Hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc khô cạn, chính quyền phát báo động đỏ
Chính quyền tỉnh Giang Tây, miền trung Trung Quốc, ngày 23/9 lần đầu tiên tuyên bố tình trạng "báo động đỏ" về nguồn cung cấp nước sau khi hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc ghi nhận kỷ lục đáng lo ngại.
Ảnh chụp trên cao ngày 26/8 cho thấy một trang trại thử nghiệm môi trường sống của cá ở hồ Bà Dương bị cạn khô. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters, Bà Dương - hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc và là một nơi xả lũ quan trọng của sông Dương Tử - đã bị hạn hán kể từ tháng 6 đến nay. Mực nước tại một điểm quan trắc chính giảm từ 19,43 mét xuống 7,1 mét trong 3 tháng qua.
Trung tâm Quan trắc Thủy văn Giang Tây cho biết, mực nước hồ Bà Dương sẽ còn giảm hơn nữa trong những ngày tới, khi lượng mưa trong khu vực vẫn ở mức tối thiểu. Lượng mưa kể từ tháng 7 trong khu vực thấp hơn 60% so với lượng mưa năm ngoái.
Hơn 260 trạm theo dõi thời tiết trên khắp Trung Quốc đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục trong tháng 8. Đợt khô hạn kéo dài ở lưu vực sông Dương Tử đã làm giảm sản lượng thủy điện trầm trọng và ảnh hưởng đến sự phát triển của mùa màng trước vụ thu hoạch mùa thu.
Ảnh chụp trên cao ngày 28/8 cho thấy các bãi khô cạn của hồ Bà Dương khi mực nước hồ xuống thấp kỷ lục. Ảnh: Reuters
Mặc dù mưa lớn đã làm giảm bớt tình trạng khô hạn ở phần lớn khu vực tây nam Trung Quốc, nhưng các khu vực ở miền trung nước này vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi nắng nóng và thời tiết khô hạn. Tỉnh Giang Tây đã trải qua 70 ngày khô hạn tính đến thời điểm này.
Mực nước ở 10 hồ chứa của tỉnh láng giềng An Huy cũng xuống dưới mức "hồ chết" - có nghĩa là các hồ này không thể xả nước xuống vùng hạ lưu, theo cục Thủy lợi địa phương.
Các nhà dự báo thời tiết cho biết, tình trạng khô hạn vẫn diễn ra phổ biến ở vùng trung và hạ lưu sông Dương Tử.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau đợt nắng hạn gay gắt, mưa lớn trút xuống 7 thành phố và quận ở tỉnh Tứ Xuyên (tây nam Trung Quốc) khiến hơn 46.400 người phải sơ tán ngay trong đêm.