp tác tốt đẹp mà DEA nhận được từ CIA, hiện không có yêu cầu chính thức nào liên quan đến các vi phạm ma túy trong các thủ tục”.

Ông Smith viết: “Trên thực tế, theo thỏa thuận, các nhân viên CIA không yêu cầu báo cáo các hành vi vi phạm ma túy cho trụ sở. Tổng thanh tra CIA, Frederick Hitz nói với chúng tôi rằng cách tốt nhất là một “thông điệp hỗn hợp”. Trong một bản ghi nhớ gửi cho phó giám đốc hoạt động của CIA, ông Clair George, vào năm 1987, quyền giám đốc CIA, ông Robert Gates, ra tuyên bố các viên chức CIA buộc phải chấm dứt quan hệ với Contras do “bị nghi ngờ nhúng tay vào buôn lậu ma túy”.

Ông Hitz giải thích rằng việc bỏ lọt ma túy của MOU và bản ghi nhớ của ông Gates đã không gửi cho các đặc vụ được xem là thất bại của bộ máy quan liêu khổng lồ. Còn ông Jonathan Winer, một nhân viên của Ủy ban điều tra thượng viện do Thượng nghị sỹ John Kerry dẫn đầu, phát biểu: “Chắc chắn một điều là, chính phủ Mỹ vào thời thập niên 1980 đã không tập trung đến vấn đề ma túy”. Số khác tin rằng CIA chỉ đơn giản là tìm cách che đậy dấu vết.

Ông Frederick Hitz, cựu Tổng thanh tra của CIA.Ảnh nguồn: USA Today.

Ông Frederick Hitz, cựu Tổng thanh tra của CIA.Ảnh nguồn: USA Today.

Câu chuyện về căn cứ không quân Ilopango

Câu chuyện về căn cứ không quân Ilopango ở San Salvador (thủ đô của nước El Salvador) từng là một đề tài yêu thích cho những người tin rằng CIA đã bảo vệ cho hoạt động buôn bán ma túy của Contras. Báo cáo Hitz vào năm 1985 cho hay, DEA đã theo dõi Carlos Albert Amador. Hắn ta là cựu phi công của Mặt trận  miền Nam Contras (một tổ chức hoạt động dọc theo biên giới phía Bắc Costa Rica và các khu vực miền Nam Nicaragua.

Năm 1985, Amador bị hoài nghi là chở lậu ma túy từ Costa Rica đến Miami. Kênh của CIA ghi nhận rằng Amador “đã tiếp cận Kho chứa số 4 của căn cứ không quân Ilopango”. Kênh của CIA trích dẫn một nguồn của DEA khi người này nói rằng “Amador có lẽ đã nhận cocaine ở San Salvador để bay đến Grand Caymen và kế tiếp là Nam Florida”, và cho biết thêm rằng DEA đang đề nghị cảnh sát San Salvadoria điều tra Amador và bất kỳ ai có dính líu tới Kho chứa số 4.

Một nguồn tin mật báo cho các điều tra viên CIA rằng Kho chứa số 4 cũng liên quan đến một người tên là Oliver North, người này được ủy nhiệm mật bởi Nhà Trắng khi tiến hành tài trợ cho Contras.

Về phần mình, ông Hector Berrellez, một điệp viên thực địa của DEA, tỏ ra hoài nghi khi cho biết: “Tôi tin rằng các phần tử làm việc cho CIA đã tuồn ma túy vào Mỹ. Tôi biết cụ thể một số nhân viên hợp đồng của CIA, có nghĩa là một số phi công, họ đưa ma túy vào lãnh thổ Mỹ và hạ cánh xuống một số căn cứ không quân của chính phủ. Tôi đã tiếp chuyện với một số người như vậy và họ cho rằng đã hoàn thành trơn tru”.

