Hổ dữ hoành hành ở bán đảo Triều Tiên: Thợ săn kể về lần đối đầu khốc liệt nhất
Có những thời điểm hổ dữ tung hoành ở bán đảo Triều Tiên nhiều tới mức người thời đó đúc kết bằng câu nói đáng sợ rằng: "Người ở bán đảo Triều Tiên săn hổ 6 tháng trong năm, 6 tháng còn lại họ thành mồi cho hổ".
Vào những năm 1900, hổ dữ hoành hành, gây bao nỗi sợ hãi trên bán đảo Triều Tiên. Tranh minh họa: Robert Neff Collection
Theo Korea Times, hơn một thế kỷ trước, hổ dữ tung hoành ở bán đảo Triều Tiên (chưa tách thành Hàn Quốc - Triều Tiên) và mang tới những nỗi kinh hoàng vào ban đêm. Sự quấy nhiễu của hổ ở vùng hoang vắng nghiêm trọng đến nỗi những người khuân vác và người đánh xe ngựa không dám di chuyển qua các khu rừng vào ban đêm, dù có đông người hay vội vã đến mấy.
Nếu bị buộc phải di chuyển vào ban đêm - do bị dọa giết hoặc được trả số tiền lớn - họ sẽ đi rất thận trọng, vung đuốc, đánh cồng chiêng tạo âm thanh lớn và dựa vào một số quan niệm cổ xưa để tránh hổ.
Đầu những năm 1890, một du khách phương Tây đã có trải nghiệm nhớ đời khi đi tham quan trong rừng.
Trong khi đi khám phá bên ngoài thành Seoul, vị khách phương Tây nhận thấy một điều bất thường. Người vác đồ và du khách địa phương đi cùng luôn làm mọi cách để vị khách phương Tây ở cuối đoàn.
Vị khách nước ngoài không hiểu vì sao luôn phải đi cuối đoàn. Sau đó, người này mới biết được nguyên nhân có phần đáng sợ. Theo quan niệm của người dân bán đảo Triều Tiên, hổ luôn rình rập và tấn công người cuối cùng trong đoàn. Vì vậy, những người trong đoàn luôn tìm cách để không phải đi sau cùng. Chỉ còn vị khách phương Tây - người chưa biết đến quan niệm này - là đi cuối cùng.
Sau khi biết sự thật, trong chuyến đi tiếp theo, vị khách này một mực từ chối đi cuối đoàn. Dù phải nhận cái nhìn khó chịu từ những người bản địa đi cùng, vị du khách này vẫn sống chết chen vào giữa hàng.
Theo Korea Times, một số loài hổ nguy hiểm và hung dữ nhất ở bán đảo Triều Tiên thường sống trên sườn núi Inwangsan (thuộc Hàn Quốc ngày nay). Những con hổ này thường tấn công các tiều phu cùng những người buôn củi đến và đi khỏi thành phố Goyang (thuộc Hàn Quốc ngày nay), đặc biệt ở đèo Muakjae. Năm 1893, một con hổ táo tợn rình mò ở cung Cảnh Phúc. Người thời đó cho rằng con hổ nhắm tới những con hươu nhỏ được thuần hóa và nuôi dưỡng ở cung này. Thậm chí, một số người còn tuyên bố có những con hổ thoắt ẩn thoắt hiện trên các đường phố ở thành Seoul. Thi thoảng, sự im lặng đáng sợ bị phá tan bởi những tiếng la hét rợn người của các nạn nhân bị hổ vồ. Người thời đó thể hiện nỗi sợ hổ dữ qua một câu nói: "Người ở bán đảo Triều Tiên săn hổ 6 tháng trong năm, 6 tháng còn lại họ thành mồi cho hổ".
Thợ săn hổ trên bán đảo Triều Tiên năm 1905. Ảnh: Robert Oechsle
Khi những con hổ trở thành nỗi ám ảnh, các thợ săn chuyên nghiệp được triệu tập. Họ nhận được sự kính trọng của người dân địa phương và người nước ngoài vì sự dũng cảm.
