Hiểu về lập trường của ông Trump trước thềm đàm phán hòa bình Nga - Ukraine

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đàm phán hòa bình Nga - Ukraine sẽ bắt đầu “ngay lập tức”, vậy ưu tiên và tầm nhìn của ông Trump cuộc đàm phán này là gì?

Sau nhiều tháng cam kết sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột Nga - Ukraine, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu thực hiện những bước đi đầu tiên hướng tới đàm phán hòa bình.

Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 12-2, ông Trump tuyên bố các cuộc đàm phán hòa bình sẽ bắt đầu “ngay lập tức”.

Vậy đâu là những ưu tiên và tầm nhìn của ông Trump đối với các cuộc đàm phán hòa bình?

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP

Quan điểm của ông Trump về Nga

Tổng thống Trump bày tỏ sự tin tưởng rằng Tổng thống Putin sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán nghiêm túc.

Ông Trump đã có cuộc điện đàm kéo dài 90 phút với nhà lãnh đạo Nga - đánh dấu cuộc gọi đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Moscow và Washington kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát. Tổng thống Trump sau đó ca ngợi cuộc trò chuyện là “dài và rất hiệu quả", đồng thời cho biết hai bên đã nhất trí “hợp tác chặt chẽ, bao gồm cả việc trao đổi các chuyến thăm”.

“Tôi nghĩ Tổng thống Putin muốn hòa bình, Tổng thống Zelensky muốn hòa bình, và tôi cũng muốn hòa bình” - ông Trump nhấn mạnh.

Mới đây, truyền thông Nga đưa tin các cuộc đàm phán giữa các phái đoàn Nga và Mỹ về Ukraine sẽ diễn ra tại thủ đô Riyadh (Saudi Arabia) vào ngày 18-2. Phía Mỹ dự kiến có sự tham gia của Ngoại trưởng Mark Rubio, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Walz và Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff.

Theo hãng tin Bloomberg, sau cuộc đàm phán này, ông Trump và ông Putin gặp nhau tại Saudi Arabia vào cuối tháng này.

Quan điểm của ông Trump về Ukraine

Ông Trump đã gọi cho ông Putin trước, sau đó mới thông báo với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky qua điện thoại rằng các cuộc đàm phán hòa bình sẽ bắt đầu. Theo tờ Kyiv Independent, điều này làm dấy lên lo ngại rằng ông Trump không quan tâm việc tham vấn Kiev trước khi đưa ra các quyết định quan trọng.

Khi được hỏi liệu Ukraine có nên là một “thành viên bình đẳng” trong các cuộc đàm phán hòa bình hay không, ông Trump không trả lời trực tiếp. “Đó là một câu hỏi thú vị. Tôi nghĩ họ phải đạt được hòa bình. Người dân của họ đang chịu đựng mất mát” - ông Trump nói.

Ngay sau đó, Tổng thống Mỹ trấn an rằng Kiev sẽ được đưa vào các cuộc đàm phán hòa bình với Moscow nhằm chấm dứt xung đột.

“Họ là một phần của thoả thuận này. Chúng tôi sẽ có Ukraine, chúng tôi có Nga, và chúng tôi sẽ có những bên khác tham gia, rất nhiều người” - ông Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục vào ngày 13-2.

Ông Zelensky thừa nhận với các phóng viên rằng “không mấy dễ chịu” khi ông Trump gọi cho ông Putin trước.

Tổng thống Zelensky nhấn mạnh rằng điều quan trọng là ông phải gặp Trump trước khi nhà lãnh đạo Mỹ gặp ông Putin. Cho đến nay, Kiev vẫn chưa xác nhận bất kỳ kế hoạch nào về cuộc gặp với Tổng thống Mỹ.

Ngoài ra, ông Trump dường như không mặn mà với việc tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự và hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine mà không nhận lại được điều gì. Ông Trump nhấn mạnh rằng Mỹ cũng cần có lợi ích từ sự hỗ trợ này.

Trả lời phỏng vấn của đài Fox News, ông Trump yêu cầu Ukraine nhượng lại “tương đương khoảng 500 tỉ USD giá trị khoáng sản đất hiếm, và về cơ bản họ đã đồng ý”.