Theo ông Jonathan Winer thì qua các cuộc phỏng vấn với các đặc vụ DEA, quan chức Mỹ và cựu đại tá Oliver North đều hé lộ rằng CIA không nhắm mắt bỏ qua ma túy ở Trung Mỹ. Bất kỳ dấu hiệu nào của việc thông đồng buôn bán ma túy sẽ giống như việc giao súng đã nạp đạn cho đối thủ nhằm triệt hạ mục tiêu.

Sân bay thuộc căn cứ không quân Ilopango của San Salvador, bị nghi ngờ là nơi CIA tuồn lậu ma túy vào Mỹ. Ảnh nguồn: WarBird Registry.

Sân bay thuộc căn cứ không quân Ilopango của San Salvador, bị nghi ngờ là nơi CIA tuồn lậu ma túy vào Mỹ. Ảnh nguồn: WarBird Registry.

Tại Nicaragua, lá thư Smith-Casey về cơ bản đã bào chữa cho các nhân viên CIA khỏi phải báo cáo việc buôn lậu ma túy trong những tiếp xúc của họ. Ngay cả khi đã rõ trắng đen rằng ma túy đã ảnh hưởng đến nỗ lực chống lại nó thì CIA vẫn chưa bày tỏ thái độ sẵn sàng phản ứng. Ngay từ năm 1980 đã có một cuốn sổ tay bày cách cho nhân viên CIA làm thế nào để đối phó với các cáo buộc hoài nghi buôn lậu ma túy. Và Contras trở thành “vùng bất khả xâm phạm” do nó là vùng đặc quyền của CIA nhằm thu thập tình báo về ma túy.

Quả là khó hiểu khi mãi tới 15 năm sau đó cuốn sổ tay này mới được công bố. Vào giữa thập niên 1980, bất kỳ nỗ lực nào nhằm đẩy CIA ra khỏi buôn lậu ma túy cũng trở nên khó khăn dưới bàn tay ngầm của Casey.       Trong chiến tranh Contras, Oliver North đã thuê các công ty vận tải biển và hàng không để chở lậu ma túy.

Khi Ủy ban Kerry công bố báo cáo vào năm 1988 đã hé lộ công ty Frigorificos De Puntarenas nhận 261.000 USD từ ngân sách của Văn phòng hỗ trợ nhân đạo Nicaragua (NHAO, tổ chức được thành lập vào năm 1985 và chi 27 triệu USD nhằm hỗ trợ cho cuộc kháng chiến của người Nicaragua. Chủ nhân của Frigorificos là Luis Rodriguez, người này cũng điều hành công ty Ocean Hunter/Mr. Shrimp ngoài khơi Miami (Florida).

Năm 1986, DEA tịch thu 400 cân Anh cocaine được chuyển lậu cho Ocean Hunter. Sau đó Rodriguez khai rằng cả 2 công ty đều dùng làm bình phong để “rửa tiền ma túy” giữa Costa Rica và Miami. Mặc dù báo cáo Kerry chỉ đích danh vài công ty được sử dụng bởi NHAO có quan hệ với ma túy, song lại không đưa ra bất kỳ phán quyết gì về cách các cơ quan chính phủ Mỹ biết về mối quan hệ đó.

Báo cáo Hitz nêu rõ: “Những vụ việc này nói lên thái độ tắc trách, cẩu thả của một số quan chức Mỹ chịu trách nhiệm cung cấp bảo trợ cho Contras. Tệ hơn nữa đó là sự làm ngơ trước các công ty dùng tư cách pháp nhân hợp pháp để làm vỏ bọc cho buôn lậu ma túy”.

Nguồn: [Link nguồn]

Bí mật bên trong các viện bảo tàng của CIA và NSA

Hai trong số các cơ quan tình báo lớn nhất của Mỹ: CIA và NSA vừa cải tạo, nâng cấp toàn diện các bảo tàng gián điệp của họ, nơi trưng bày những câu chuyện đáng chú ý về...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Bình (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN