Hiện tượng bí ẩn: Hàng loạt xác tàu thời Thế chiến II biến mất không dấu vết
Ngày càng có nhiều tàu đắm trong Thế chiến II biến mất không dấu vết khiến các nhà khoa học nghi ngờ “cướp biển kim loại” đang hoành hành trên khắp các đại dương.
Nhiều xác tàu đắm trong Thế chiến II đang biến mất một cách bí ẩn (ảnh: Express)
Thế chiến II là cuộc chiến gây hậu quả thảm khốc nhất lịch sử nhân loại với hơn 70 triệu người chết, phần lớn là dân thường. Trong những trận hải chiến ác liệt, hàng chục nghìn chiếc tàu chiến, tàu dân sự đã chìm xuống đáy đại dương trên khắp thế giới. Ở các vùng biển gần nước Anh sau chiến tranh, người ta phát hiện có hàng nghìn xác tàu đắm.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, nhiều xác tàu đắm trên khắp các đại dương đã biến mất một cách bí ẩn. Trong bộ phim tài liệu “Bí ẩn dưới đáy sâu”, Beverly Goodman – nhà khảo cổ học của kênh Discovery – cho rằng hàng trăm con tàu đắm trên thế giới đã “mất tích” không dấu vết.
Theo bà Beverly, rất có thể những xác tàu này đã bị cướp biển lấy đi.
“Những tên cướp biển kim loại coi xác tàu là mỏ khai thác kim loại theo đúng nghĩa đen. Chúng có thể thu được rất nhiều đồng và các kim loại khác từ xác tàu đắm. Cánh quạt và vỏ bọc các thiết bị điện trên tàu đắm thường được bán với giá rất cao”, bà Beverly nói.
Rob Rondeau – chuyên gia khảo cổ học của kênh Discovery – cho rằng, sở dĩ kim loại trên xác tàu đắm được bán với giá cao vì chúng mang “chữ ký tiền hạt nhân”.
“Chữ ký tiền hạt nhân” là khái niệm chỉ kim loại được đúc ra trước khi những quả bom hạt nhân đầu tiên trên Trái đất phát nổ vào những năm 1940. Sau những vụ nổ hạt nhân, mức độ bức xạ trên thế giới tăng cao khiến kim loại được sản xuất ra bị nhiễm phóng xạ.
Xác tàu đắm do chiến tranh có giá trị cao ít ai ngờ (ảnh: Express)
Tuy nhiên, kim loại có “chữ ký tiền hạt nhân” không bị ảnh hưởng bởi phóng xạ và chúng có thể được sử dụng cho các thiết bị y tế, công nghệ cao.
“Kim loại có “chữ ký tiền phóng xạ” thường được sử dụng để sản xuất các thiết bị đòi hỏi công nghệ và độ chính xác cao. Chúng có giá rất đắt”, ông Rondeau cho hay.
Theo Tạp chí Khảo cổ học Hàng hải, một cánh quạt đồng từ xác tàu đắm trong Thế chiến II có thể được bán với giá hàng chục nghìn USD. Nếu là xác tàu nguyên vẹn, chúng đáng giá hàng triệu USD.
“Đây có thể là nguyên nhân khiến nhiều xác tàu đắm biến mất một cách bí ẩn”, bà Beverly nhận định.
Theo giới khoa học, xác tàu đắm trong chiến tranh cần được bảo vệ nghiêm ngặt vì chúng là di sản văn hóa và có thể vẫn chứa hài cốt của nhiều thủy thủ mất tích.
“Các xác tàu có thể chứa chất nổ nguy hiểm hoặc hóa chất độc hại. Những kẻ cướp kim loại không biết điều đó. Chúng có thể gây ra thảm họa cho môi trường biển”, bà Beverly lo ngại.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày nay, xác ướp Ai Cập được xem như những cổ vật vô giá và cất giữ trong các viện bảo tàng lớn. Tuy nhiên trong lịch...