“Chúng ta phải nhận được gì đó. Chúng ta không thể tiếp tục chi trả số tiền này [viện trợ Ukraine]” - tổng thống Mỹ nêu quan điểm.

Về vấn đề này, ông Zelensky nói rằng thỏa thuận khoáng sản với Mỹ không mang lại bất kỳ đảm bảo an ninh nào cho Ukraine, đó là lý do Kiev chưa ký kết.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich tại (Đức) ngày 15-2. Ảnh: THE KYIV INDEPENDENT

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich tại (Đức) ngày 15-2. Ảnh: THE KYIV INDEPENDENT

Triển vọng Ukraine gia nhập NATO

Tổng thống Trump đồng tình với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth rằng con đường Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không mang tính “thực tế”.

“Hôm nay ông Pete nói rằng ông ấy thấy điều đó khó xảy ra hoặc không thực tế. Tôi nghĩ có lẽ đúng vậy. Tôi cho rằng từ lâu, ngay cả trước thời Tổng thống Putin, người ta đã nói rằng chuyện đó là không thể. Việc này đã kéo dài suốt nhiều năm” - ông Trump nói hôm 12-2.

“Họ đã nói từ lâu rằng Ukraine không thể vào NATO, và tôi không có vấn đề gì với điều đó” - Tổng thống Trump nói thêm.

Cũng trong ngày 12-2, ông Hegseth tuyên bố rằng các đảm bảo an ninh sau chiến sự cho Ukraine “phải do các lực lượng quân sự đủ năng lực của châu Âu và ngoài châu Âu đảm bảo” nhưng không thuộc phạm vi trách nhiệm của NATO.

“Rõ ràng là trong bất kỳ thỏa thuận đảm bảo an ninh nào, Mỹ sẽ không triển khai quân đến Ukraine” - ông Hegseth khẳng định.

Biên giới Ukraine trước năm 2014

Ông Trump và các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ đã bày tỏ nghi ngờ về khả năng Ukraine có thể khôi phục biên giới trước năm 2014.

Ukraine có thể lấy lại một phần lãnh thổ, nhưng không nên kỳ vọng khôi phục biên giới trước năm 2014, ông Trump nói trong cuộc họp báo ngày 13-2.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hegseth cũng gọi đó là điều “không thực tế” khi Ukraine mong muốn giành lại toàn bộ biên giới trước năm 2014, bao gồm bán đảo Crimea và các khu vực mà Nga tuyên bố sáp nhập năm 2022.

Trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Ramstein (Mỹ), ông Hegseth nhấn mạnh rằng Mỹ cũng mong muốn một Ukraine “có chủ quyền và thịnh vượng” nhưng “chúng ta phải bắt đầu bằng việc thừa nhận rằng việc quay lại biên giới trước năm 2014 là một mục tiêu phi thực tế”.

Phản ứng của châu Âu trước động thái của ông Trump

Dù một số quan chức châu Âu cho rằng việc ông Trump thúc đẩy nhanh chóng các cuộc đàm phán hòa bình là điều có thể đoán trước phần nào, nhưng các quan chức này cảnh báo rằng một thỏa thuận hòa bình vội vã, được thực hiện mà không có sự tham vấn với châu Âu, sẽ gây nguy hiểm nghiêm trọng cho an ninh khu vực.

“Mọi giải pháp chớp nhoáng đều là một thỏa thuận bẩn” - bà Kaja Kallas, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh, nói. Bà Kallas nhấn mạnh rằng không thể có thỏa thuận nào nếu không có sự tham gia của châu Âu và Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho rằng việc chính quyền ông Trump công khai nhượng bộ Moscow ngay cả trước khi các cuộc đàm phán hòa bình bắt đầu là điều “đáng tiếc”

Các lãnh đạo châu Âu khẩn trương hành động trong bối cảnh châu lục này đứng trước nguy cơ bị Tổng thống Mỹ Donald Trump “bỏ qua” trong tiến trình đàm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THẢO VY ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN