Hình ảnh vật thể nặng gấp 4 triệu lần Mặt trời ở trung tâm dải Ngân Hà
Các nhà thiên văn học gần đây đã lần đầu tiên chụp được hình ảnh vật thể ở trung tâm dải Ngân Hà và xác nhận rằng đây là một hố đen siêu lớn.
Hình ảnh về hố đen siêu lớn nằm ở trung tâm dải Ngân hà.
Sử dụng Kính viễn vọng Chân trời Sự kiện (EHT), các nhà thiên văn đã chụp ảnh thành công hố đen siêu khối lượng Sagittarius A ở trung tâm dải Ngân Hà, cách Trái Đất hơn 27.000 năm ánh sáng.
Sự tồn tại của vật thể bí ẩn ước tính nặng gấp 4 triệu lần Mặt Trời này đã được suy đoán từ lâu, nhưng chưa từng được nhìn thấy cho đến nay.
Các nhà thiên văn học mô tả hố đen nằm ở trung tâm dải Ngân Hà với các từ như tàng hình và siêu khối lượng.
Bức ảnh chụp hố đen cho thấy bóng tối nằm ở giữa, bao quanh là khí phát sáng, hình thành do ánh sáng bị bẻ cong bởi lực hấp dẫn siêu lớn của hố đen.
Hình ảnh minh họa về hố đen.
Hố đen là vùng không gian tương đối nhỏ nhưng dày đặc, nơi lực hấp dẫn có cường độ lớn đến mức ánh sáng cũng không thoát được ra ngoài.
Sagittarius A lần đầu được biết đến vào năm 1974, với việc hố đen này phát ra ra một nguồn vô tuyến bất thường ở trung tâm dải Ngân Hà.
Năm 2019, giả thuyết về hố đen nằm ở trung tâm dải Ngân Hà càng trở nên chắc chắn khi nhóm nghiên cứu tuyên bố lần đầu tiên chụp ảnh thành công hố đen siêu khối lượng ở trung tâm một thiên hà khác. Đó là thiên hà Messier 87 cách Trái Đất 55 triệu năm ánh sáng.
Sagittarius A có những điểm tương đồng nổi bật với hố đen ở trung tâm thiên hà Messier 87. Các nhà nghiên cứu kì vọng sử dụng dữ liệu thu thập từ hai hố đen để kiểm tra các lý thuyết về các khí hoạt động xung quanh chúng. Đây là một hiện tượng chưa được hiểu rõ có thể đóng vai trò nào đó trong việc hình thành các ngôi sao và thiên hà mới.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhờ may mắn và sự nhạy bén, các nhà thiên văn học đã ghi nhận được khoảnh khắc một hố đen khổng lồ đang nuốt chửng một ngôi sao ở khoảng cách 215 triệu năm ánh sáng.