Hình dung 5 thế lực tranh ảnh hưởng suốt 13 năm nội chiến Syria
Có 5 lực lượng chính tranh giành ảnh hưởng và quyền lực trong suốt cuộc nội chiến Syria kéo dài 13 năm.
Chỉ trong vòng hai tuần, lực lượng nổi dậy Syria đã phát động tấn công từ phía tây bắc và nhanh chóng chiếm quyền kiểm soát các thành phố lớn của Syria, buộc Tổng thống Bashar al-Assad phải rời khỏi đất nước.
Kể từ khi nội chiến Syria bùng nổ năm 2011, các lực lượng ở Syria đã thay nhau kiểm soát các khu vực của nước này.
Kể từ năm 2020, bản đồ lãnh thổ Syria dường như "đóng băng" với việc chính quyền Tổng thống al-Assad giành quyền kiểm soát phần lớn đất nước, trong khi các phe phái khác nắm giữ một số khu vực còn lại.
Người dân Syria tỏa xuống đường đón lực lượng nổi dậy sau khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Sau đây là các lực lượng chính trong cuộc nội chiến kéo dài khoảng 13 năm ở Syria, theo tờ The New York Times.
Lực lượng nổi dậy
Cuộc nội chiến Syria nổ ra vào năm 2011 sau khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đàn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ. Trong giai đoạn đầu, lực lượng nổi dậy, trong đó có phe Hồi giáo cực đoan và phe ôn hòa, đã chiếm được hầu hết vùng tây bắc của Syria và mở rộng sang các khu vực khác.
Đến năm 2014, lực lượng này không chỉ kiểm soát được thành trì ở tây bắc mà còn kiểm soát cả các khu vực phía bắc Hama, phía đông Damascus và phía đông nam gần biên giới Israel, cũng như các ngôi làng dọc theo sông Euphrates và ở tỉnh al-Hasakah ở đông bắc Syria.
Khu vực do lực lượng đối lập kiểm soát tính đến trước cuộc tấn công lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ngày 27-11. Nguồn: CARTER CENTER/NEW YORK TIMES
Cũng trong năm 2014, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trỗi dậy. Lúc này, IS đã mở rộng cái gọi là vương quốc Hồi giáo ở đông bắc Syria, trong khi các cuộc không kích của Nga (Nga đưa lực lượng tới hỗ trợ ông al-Assad vào năm 2015) buộc các nhóm nổi dậy, vốn đã chiến đấu với chính quyền ông al-Assad từ năm 2011, phải rút lui.
Đến năm nay, các lực lượng đối lập này chỉ giữ được một phần của tây bắc Syria cho đến khi họ phát động cuộc tấn công bất ngờ vào ngày 27-11 và nhanh chóng chiếm được các thành phố lớn cũng như thủ đô Damascus.
Lực lượng chính phủ Syria và các đồng minh Nga, Iran, Hezbollah
Khi nội chiến Syria nổ ra, sau những thành công ban đầu của phe nổi dậy, các lực lượng ủng hộ Tổng thống al-Assad, trong đó có quân đội Syria, lực lượng Iran cử đến và lực lượng dân quân Hezbollah ở Lebanon do Iran hậu thuẫn, đã cùng nhau giành lại nhiều lãnh thổ hơn trong thập niên qua.
Với sự hỗ trợ của Nga, lực lượng ủng hộ chính phủ ông al-Assad đã chiếm lại Aleppo sau trận chiến kéo dài 4 năm kết thúc vào năm 2016. Năm sau, một cuộc tấn công của chính phủ chống lại IS đã đưa ông al-Assad trở lại nắm quyền kiểm soát nhiều thị trấn dọc theo sông Euphrates.
Khu vực do lực lượng của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và đồng minh tính đến trước cuộc tấn công của phe nổi dậy vào ngày 27-11. Nguồn: CARTER CENTER/NEW YORK TIMES
Sau đó, cuộc tiến công của lực lượng ủng hộ ông al-Assad vào tây bắc Syria vào năm 2019 và 2020 đã dồn các lực lượng đối lập vào chân tường ở tỉnh Idlib, đưa cuộc xung đột vào thế bế tắc kéo dài cho đến khi lực lượng nổi dậy này phát động tấn công ngày 27-11.
Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)
Nội chiến Syria, cùng với tình hình bất ổn ngày càng gia tăng ở Iraq, đã tạo điều kiện cho một nhánh của tổ chức khủng bố Hồi giáo Al Qaeda có tên là Nhà nước Hồi giáo (IS) phát triển nhanh chóng ở Syria và Iraq vào năm 2013 và 2014.
IS đã chiếm được một khu vực rộng lớn ở Syria và Iraq và cai trị như thể một vương quốc Hồi giáo. Vào thời kỳ đỉnh cao vào năm 2015, IS này đã chiếm giữ ⅓ Syria và khoảng 40% Iraq, với thành phố Raqqa ở phía bắc Syria là thủ đô của nhóm.
Khu vực do IS kiểm soát tính đến trước cuộc tấn công của phe nổi dậy vào ngày 27-11. Nguồn: CARTER CENTER/NEW YORK TIMES
Tuy nhiên, một liên minh phương Tây do Mỹ đứng đầu đã nhắm mục tiêu vào nhóm này bằng hàng nghìn cuộc không kích. Cùng với sự giúp sức của các lực lượng do người Kurd lãnh đạo được Mỹ hậu thuẫn, IS đã bị đánh bại ở phần lớn đông bắc Syria. Các lực lượng ủng hộ Tổng thống al-Assad cũng đẩy lùi IS ở các khu vực khác. Đến năm 2018, lực lượng khủng bố này đã mất hầu hết lãnh thổ của mình.
Mỹ và lực lượng do người Kurd lãnh đạo
Lực lượng từ nhóm dân tộc thiểu số người Kurd của Syria đã trở thành đối tác chính của Mỹ ở địa phương trong cuộc chiến chống lại IS.
Sau khi IS bị đánh bại ở nhiều khu vực ở Syria, lực lượng do người Kurd lãnh đạo đã củng cố quyền kiểm soát các thị trấn ở phía đông bắc, mở rộng khu vực tự trị mà họ đã xây dựng ở đó và dọc theo sông Euphrates.
Tuy nhiên, dù đã đánh bại IS, các lực lượng người Kurd này vẫn phải chiến đấu với kẻ thù lâu năm của họ ở bên kia biên giới - Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ coi lực lượng này có liên quan đến cuộc nổi dậy ly khai của người Kurd.
Khu vực do lực lượng người Kurd kiểm soát tính đến trước cuộc tấn công của phe nổi dậy vào ngày 27-11. Nguồn: CARTER CENTER/NEW YORK TIMES
Năm 2019, Tổng thống Mỹ Donald J. Trump đã rút quân đội Mỹ khỏi miền bắc Syria, “bỏ rơi” lực lượng do người Kurd lãnh đạo và mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ trục xuất lực lượng khỏi các khu vực dọc theo biên giới phía bắc.
Để tìm kiếm sự bảo vệ chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng do người Kurd lãnh đạo đã chuyển sang thỏa hiệp với Damascus, cho phép lực lượng của ông al-Assad quay trở lại một số khu vực ở miền bắc Syria mà trước đây hai bên cùng quản lý.
Người Kurd vẫn kiểm soát phần lớn đông bắc Syria và đã giành được một số khu vực trong tuần này khi lực lượng chính phủ rút lui ở phía đông.
Các chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ
Kể từ khi bắt đầu cuộc nội chiến, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã có một số lần can thiệp quân sự xuyên biên giới vào Syria, chủ yếu là chống lại các lực lượng do người Kurd ở Syria lãnh đạo. Đây là những lực lượng mà Ankara coi là có liên quan phong trào ly khai đảng Công nhân người Kurd (P.K.K) ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ mà nước này cho là khủng bố.
Khu vực do lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát. Nguồn: CARTER CENTER/NEW YORK TIMES
Thổ Nhĩ Kỳ mở 3 chiến dịch quân sự vào năm 2016-2017, 2018 và 2019, nhằm mục đích giành quyền kiểm soát các khu vực mà các chiến binh do người Kurd lãnh đạo đã nắm giữ dọc theo biên giới phía bắc.
Hiện Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát hiệu quả những khu vực đó, nơi nước này cung cấp các dịch vụ công cộng và nơi tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ được sử dụng thường xuyên.
Người đứng đầu lực lượng Hayat Tahrir al-Sham là tâm điểm chú ý khi nhóm vũ trang đối lập lớn nhất Syria này chiếm quyền kiểm soát Damascus ngày 8-12.
Nguồn: [Link nguồn]