Hệ thống Vòm sắt của Israel chống không nổi “mưa” tên lửa Iran?
Năng lực phòng không của Israel trong việc đẩy lùi một cuộc tấn công ồ ạt bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái dường như còn là dấu hỏi.
Nghi ngờ này xuất hiện giữa lúc Israel chuẩn bị cho khả năng bị Iran trả đũa sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas tại Tehran. Cuộc tấn công phối hợp tiềm tàng từ Iran và các đồng minh sẽ là thử thách lớn nhất từ trước đến nay với Israel, ngay cả khi nước này được bảo vệ bằng hệ thống phòng không nhiều lớp chứ không chỉ hệ thống Vòm sắt lừng danh.
Hãng tin Sputnik ngày 7-8 dẫn lời nhà phân tích quân sự Nga Yuri Lyamin (thuộc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ) nhận định cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran hồi tháng 4 năm nay đã đẩy hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel (Vòm sắt) đến giới hạn. Lưu ý là thời điểm đó, Tehran chưa sử dụng đến loại tên lửa hiện đại nhất của mình, còn Israel được Mỹ cùng các đồng minh khác hỗ trợ.
Ông Lyamin nhận xét: "Một cuộc tấn công phối hợp quy mô lớn từ Iran, Iraq, Yemen và Lebanon có thể phá vỡ hệ thống phòng thủ tên lửa và không quân của Israel… Tôi không nghĩ Israel có thể tăng cường đáng kể năng lực của họ trong lĩnh vực này vào thời điểm hiện tại. Bởi vì thời gian quá ngắn kể từ cuộc tấn công vào tháng 4".
Ông Lyamin nhấn mạnh không phải ngẫu nhiên mà Mỹ tìm cách tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa của Israel bằng cách triển khai thêm các thiết bị quân sự trong khu vực.
Hệ thống phòng không Vòm sắt (Iron Dome) của Israel chặn rocket phóng từ dải Gaza hồi tháng 1. Ảnh: Reuters
Đánh giá về hệ thống phòng không Vòm sắt nổi tiếng của Israel, ông Lyamin lưu ý rằng giống như bất kỳ hệ thống phòng không nào hiện nay, Vòm sắt "không bảo đảm khả năng phòng thủ ở mức tuyệt đối 100%".
Ông Lyamin giải thích: "Vòm sắt có thể bị áp đảo bởi một vụ phóng tên lửa hàng loạt. Ngoài ra, hệ thống phòng không của Israel đôi khi vẫn để một số thiết bị bay không người lái lọt qua".
Ông Lyamin cũng nhận thấy diện tích tương đối nhỏ của Israel cho phép Tel Aviv tạo ra một hệ thống phòng không nhiều lớp có khả năng đẩy lùi các cuộc tấn công nghiêm trọng.
"Tuy nhiên, nhược điểm của thực tế này là nước này có nhiều cơ sở quân sự, cơ quan chính phủ và cơ sở công nghiệp quan trọng nằm tương đối gần nhau, khiến các cơ sở dễ bị tấn công hàng loạt nếu hệ thống phòng không/tên lửa bị áp đảo" - ông Lyamin nói thêm.
Hệ thống Vòm Sắt của Israel chặn tên lửa phóng từ dải Gaza. Ảnh: Reuters
Trong cuộc tấn công ngày 7-10-2023, Hamas áp dụng chiến thuật tấn công ồ ạt, phóng 5.000 quả rocket về phía Israel chỉ trong vòng 20 phút, khiến Vòm sắt bị quá tải.
Theo tờ The Wall Street Journal, khó khăn khi đối phó với một đợt tấn công lớn từ nhiều hướng là cần phải nhanh chóng phân loại nhiều mục tiêu khác nhau và quyết định mục tiêu nào cần bắn hạ trong thời gian rất ngắn.
Các nhà phân tích nói rằng hệ thống phòng không nhiều lớp của Israel (phần lớn được phát triển cùng với Mỹ) được xây dựng cho những tình huống như vậy. Một số thành phần trong đó được thiết kế để đối phó với các mối đe dọa khác nhau, từ tên lửa tầm ngắn đến tên lửa đạn đạo tinh vi.
Một điểm yếu trong hệ thống phòng không của Israel là thiết bị bay không người lái (drone), đặc biệt là khi chúng bay hàng loạt với khả năng bay thấp và tránh được hệ thống radar. Đơn cử, một thiết bị bay không người lái do Houthi phóng từ Yemen đã lọt qua hệ thống phòng không của Israel và tấn công Tel Aviv vào tháng 7, khiến 1 dân thường thiệt mạng.
Nguồn: [Link nguồn]
Thành phố Tel Aviv của Israel bị tập kích bởi UAV “cỡ lớn” nhưng không có hệ thống phòng không nào kích hoạt bắn chặn.