Hình dung bức tranh đồng minh Mỹ ở châu Á với sự trở lại của ông Trump
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dành 4 năm nhiệm kỳ để xây dựng quan hệ chặt chẽ với các đồng minh Mỹ ở châu Á, liệu các liên minh này sẽ thế nào dưới nhiệm kỳ sắp tới của ông Donald Trump?
Trong nhiều thập niên, Mỹ đã cam kết đảm bảo an ninh cho các đồng minh châu Á với số lượng binh sĩ Mỹ đồn trú ở khu vực này nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Hàng chục nghìn lính Mỹ được bố trí tại các căn cứ rộng lớn ở Hàn Quốc và Nhật - hai đồng minh hiệp ước mà Mỹ cam kết bảo vệ nếu hai nước này bị tấn công. Washington cũng đưa ra cam kết tương tự với Philippines và Úc.
Tuy nhiên, các quốc gia này giờ đây đang chuẩn bị đối mặt với sự trở lại của Tổng thống đắc cử Donald Trump - một người từng chỉ trích các đồng minh là “được Mỹ che chở miễn phí” và không chi đủ cho quốc phòng.
Theo các chuyên gia trong khu vực, các đồng minh Mỹ ở châu Á đang đặt ra nhiều câu hỏi về ông Trump. Chẳng hạn, liệu ông Trump có yêu cầu mức chi tiêu quốc phòng vượt khả năng của các đồng minh? Liệu ông có rút quân đội Mỹ khỏi khu vực nếu những yêu cầu đó không được đáp ứng?
Trong bối cảnh bất định này, các lãnh đạo trong khu vực đang nỗ lực xây dựng mối quan hệ bền chặt với vị tổng tư lệnh sắp tới ở Mỹ, người nổi tiếng với tính khí khó đoán và thường gắn chính sách đối ngoại với các mối quan hệ cá nhân.
Theo đài CNN, khi lễ nhậm chức của ông Trump đến gần, các đồng minh Mỹ ở châu Á cũng đối mặt với những câu hỏi mang tính sống còn hơn: Ông Trump sẽ quản lý quan hệ an ninh giữa Mỹ với đồng minh và đối thủ như thế nào và liệu Mỹ có sẵn sàng bảo vệ các đồng minh khi có thách thức?
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: CNN
Từ bỏ vai trò cường quốc an ninh toàn cầu?
Sau Thế chiến II, một mạng lưới liên minh do Mỹ dẫn đầu đã được thiết lập trên toàn cầu như biện pháp răn đe mạnh mẽ để ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới khác. Một mục tiêu nữa là để ngăn chặn thêm các quốc gia trở thành cường quốc hạt nhân, Washington đã đặt các nước dưới chiếc ô bảo vệ của kho vũ khí Mỹ.
Theo quan điểm của nhiều người ở Mỹ và ở châu Á, các liên minh của Washington tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng trở nên quan trọng khi các mối quan hệ trong khu vực trở nên căng thẳng hơn.
Một số căng thẳng có thể kể đến như sự hoài nghi của phương Tây về mối quan hệ Trung Quốc-Nga và Nga-Triều Tiên; các cuộc tập trận của Trung Quốc quanh đảo Đài Loan; căng thẳng trên Biển Đông; tình hình bán đảo Triều Tiên.
Bất chấp việc ông Trump trở lại khi sân khấu toàn cầu phức tạp và căng thẳng hơn so với thời điểm ông bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên, các nhà quan sát tại châu Á nhận định rằng vị tổng thống đắc cử dường như tập trung chủ yếu vào việc gia tăng áp lực kinh tế đối với Trung Quốc hơn là quan tâm đến an ninh khu vực.
Theo chuyên gia Sam Roggeveen - Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế của Viện Lowy (Úc), ưu tiên của ông Trump “vẫn là mối quan hệ kinh tế và việc đảm bảo Mỹ không bị thua kém về mặt kinh tế” nhưng không có nhiều dấu hiệu cho thấy ông “thực sự quan tâm đến cân bằng quân sự hoặc chiến lược tại Đông Á”.
“Ông ấy quan tâm đến việc có một quân đội mạnh và bảo vệ nước Mỹ nhưng không hứng thú với ý tưởng Mỹ là một cường quốc không thể thiếu, đóng vai trò an ninh độc nhất trên toàn cầu” - ông Roggeveen nhận định.
Nhà lãnh đạo sắp nhậm chức ở Mỹ và các chiến lược gia của ông đã nhiều lần đặt câu hỏi liệu Mỹ có nhận được đủ lợi ích từ các liên minh này hay không. Ông Trump đã gây sốc cho các nhà lãnh đạo châu Âu khi tuyên bố ông sẽ khuyến khích Nga “muốn làm gì thì làm” đối với quốc gia thành viên NATO nào không đáp ứng được các tiêu chí chi tiêu quốc phòng của liên minh.
Đồng minh châu Á chuẩn bị cho chính quyền mới của ông Trump
Chỉ vài tuần trước ngày bầu cử, ông Trump đã hướng sự chú ý sang châu Á khi tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn của hãng tin Bloomberg rằng nếu ông đắc cử thì Hàn Quốc sẽ phải trả 10 tỉ USD mỗi năm để quân đội Mỹ duy trì hiện diện tại nước này – gấp khoảng 8 lần so với thỏa thuận mà hai nước ký kết gần đây.
