Hệ thống Proteus: Sát thủ diệt bầy UAV trong tích tắc
Với tốc độ bắn 700 viên/phút và tầm hiệu quả lên tới 1.500 mét đối với mục tiêu bay thấp, Proteus đặc biệt phù hợp để đối phó với các bầy UAV hoặc các thiết bị bay không người lái hạng nhẹ.
Được ra mắt trong khuôn khổ sự kiện COMBATERRE, hệ thống chống UAV Proteus là phiên bản Chuẩn 1 (Standard 1), vốn đã từng được Quân đội Pháp công bố trong một video phát hành ngày 23/1/2025.
Hệ thống Proteus được phát triển chỉ trong vòng bốn tháng bởi Cục Kỹ thuật Quân đội (STAT), phối hợp cùng Cơ quan Trí tuệ Nhân tạo của Bộ Quốc phòng (AMIAD), hệ thống này được cải tiến dựa trên pháo phòng không 20mm AA53 T2 ra đời từ những năm 1970. Vốn được gắn trên xe kéo, khẩu pháo này nay đã được hiện đại hóa với camera nhiệt SANDRA (loại được sử dụng trên tên lửa Mistral) và hệ thống điều khiển hỏa lực có tích hợp thuật toán. Với tốc độ bắn 700 viên/phút và tầm hiệu quả lên tới 1.500 mét đối với mục tiêu bay thấp, Proteus đặc biệt phù hợp để đối phó với các bầy UAV hoặc các thiết bị bay không người lái hạng nhẹ.
Proteus đặc biệt phù hợp để đối phó với các bầy UAV. (Ảnh: AI)
Một trong những điểm nổi bật của phiên bản Chuẩn 1 là tận dụng khí tài sẵn có, mang lại giải pháp phòng không hiệu quả với chi phí thấp hơn nhiều so với các hệ thống tên lửa. Được trang bị hệ thống chỉ thị laser và các bộ xử lý tối ưu, hệ thống này tăng cường hiệu suất tiêu diệt mục tiêu, đồng thời vẫn dễ sử dụng đối với tổ lái. Hiện nay, phiên bản Chuẩn 2 đang được phát triển với mục tiêu rõ ràng: cho phép hệ thống tính toán chính xác quỹ đạo UAV đối phương để xác định thời điểm tiêu diệt tối ưu. Cơ quan Mua sắm Quốc phòng Pháp (DGA) đã bắt đầu quy trình công nghiệp hóa, nhằm trang bị thêm các bộ kit phần cứng mới như cảm biến ngày/đêm, vi xử lý tương thích AI và giao diện người-máy.
Hệ thống Proteus dựa trên việc tái sử dụng pháo phòng không AA53 T2 20mm (Ảnh: Army Recognition)
Các phiên bản tương lai của Proteus sẽ không còn sử dụng khung xe TRM 2000 cũ, mà chuyển sang lắp đặt trên xe Vampire mới do Scania cung cấp. Đây là dòng xe 4x4 có thể vận chuyển bằng đường không, trang bị động cơ 460 mã lực, có khả năng mang theo nhiều loại vũ khí, bao gồm cả bệ phóng tên lửa Pamela dành cho tên lửa Mistral và hiện nay là hệ thống Proteus. Điều này giúp tăng cường tính cơ động và hiện đại hóa hệ thống phòng không tầm ngắn.
Việc ra mắt phiên bản Chuẩn 1 của Proteus tại COMBATERRE 2025 thể hiện năng lực của Quân đội Pháp trong việc nhanh chóng chuyển đổi khí tài cũ thành giải pháp phòng vệ hiện đại. Được phát triển thông qua sự phối hợp giữa STAT, DGA, AMIAD, SIMMT và ngành công nghiệp quốc phòng Pháp, hệ thống này thể hiện một cách tiếp cận thực dụng và có thể mở rộng trong cuộc chiến chống UAV. Với 50 đơn vị đã lên kế hoạch sản xuất, hệ thống này đang trong kế hoạch được triển khai rộng rãi. Tính mô-đun và hiệu quả chi phí cũng khiến Proteus trở nên hấp dẫn đối với các lực lượng vũ trang nước ngoài có nhu cầu tương tự. Trong bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến sự bùng nổ của các mối đe dọa trên không phi truyền thống, Proteus có thể trở thành một hình mẫu tham chiếu trong lĩnh vực phòng không tầm ngắn hiện đại.
Đơn vị Phantom của Cơ quan Tình báo quốc phòng Ukraine (DIU) đã tiến hành đợt tập kích mới nhằm vào quân đội Nga và phá hủy nhiều tàu chiến ở bán đảo...
Nguồn: [Link nguồn]
-10/04/2025 08:07 AM (GMT+7)