Hầu hết thợ săn được trang bị súng kíp, loại kê trên vai trước khi khai hỏa (một người bắn, một người làm giá đỡ súng). Loại súng này thời đó được xem là hỏa lực mạnh nhưng vẫn có nhược điểm. Do tầm bắn không xa và mất nhiều thời gian thay đạn (có tài liệu ghi lại là mất tới 15 phút), thợ săn phải trả giá bằng cả tính mạng nếu bắn trượt. Cuộc đời một thợ săn hổ rất thú vị nhưng nhiều khi không kéo dài vì lẽ đó.
Nhưng Kim In-won là một ngoại lệ. Sinh ra tại thành phố Goyang năm 1831, Kim bắt đầu săn hổ lúc vừa tròn 20 tuổi. Khi nói chuyện với một nhà truyền giáo người Mỹ năm 1907, thợ săn hổ này tuyên bố đã giết chết 14 con hổ dữ, trong đó một con lớn tới mức cần 8 người đàn ông khỏe mạnh để khiêng.
Đoàn người mang theo xác con hổ bị giết tại một mỏ vàng ở phía bắc bán đảo Triều Tiên vào khoảng những năm 1920 - 1930. Ảnh: Justine Tweed
Để chứng minh, Kim giơ ra một món đồ trang sức bằng vàng, hình giống chiếc khuyên tai, và nói rằng đó là thứ vua Cao Tông (Gojong) thưởng cho vì khả năng săn bắn hổ và lòng dũng cảm.
Khi được hỏi về trải nghiệm đi săn khốc liệt nhất của mình năm 1907, ông Kim kể lại rằng, nhiều năm trước, có bắn trúng một con hổ ở gần khe núi sâu nhưng không giết được nó ở phát bắn đó. Trước khi người thợ săn kịp nạp lại đạn, con hổ bị thương điên cuồng lao tới, nhảy lên người ông cào cắn.
Sau một hồi giằng co, ông Kim nghĩ sẽ bỏ mạng nơi đây thì cứu tinh xuất hiện. Thoáng thấy bóng dáng một người bạn gần đó, ông Kim kêu cứu. Nhận ra ông Kim còn sống, người bạn "lấy hết can đảm", nhặt cây súng lên và đập liên tiếp vào đầu con hổ khiến nó đau đớn.
Lợi dụng lúc con hổ mất tập trung, ông Kim dùng hết sức đẩy nó ra xa, nhưng chút sức lực ít ỏi chỉ khiến cả người và hổ cùng ngã lăn xuống một khe núi. Cú ngã khiến người thợ săn bất tỉnh. Khi tỉnh lại, ông Kim thấy "quần áo rách tơi tả, phần lưng đau rát bởi các vết cào, trong khi con hổ nằm chết ngay cạnh đó".
Sau đó, khi đo kích thước con hổ, ông Kim và người bạn phát hiện phần miệng khi mở của con hổ - tính từ đầu hàm trên tới đầu hàm dưới - có độ dài gần 30 cm. Đó là một con hổ lớn.
Khi thế giới bước qua thế kỷ 19, sự nghiệp săn hổ của ông Kim cũng kết thúc. Tuổi tác ảnh hưởng tới sức khỏe và khả năng chịu đựng của người thợ săn này. Dẫu vậy, nhiều người vẫn nghĩ ông Kim là một thợ săn may mắn vì có thể làm nghề mà sống sót tới tuổi thất thập. Sau khi đế quốc Nhật sáp nhập bán đảo Triều Tiên năm 1910, gần như tất cả thợ săn hổ ở bán đảo Triều Tiên bị mất kế sinh nhai.
Người phụ nữ đang làm việc ở đồng "rụng rời chân tay" khi thấy con hổ dữ to lớn lao vùn vụt về phía mình.
Nguồn: [Link nguồn]