Hàn Quốc hiện đã chi tiêu hơn 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng, được Mỹ xem là tiêu chuẩn cho các đồng minh. Trong thập niên qua, nước này cũng đã gánh 90% chi phí mở rộng Trại Humphreys - căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài.
Trại Humphreys - căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài - tọa lạc tại TP Pyeongtaek (Hàn Quốc). Ảnh: AFP
Tuy nhiên, phát ngôn của ông Trump đã làm dấy lên lo ngại tại Seoul rằng ông có thể tìm cách đàm phán lại việc chia sẻ chi phí cho quân đội Mỹ, bất chấp một thỏa thuận kéo dài 5 năm được hai nước ký đầu năm nay, theo đó Hàn Quốc tăng chi phí này thêm 8,3%/năm từ năm 2026.
Nếu đàm phán thất bại, kịch bản tồi tệ nhất có thể là ông Trump quyết định thu hẹp quy mô hoặc rút lực lượng Mỹ khỏi Hàn Quốc. Theo các chuyên gia, một kịch bản như vậy hoặc một cảm giác rằng cam kết của Mỹ đang suy yếu, có thể đẩy Seoul đến việc phát triển kho vũ khí hạt nhân – một bước đi có thể khiến nhiều cường quốc tầm trung khác theo chân phổ biến vũ khí hạt nhân.
“Thách thức lớn nhất là liệu Seoul và Washington có thể giao tiếp một cách hiệu quả hay không” - bà Duyeon Kim, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm An ninh Mới của Mỹ (trụ sở Mỹ), nói với CNN.
Bà Kim nhấn mạnh rằng sự giao tiếp này rất quan trọng để “ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng và bất ngờ trong liên minh Mỹ-Hàn mà chúng ta hiện cho rằng có thể xảy ra dựa trên những phát ngôn gay gắt của ông Trump đối với các đồng minh”.
Tại Nhật, các nhà phân tích cho rằng Nhật có khả năng sẽ nhấn mạnh những thay đổi sâu rộng trong chính sách quốc phòng. Tokyo đã dần rời xa hiến pháp hòa bình được công bố sau Thế chiến II, cũng như công bố kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng và mua tên lửa hành trình từ Mỹ.
Các quốc gia trong khu vực cũng đang theo dõi liệu chính quyền Tổng thống Trump 2.0 có tiếp tục chiến lược “mạng lưới đối tác đan xen” của Tổng thống Joe Biden nhằm tăng cường hợp tác giữa Mỹ và các nước châu Á hay không.
Trong 4 năm qua, Tổng thống Biden đã củng cố nhóm Bộ Tứ (Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật) trong lĩnh vực an ninh và thành lập đối tác AUKUS (Mỹ, Anh, Úc) với mục tiêu trang bị tàu ngầm hạt nhân cho Canberra. Ông Biden cũng làm trung gian thúc đẩy sự phối hợp an ninh giữa Nhật với Hàn Quốc, Philippines và Úc.
Tuy nhiên, ông Trump – như một nhân tố khó lường trong Nhà Trắng – có thể lựa chọn từ bỏ, duy trì hoặc thậm chí làm sâu sắc hơn các mối quan hệ này. Trong thời gian chờ đợi, các đồng minh châu Á sẽ tìm cách giảm thiểu rủi ro trước viễn cảnh sự hỗ trợ từ Washington suy giảm.
“Hiện nay, Mỹ không còn là yếu tố cố định trong các vấn đề quốc tế, mà là một biến số. Đó là lý do chúng ta phải mở rộng hợp tác an ninh ra ngoài phạm vi Mỹ” - ông Murata Koji, GS khoa học chính trị tại ĐH Doshisha (Nhật), nêu quan điểm.
Ôg Koji cũng nhấn mạnh nhu cầu của Tokyo trong việc tăng cường quan hệ đối tác với châu Âu vì các mối lo ngại chung.
Quan hệ với Trung Quốc Các chuyên gia trong khu vực nhìn chung nhận định rằng khả năng xảy ra những thay đổi đột biến trong sự hiện diện an ninh của Mỹ ở châu Á dưới thời ông Trump, như việc rút quân hay xóa bỏ các thỏa thuận liên minh, là không cao – đặc biệt khi Mỹ vẫn tập trung vào Trung Quốc. “Thực tế địa chính trị và hoàn cảnh sẽ buộc ông Trump phải cố gắng duy trì lực lượng trong khu vực. Kịch bản tôi hình dung là đàm phán lại với đồng minh thay vì rút hoàn toàn lực lượng” - theo ông Collin Koh, chuyên gia cấp cao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore). Tuy nhiên, cũng có những lo ngại rằng chính sách kinh tế được dự đoán là quyết liệt của ông Trump đối với Trung Quốc có thể làm suy giảm thêm sự giao tiếp giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc, làm tăng căng thẳng giữa hai nước. |
Thống đốc bang California Gavin Newsom và thị trưởng Los Angeles Karen Bass đã buộc phải “nén cơn giận” khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và đồng...
Nguồn: [Link nguồn]
-15/01/2025 05:30 AM (GMT+7)