Hezbollah mạnh cỡ nào mà khiến Israel dè chừng?
Sau khi Hamas tấn công Israel, lực lượng Hezbollah của Li-băng xung đột với Israel ở khu vực biên giới trong mấy ngày qua, đánh dấu sự leo thang nguy hiểm nhất kể từ khi hai bên tham gia một cuộc chiến lớn năm 2006.
Các thành viên của lực lượng Hezbollah ở Li-băng. (Ảnh: Reuters)
Được Iran hỗ trợ, Hezbollah cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ Hamas vào thời điểm phù hợp. Reuters dẫn một số nguồn tin cho biết, các cuộc tấn công của Hezbollah đến nay được thiết kế ở mức vừa phải để kiểm soát tình hình và ngăn nguy cơ xảy ra một cuộc chiến lớn khác.
Ngày 15/10, Bộ trưởng Quốc phòng Israel cho biết, Israel không muốn có chiến tranh ở mặt trận phía bắc và nếu Hezbollah kiềm chế thì Israel cũng sẽ giữ nguyên tình hình dọc biên giới.
Nguồn gốc của Hezbollah
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran thành lập Hezbollah vào năm 1982, giữa cuộc nội chiến 1975-1990 ở Li-băng. Đó là một phần trong nỗ lực của Iran nhằm mở rộng cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 ra khắp khu vực và chống lại Israel sau chiến dịch tấn công Li-băng năm 1982.
Chia sẻ hệ tư tưởng Hồi giáo dòng Shia với Iran, Hezbollah tuyển dụng những người Hồi giáo Shia ở Li-băng.
Hezbollah vươn lên từ một nhóm hoạt động trong bóng tối thành lực lượng vũ trang mạnh mẽ, có quyền lực lớn trong nhà nước Li-băng trong những năm gần đây. Mỹ và một số chính phủ phương Tây coi Hezbollah là tổ chức khủng bố.
Sức mạnh của Hezbollah
Trong khi các nhóm khác giải giáp vũ khí sau cuộc nội chiến ở Li-băng, Hezbollah vẫn giữ vũ khí của mình để chống lại lực lượng Israel đang chiếm đóng phần đất ở phía nam đất nước. Nhiều năm chiến tranh du kích đã khiến Israel phải rút quân năm 2000.
Hezbollah thể hiện những tiến bộ quân sự của mình vào năm 2006, trong cuộc chiến kéo dài 5 tuần với Israel. Cuộc chiến nổ ra sau khi Hezbollah tiến vào Israel, bắt cóc hai binh lính và sát hại một số người khác.
Hezbollah đã bắn hàng nghìn quả rốc-két vào Israel trong cuộc chiến đó, khiến 1.200 người ở Li-băng và 158 người Israel thiệt mạng.
Sức mạnh quân sự của Hezbollah càng tăng lên sau khi lực lượng này tiến vào Syria, một đồng minh khác của Iran trong khu vực, để giúp Tổng thống Bashar al-Assad chống lại phiến quân Hồi giáo dòng Sunni.
Hezbollah sở hữu nhiều loại vũ khí hiện đại như tên lửa chính xác và máy bay không người lái, tuyên bố có thể tấn công tất cả các khu vực của Israel. Năm 2021, thủ lĩnh Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah cho biết lực lượng này có 100.000 chiến binh.
Iran cung cấp vũ khí và tiền bạc cho Hezbollah. Mỹ ước tính Iran chuyển cho lực lượng này hàng trăm triệu đô la Mỹ mỗi năm trong những năm gần đây.
Vai trò của Hezbollah trong xung đột Israel – Hamas
Hezbollah có quan hệ sâu sắc với Hamas, lực lượng kiểm soát Dải Gaza, và phong trào Hồi giáo Jihad, một phe phái khác của người Palestine được Iran hậu thuẫn.
Hezbollah cho biết họ đã "liên hệ trực tiếp với lãnh đạo cuộc kháng chiến của người Palestine" vào ngày 7/10, tức ngày Hamas thực hiện một cuộc tấn công chưa từng thấy vào Israel, khiến 1.300 người thiệt mạng. Trong các cuộc không kích dữ dội của Israel vào Dải Gaza để đáp trả, hơn 2.750 người đã thiệt mạng.
Kể từ ngày 7/10, Hezbollah đã nhiều lần giao tranh qua biên giới với Israel.
Ngày 14/10, ông Tzachi Hanegbi, cố vấn an ninh quốc gia của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, nói rằng các hành động thù địch của Hezbollah có vẻ kiềm chế. Ông Hanegbi cảnh báo Hezbollah không nên thực hiện những hành động có thể dẫn đến "sự hủy diệt" Li-băng.
Hezbollah hỗ trợ các nhóm khác được Iran hậu thuẫn trên khắp Trung Đông, huấn luyện một số nhóm vũ trang ở Iraq và tham gia chiến đấu ở đó.
Ả-rập Xê-út cho rằng Hezbollah đã chiến đấu để hỗ trợ lực lượng Houthi - đồng minh của Iran ở Yemen, nhưng Hezbollah phủ nhận điều này.
Vai trò của Hezbollah ở Li-băng
Ảnh hưởng của Hezbollah có được nhờ những vũ khí hiện đại mà họ sở hữu, cùng với sự ủng hộ của người Hồi giáo Shia ở Li-băng.
Các đảng phái Li-băng phản đối Hezbollah cho rằng nhóm này làm suy yếu nhà nước và kéo Li-băng vào các cuộc xung đột vũ trang.
Hezbollah có các bộ trưởng trong chính phủ và nghị sĩ trong quốc hội.
Lực lượng này tham gia chính trường Li-băng một cách nổi bật từ năm 2005, thời điểm khi Syria rút lực lượng khỏi Li-băng sau vụ sát hại cựu Thủ tướng Rafik al-Hariri, người tượng trưng cho ảnh hưởng của Ả-rập Xê-út ở quốc gia này.
Một tòa án do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn đã kết án vắng mặt 3 thành viên Hezbollah về vụ ám sát. Hezbollah phủ nhận mọi cáo buộc, cho rằng tòa án như một công cụ của kẻ thù.
Năm 2008, cuộc tranh giành quyền lực giữa Hezbollah và các đối thủ chính trị người Li-băng được phương Tây và Ả-rập Xê-út hậu thuẫn đã biến thành cuộc xung đột ngắn ngủi. Các tay súng Hezbollah đã tiếp quản các khu vực của Beirut sau khi chính phủ tuyên bố sẽ triệt hạ mạng lưới liên lạc quân sự của nhóm.
Năm 2016, chính trị gia Cơ đốc giáo Michel Aoun, một đồng minh của Hezbollah, trở thành tổng thống.
Hai năm sau, Hezbollah và các đồng minh của họ giành được đa số trong quốc hội. Dù đã đánh mất đa số ghế từ năm 2022, Hezbollah vẫn tiếp tục có ảnh hưởng chính trị lớn ở Li-băng.
Các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, coi Hezbollah là một tổ chức khủng bố. Các quốc gia Ả-rập vùng Vịnh đồng minh của Mỹ, bao gồm cả Ả-rập Xê-út, cũng vậy. Liên minh châu Âu coi Hezbollah là một nhóm khủng bố, nhưng không coi nhánh chính trị của lực lượng này là khủng bố.
Argentina cáo buộc Hezbollah và Iran thực hiện vụ đánh bom năm 1994 vào một trung tâm cộng đồng Do Thái ở Buenos Aires khiến 85 người thiệt mạng, và vụ tấn công năm 1992 vào Đại sứ quán Israel ở Buenos Aires khiến 29 người thiệt mạng. Iran và Hezbollah đều phủ nhận trách nhiệm.
Nguồn: [Link nguồn]
Quân đội Israel đã đụng độ với nhóm vũ trang Hezbollah của Lebanon ở biên giới phía Bắc hôm 14-10 , giữa lo ngại có nguy cơ xuất hiện mặt trận thứ hai sau dải Gaza.