Hiện tượng lạ trong xung đột ở Ukraine: Vũ khí thông minh thất thế, vũ khí truyền thống lên ngôi?
Phương Tây đặc biệt là Mỹ từ lâu đã chuyển sang ưu tiên sử dụng các vũ khí thông minh nhằm tấn công mục tiêu một cách chính xác và tiết kiệm đạn dược hơn vũ khí kiểu truyền thống. Nhưng cuộc xung đột ở Ukraine cho thấy điều ngược lại, một tướng NATO nói với tờ Wall Street Journal (WSJ).
Hệ thống pháo phản lực HIMARS đang trở nên "mất hút" trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Vũ khí được dẫn đường bằng hệ thống định vị vệ tinh GPS cung cấp các đòn tấn công chính xác, từng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp quân đội Ukraine đối phó Nga trong xung đột.
Ví dụ điển hình là hệ thống pháo phản lực HIMARS có tầm bắn hơn 80km. HIMARS từng giúp quân đội Ukraine ngăn chặn cuộc tiến công của Nga vào mùa hè năm 2022.
Kể từ năm ngoái, Ukraine xác nhận việc đạn rocket dẫn đường phóng từ hệ thống HIMARS không còn đánh trúng mục tiêu như trước. Hiệu quả của chiến đấu của HIMARS đã giảm đáng kể. Đến đầu năm nay, Nga bắt đầu phá hủy hàng loạt xe phóng HIMARS của Ukraine. Theo các chuyên gia, Ukraine dường như đã buộc đưa các hệ thống HIMARS tới gần tiền tuyến hơn để có thể tấn công mục tiêu chính xác hơn, Nhưng đổi lại là nguy cơ bị máy bay không người lái (UAV) trinh sát của Nga phát hiện.
Một số loại vũ khí khác phản ánh chiến lược ưu tiên sử dụng vũ khí công nghệ cao của Mỹ và phương Tây như đạn pháo dẫn đường Excalibur, bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) cũng bị Nga khắc chế bằng hệ thống tác chiến điện tử.
Chỉ có những loại tên lửa tầm xa hạng nặng, được trang bị các hệ thống điện tử dẫn đường tinh vi, không phụ thuộc vào GPS mới có thể vượt qua hàng rào điện tử. Vũ khí loại này được phương Tây cung cấp cho Ukraine phải kể đến tên lửa đạn đạo ATACMS hay tên lửa hành trình Storm Shadow. Nhưng tên lửa loại này có giá hàng triệu USD/quả, không thể sử dụng đại trà trong xung đột.
Trung tướng Esa Pulkkinen, thư ký thường trực của Bộ Quốc phòng Phần Lan, nói với tờ WSJ, rằng cuộc xung đột ở Ukraine chứng minh các vũ khí không dẫn đường kiểu truyền thống, đặc biệt là đạn pháo, vẫn còn rất hữu dụng. Phần Lan chính thức gia nhập liên minh quân sự NATO vào tháng 4/2023.
Pháo tự hành 2S19 Msta-S của Nga khai hỏa trong xung đột ở Ukraine.
"Đạn pháo truyền thống miễn nhiễm với mọi kiểu gây nhiễu. Một khi được bắn đi, chúng sẽ lao xuống mục tiêu bất kể ở đó có phương thức chống đỡ như thế nào", ông Pulkkinen nói.
Kể từ năm ngoái, Nga đã đẩy mạnh sản xuất vũ khí phục vụ xung đột ở Ukraine. Bên cạnh các tên lửa dẫn đường và vũ khí thông minh, Nga cũng đặc biệt ưu tiên sản xuất đạn pháo truyền thống cỡ 152mm.
Báo cáo của phương Tây cho biết, Nga hiện sản xuất đạn pháo cỡ 152mm ở mức 2 triệu quả/năm, vượt trội so với mức độ sản xuất của Mỹ và NATO.
Theo New York Times, vũ khí dẫn đường chính xác là trọng tâm trong chiến lược quốc phòng của Mỹ. Nhưng ở Ukraine, cuộc chiến chủ yếu dựa vào các vũ khí truyền thống với số lượng lớn. Bên nào sở hữu nhiều đạn pháo và các vũ khí truyền thống hơn, bên đó sẽ chiếm ưu thế.
Để có thể hỗ trợ Ukraine đối phó Nga, Mỹ và phương Tây không còn cách nào khác là đẩy mạnh sản xuất đạn pháo truyền thống. Lầu Năm Góc nói Mỹ đặt mục tiêu sản xuất 100.000 quả đạn pháo cỡ 155mm/tháng, tương đương 1,2 triệu quả/năm vào năm 2025.
Giới chức Mỹ cũng kì vọng châu Âu sẽ đẩy mạnh sản xuất vũ khí, đặc biệt là đạn pháo ở mức tương đương để đảm bảo đạn dược cung cấp thường xuyên cho Ukraine.
Nguồn: [Link nguồn]
Nga đã thành công trong việc khôi phục tiềm lực quân sự nhờ chiến lược "nền kinh tế thời chiến" và đang sản xuất nhiều đạn pháo hơn so với trước khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine, một quan chức quốc phòng NATO ngày 9/7 cho biết.