Hệ lụy từ cuộc khủng hoảng ở Hạ viện Mỹ

Hạ viện Mỹ đang bị chia rẽ nghiêm trọng khi nghị sĩ hai đảng không thể đoàn kết trong bất kỳ vấn đề nào.

Hạ viện Mỹ đang chìm sâu vào khủng hoảng sau khi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy bị cách chức trong cuộc bỏ phiếu hôm 3-10. Sự kiện đẩy Quốc hội vào hỗn loạn trong bối cảnh đoàn kết lưỡng đảng là điều cần thiết để thông qua gói ngân sách hoạt động chính thức cho chính phủ liên bang bởi thỏa thuận ngân sách khẩn cấp chỉ kéo dài đến giữa tháng 11, theo tờ The Washington Examiner.

Các bên tiếp tục chỉ trích lẫn nhau

Chỉ có tám đảng viên Cộng hòa bỏ phiếu đồng ý bãi nhiệm, còn lại là toàn bộ phe Dân chủ tại Hạ viện hợp sức đẩy ông McCarthy khỏi ghế chủ tịch. Điều này khiến phần đông phe Cộng hòa cực kỳ phẫn nộ và hành động đầu tiên của Chủ tịch Hạ viện lâm thời Patrick McHenry sau khi nhậm chức là yêu cầu cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và cấp phó của bà là ông Steny Hoyer thuộc đảng Dân chủ rời khỏi văn phòng riêng ở tòa nhà Quốc hội. Đây được cho là đòn trả đũa đầu tiên của đảng Cộng hòa. Phe này lý giải các văn phòng này là nơi làm việc của cựu chủ tịch Hạ viện gần đây nhất, ám chỉ ông McCarthy nhưng phe Dân chủ chỉ trích quyết định này là “xấu tính và ích kỷ”.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy bị bãi nhiệm là hậu quả trực tiếp của việc ông ủng hộ viện trợ cho Ukraine. Ông Medvedev cũng nhắc lại tuyên bố mới đây của người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby rằng Mỹ chỉ còn đủ tiền tài trợ cho Ukraine thêm hai tháng nữa.

Lúc này ở Hạ viện, ngay cả các cuộc họp kín thông thường giữa nghị sĩ hai đảng cũng đã không được tổ chức, các nghị sĩ chỉ họp với người trong đảng. Một số nhóm làm việc lớn trong Hạ viện như nhóm Những người giải quyết vấn đề (được lập ra với mục tiêu củng cố đoàn kết lưỡng đảng) đang chứng kiến sự chia rẽ ngày càng lớn với các thành viên Cộng hòa đe dọa rời nhóm, không chịu làm việc với các nghị sĩ Dân chủ.

Về vấn đề này, hạ nghị sĩ Cộng hòa Nick LaLota thuộc bang New York, một thành viên của nhóm Những người giải quyết vấn đề, khẳng định nhóm là một trong những tổ chức đi đầu giúp gắn kết hai đảng và đây cần phải là thời điểm mà nhóm phải gạt bỏ tư duy đảng phái và làm những gì tốt nhất cho nước Mỹ. “Tôi vô cùng thất vọng là các thành viên Dân chủ của nhóm không làm được điều này và có những quyết định gây tổn hại cho Hạ viện, tôi đang tự hỏi liệu có cần tiếp tục tham gia nhóm hay không” - ông LaLota cho hay.

Trước đó, nhiều ý kiến từ phe Cộng hòa đã kỳ vọng một số nghị sĩ Dân chủ sẽ “ra tay” cứu ông McCarthy khỏi tình cảnh trở thành lãnh đạo Hạ viện đầu tiên bị bãi nhiệm trong lịch sử Mỹ. Tuy nhiên, điều đó đã không trở thành sự thật. Giới chuyên gia cho rằng phe Dân chủ vẫn chưa đủ tin tưởng ông McCarthy sẽ từ bỏ mục tiêu giảm chi tiêu công, cũng như cho rằng ông có quá nhiều điểm tương đồng với các thành viên Cộng hòa cực hữu. Do đó, việc đảng Dân chủ bỏ phiếu đồng ý lật đổ ông McCarthy được phe này xem như là một cách để chống lại tình trạng hỗn loạn và sự gia tăng thế lực của nhóm cánh hữu cực đoan ở Mỹ.

Hệ lụy từ cuộc khủng hoảng ở Hạ viện Mỹ - 1

Phe Dân chủ kêu gọi Cộng hòa đình chiến

Hiện một số lãnh đạo đảng Dân chủ đã lên tiếng kêu gọi phe Cộng hòa bỏ qua bất đồng và cùng hợp tác làm việc với họ. Lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries cho biết những nghị sĩ Cộng hòa có quan điểm truyền thống hãy từ bỏ chủ nghĩa cực đoan và hợp tác với các đồng nghiệp Dân chủ.

Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden kêu gọi hai bên ngừng “xem nhau là kẻ thù”. “Chúng ta không thể và không nên một lần nữa phải đối mặt với tình trạng bên miệng hố chiến tranh có thể kéo dài và vẫn có khả năng khiến chính phủ phải đóng cửa” - ông Biden nói.

Dù vậy, phần đông phe Cộng hòa lúc này không thể tin tưởng phe Dân chủ, vì họ xem cuộc bỏ phiếu chống ông McCarthy là một nước đi chính trị có tính toán của phe này. Phe Cộng hòa cho rằng đảng Dân chủ đã biến cuộc đấu tranh với đảng Cộng hòa trở thành trọng tâm trong việc thu hút các cử tri đang mệt mỏi vì kinh tế Mỹ đang chậm lại.

Hiện nhiều ứng viên Cộng hòa đã lộ diện cho vị trí tân chủ tịch Hạ viện, với những cái tên như lãnh đạo phe Cộng hòa Hạ viện Steve Scalise hay Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Jim Jordan được cho là bảo thủ hơn và ít sẵn sàng thỏa hiệp hơn ông McCarthy. Hạ viện lúc này hầu như rất khó thông qua được cái dự luật quan trọng bởi không có chủ tịch Hạ viện để chủ trì các buổi làm việc, trong khi thời gian chính phủ còn đủ tiền trang trải cho các hoạt động của mình còn rất ít. Phe Cộng hòa tại Hạ viện đã lên kế hoạch sẽ đưa ra thảo luận hai dự luật về phân bổ ngân sách trong tuần này nhưng các buổi làm việc này nhiều khả năng bị hủy sau vụ việc ngày 6-10.

Trong trường hợp xấu nhất, các nghị sĩ có thể bàn thảo về một dự luật khẩn cấp khác kéo dài ngân sách hoạt động khác cho chính phủ thêm 1-2 tháng tới. Tuy nhiên, việc này không phải là giải pháp tối ưu và nếu phải đi bước này thì đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ sẽ phải tiếp tục nhân nhượng các mục tiêu chính sách mà họ muốn thêm vào dự luận ngân sách chính thức.

Khủng hoảng Hạ viện Mỹ ảnh hưởng tới viện trợ Ukraine ra sao?

Theo hãng tin Politico, một trong những lý do chính dẫn tới việc ông McCarthy bị bãi nhiệm có liên quan đến các gói viện trợ trị giá hàng tỉ USD cho Ukraine. Các nguồn tin thân cận cho hay ông Biden đang lo ngại về nguồn tài trợ cho Ukraine trong bối cảnh tình trạng hỗn loạn đang bao trùm Hạ viện và khả năng các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện cản trở thêm viện trợ. Tuy nhiên, ông cho biết vẫn có “phương tiện khác” để hỗ trợ Kiev.

Về phía Ukraine, một nghị sĩ cấp cao là ông Ivanna Klympush-Tsintsadze cho biết giới chức Kiev đang rất lo lắng. “Chúng tôi quan tâm đến việc giải quyết mọi việc để Mỹ có thể hoạt động và vì vậy chúng tôi hy vọng hai đảng ở Mỹ khôi phục đồng thuận trong việc hỗ trợ lợi ích quốc gia của chính họ bằng cách hỗ trợ Ukraine” - ông này cho hay.

Hiện chính phủ Ukraine đã tìm cách giảm nhẹ tác động của tình trạng hỗn loạn ở Washington đối với cuộc xung đột đang diễn ra với Nga. Đại sứ Ukraine tại Mỹ Oksana Markarova cho biết: “Cho đến khi một chủ tịch Hạ viện Mỹ mới được bầu, Hạ viện không thể thông qua dự luật nào nhưng tất cả công việc khác kể cả trong các ủy ban vẫn tiếp tục”. Đại sứ Markarova cho biết hiện tại Ukraine vẫn có ít nhất 1,6 tỉ USD bổ sung để sử dụng cho hỗ trợ quốc phòng và 1,23 tỉ USD viện trợ ngân sách trực tiếp khác.

Nguồn: [Link nguồn]

Ông Medvedev lên tiếng vụ bãi nhiệm chủ tịch Hạ viện Mỹ

Ông Dmitry Medvedev nói nguyên nhân ông Kevin McCarthy bị bãi nhiệm chức chủ tịch Hạ viện Mỹ là do "tình yêu của ông ấy dành cho chính quyền Ukraine".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN