Hiệu suất đánh chặn ấn tượng của tổ hợp phòng thủ tên lửa tốt nhất thế giới được Mỹ đưa tới Israel 

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Mỹ hôm 13/10 tuyên bố sẽ gửi một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo được xem là tốt nhất thế giới tới Israel, đánh dấu sự can thiệp trực tiếp của Washington trong căng thẳng ngày càng leo thang giữa Israel và Iran.

Xe phóng THAAD khai hỏa tên lửa đánh chặn vào năm 2019. Ảnh: Insider.

Xe phóng THAAD khai hỏa tên lửa đánh chặn vào năm 2019. Ảnh: Insider.

Lầu Năm Góc đã thông báo quyết định gửi một tổ hợp phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Israel. Mỹ hiện chỉ có 7 tổ hợp THAAD và việc gửi một tổ hợp tới Israel trực chiến được coi là diễn biến đáng kể. Mỗi tổ hợp có 6 xe phóng, mỗi xe phóng mang theo tối đa 8 tên lửa đánh chặn.

Tổ hợp THAAD triển khai ở Israel sẽ do binh sĩ Mỹ trực tiếp vận hành, thiếu tướng Pat Ryder, phát ngôn viên Lầu năm Góc cho biết.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tốt nhất thế giới

Theo Insider, THAAD được thiết kế chuyên cho mục đích đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung ở giai đoạn cuối. Đây được coi là hệ thống phòng thủ tên lửa tốt nhất thế giới hiện nay.

Mỗi tổ hợp THAAD bao gồm 6 xe phóng mang tên lửa (8 ống phóng/xe), radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực AN/TPY-2 cùng một xe điều khiển di động và hai trung tâm hoạt động chiến thuật.

AN/TPY-2 là một radar mảng pha hoạt động ở băng tần X, có khả năng phát hiện các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung ở cự ly 1.000 km.

"Mắt thần" AN/TPY-2 trong chiến đấu sẽ thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và phát hiện mục tiêu. Nó cũng có thể tiếp nhận thông số về mục tiêu từ các hệ thống radar phòng thủ tên lửa khác. Sau đó, hệ thống dữ liệu chiến đấu sẽ tính toán các thông số về mục tiêu và kích hoạt tên lửa đánh chặn.

THAAD được trang bị công nghệ đánh chặn “hit-to-kill” (truy đuổi - tiêu diệt) tương tự như công nghệ được trang bị trên hệ thống tên lửa phòng không Patriot. 

Điểm độc đáo của tên lửa là sau khi phóng ra khỏi ống phóng, nó sẽ thực hiện một màn xoắn ốc trước khi lao đến mục tiêu. Sở dĩ tên lửa bay xoắn ốc là để hấp thụ động năng chuẩn bị cho vụ va chạm ở tốc độ cao.

Ở môi trường không gian, THAAD sử dụng module đánh chặn được trang bị đầu tự dẫn hồng ngoại để truy đuổi theo mục tiêu. Tên lửa tiêu diệt mục tiêu bằng động năng từ vụ va chạm tốc độ cao, không sử dụng đầu đạn chứa thuốc nổ như tên lửa thông thường.

Hiệu suất đánh chặn ấn tượng

Các thành phần tổ hợp THAAD được Mỹ vận chuyển tới Hàn Quốc. Ảnh: Axios.

Các thành phần tổ hợp THAAD được Mỹ vận chuyển tới Hàn Quốc. Ảnh: Axios.

THAAD do công ty quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ sản xuất với giá khoảng 1 tỷ USD. Cho đến nay, Mỹ chưa có ý định xuất khẩu hệ tổ hợp phòng thủ tên lửa tiên tiến này cho nước ngoài.

Quân đội Mỹ bắt đầu phát triển THAAD từ năm 1992. Dự án ban đầu vấp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là thách thức trong việc đánh chặn chính xác, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). 

Mỹ sau đó đã có những chỉnh sửa, thực hiện 18 vụ thử tên lửa đánh chặn trong giai đoạn 2016 - 2019. Ngoại trừ 4 vụ thử bị hủy trước khi phóng, 14 vụ thử còn lại đều cho kết quả thành công, theo CSIS.

"Kể từ khi được đưa vào sản xuất đại trà, tổ hợp THAAD chưa từng một lần thất bại. Tỉ lệ đánh chặn của THAAD hết sức ấn tượng với mức 100%", báo cáo của CSIS vào tháng 12/2023, cho biết.

THAAD lần đầu được Mỹ đưa vào thực chiến vào tháng 1/2022, khi tổ hợp được triển khai ở Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo của lực lượng Houthi.

Với khả năng phóng 48 đạn tên lửa đánh chặn chỉ trong thời gian ngắn, một tổ hợp THAAD có thể giúp ngăn chặn một cuộc tấn công tên lửa đạn đạo quy mô lớn.

Ngoài khu vực Trung Đông, Mỹ đã triển khai các tổ hợp THAAD ở Hàn Quốc và đảo Guam.

Sự bổ sung đáng giá cho Israel

Mạng lưới phòng không của Israel đã bộc lộ điểm yếu sau vụ Iran phóng 200 tên lửa đạn đạo vào tối ngày 1/10. Hàng chục tên lửa đã vượt qua hàng rào phòng không, rơi xuống 3 căn cứ quân sự ở Israel.

Tại Israel, binh sĩ Mỹ sẽ phối hợp vận hành tổ hợp THAAD cùng với các hệ thống phòng không khác của Israel như Arrow-2, Arrow-3 và David Sling.

Theo các chuyên gia, có khả năng tổ hợp THAAD sẽ tập trung bảo vệ các cơ sở quan trọng ở Israel, đặc biệt là các cơ sở năng lượng.

"Quyết định này nhấn mạnh cam kết sắt đá của Mỹ trong việc bảo vệ Israel và bảo vệ người Mỹ tại Israel khỏi bất kỳ cuộc tấn công tên lửa đạn đạo nào trong tương lai của Iran", thiếu tướng Ryder nói về việc triển khai tổ hợp THAAD.

Mỹ tuyên bố gửi một hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến và 100 binh sĩ vận hành hệ thống này tới Israel để hỗ trợ đồng minh "sau cuộc tấn công chưa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Minh - Insider ([Tên nguồn])
Căng thẳng Iran - Israel Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN