Hệ lụy khó lường từ đòn trừng phạt dầu mỏ Nga
Sau rất nhiều khó khăn, Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng cũng đã nhất trí về việc tung ra gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga để gây sức ép trong cuộc khủng hoảng Ukraine, trong đó đòn giáng nặng nề nhất là áp đặt lệnh cấm nhập khẩu phần lớn lượng dầu mỏ của Nga.
EU có thể phải đối mặt với những hệ lụy khó lường khi cấm nhập dầu mỏ của Nga, nhất là nguy cơ giá năng lượng và lạm phát cao
Ngoại lệ có thể tạo tiền lệ không hay ho
Các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) ngày 30-5 đã đạt được thỏa thuận về việc cấm phần lớn lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào lãnh thổ các nước thành viên trong bối cảnh các lực lượng Nga đang đẩy mạnh tiến công nhằm kiểm soát vùng Donbass nằm ở phía Đông Ukraine. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC - một hội đồng gồm các nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu chính phủ của các nước thành viên EU và Chủ tịch Ủy ban châu Âu) Charles Michel cho biết, các nhà lãnh đạo liên minh đã nhất trí ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu hơn 2/3 lượng dầu mỏ từ Nga để trừng phạt Matxcơva vì cuộc chiến ở Ukraine.
Lệnh cấm nhập 2/3 lượng dầu mỏ từ Nga nằm trong gói trừng phạt thứ 6 mà EU tung ra kể từ khi Matxcơva mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine ngày 24-2-2022. Trong gói trừng phạt mới nhất này, EU còn loại Sberbank - ngân hàng lớn nhất của Nga - ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT (Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu) cũng như cấm thêm 3 đài truyền hình thuộc sở hữu Nhà nước của Nga hoạt động ở các nước thành viên liên minh.
Theo Chủ tịch EC Charles Michel, lệnh cấm của EU có hiệu lực lập tức với 2/3 lượng nhập khẩu dầu nhập vào liên minh từ Nga và điều này sẽ góp phần “cắt đứt nguồn tài chính khổng lồ” cho cuộc chiến của Matxcơva tại Ukraine nhằm “gây áp lực tối đa lên Nga để kết thúc xung đột”. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC - cơ quan hành pháp của EU) Ursula von der Leyen cho biết thêm, các lãnh đạo EU đã “thống nhất về nguyên tắc” với lệnh cấm 90% nhập khẩu dầu của Nga trước năm 2023 và đây là bước đi quan trọng để tiến tới cấm nốt đối với 10% dầu còn lại nhập vào các nước thành viên liên minh từ Nga.
Gói trừng phạt thứ 6 của EU nhằm vào Nga với “nút thắt” là lệnh cấm nhập dầu mỏ Nga được các thành viên liên minh này đưa ra thảo luận từ đầu tháng 5-2022. Tuy nhiên, suốt 1 tháng qua, các cuộc đàm phán nhằm đạt được sự đồng thuận giữa các nước thành viên liên minh gặp rất nhiều khó khăn do bất đồng đến từ những nước phụ thuộc phần lớn vào nguồn dầu mỏ cũng như khí đốt của Nga.
Một trong những thành viên EU lo ngại nhất với lệnh cấm dầu mỏ Nga là Hungary. Nước này cho rằng, việc ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ Nga qua hệ thống đường ống sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế nước này vì họ không thể dễ dàng nhập khẩu dầu từ nơi khác do không có biển.
Tương tự, các quốc gia không giáp biển như Slovakia và Cộng hòa Czech cũng bày tỏ lo ngại. Giống như Hungary, họ phụ thuộc vào đường ống dẫn dầu Druzhba chảy qua miền Nam nước Nga. Do đó, ba quốc gia Trung Âu này đã được đề nghị một thời gian chuyển tiếp dài hơn để cắt giảm nhập khẩu dầu từ Nga.
Để nhận được cái “gật đầu” của ba thành viên trên, EU cam kết sẽ cung cấp 2 tỷ euro tài trợ cho cơ sở hạ tầng dầu mỏ để giúp các nước này. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn chưa thuyết phục được Hungary vì Budapest cho rằng họ cần nguồn tài chính để nâng cấp một đường ống dẫn dầu từ Croatia và chuyển các nhà máy lọc dầu sang xử lý dầu không phải của Nga.
Cuối cùng, để nhận được sự đồng thuận của Hungary cùng một số quốc gia nằm sâu trong nội địa, EU đã phải dành cho những quốc gia thành viên phụ thuộc lớn vào dầu thô của Nga này một ngoại lệ với lệnh cấm dầu của liên minh. Những nước này đã nhận được sự đảm bảo từ các nhà lãnh đạo EU rằng vẫn tiếp tục nhận được nguồn cung cấp dầu mỏ giá rẻ từ Nga.
Chưa rõ hiệu quả của đòn trừng phạt mới
Lệnh cấm nhập dầu mỏ của EU được cho sẽ tước đi nguồn thu quan trọng của Nga, vốn được EU cho rằng là nguồn chi phí quan trọng cho các hoạt động quân sự của Matxcơva tại Ukraine. Theo tổ chức nghiên cứu CREA, các quốc gia thành viên EU đã trả cho Nga gần 30 tỷ euro (32,3 tỷ USD) để nhập khẩu dầu mỏ của Nga kể từ ngày 24-2, thời điểm Nga bắt đầu triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Đòn trừng phạt mới nhất của EU sẽ ảnh hưởng nhất định tới Nga, song mức độ ra sao thì khó có thể lượng định chính xác vào lúc này. Các nhà phân tích cho rằng tác động của lệnh cấm này đối với Nga vẫn có thể giảm bớt nhờ nhu cầu từ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.
Theo hãng theo dõi tàu chở dầu Petro-Logistics và các dữ liệu khác, nguồn cung dầu từ Nga đến châu Á qua đường biển đã tăng ít nhất 50% kể từ đầu năm nay. Chủ tịch Petro-Logistics Mark Gerber cho biết, lượng dầu thô và các sản phẩm từ dầu của Nga chuyển thẳng đến châu Á đã lên tới mức 2,3 triệu thùng/ngày. Con số này cao hơn so với hồi tháng 1-2022, tức là trước khi diễn ra chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, ở mức chỉ khoảng 1,5 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, lệnh cấm dầu mở của Nga gây không ít khó khăn cho chính bên tung ra đòn trừng phạt. Châu Âu là thị trường xuất khẩu dầu lớn nhất của Nga. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), khoảng một nửa trong số 4,7 triệu thùng dầu thô xuất khẩu hàng ngày của Nga là sang EU. Liên minh này phụ thuộc vào Nga với 26% lượng dầu nhập khẩu trong năm 2020, cùng với khoảng 40% lượng khí đốt. Nay với lệnh cấm nhập dầu mỏ Nga, EU phải vật lộn để tìm nguồn cung thay thế để không ảnh hưởng tới an ninh năng lượng, đặc biệt là giá xăng dầu cao có thể gây ra hiệu ứng tăng giá hàng loạt dẫn tới lạm phát và cuối cùng tác động tiêu cực tới người tiêu dùng, người lao động.
Trên thực tế, việc tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế sau hàng thập kỷ phụ thuộc vào Nga từ lâu đã là một vấn đề rất khó khăn với châu Âu. Quá trình này được cho là sẽ ngày càng chông gai hơn giữa bối cảnh giá tiêu dùng tăng do xung đột quân sự cùng với một loạt nhân tố khác như sự gián đoạn kinh tế trong đó có các vấn đề về chuỗi cung ứng xảy ra như một hệ quả của đại dịch Covid-19.
Chính vì thế, các nhà lãnh đạo EU tại cuộc họp thượng đỉnh trong 2 ngày 30 và 31-5, ngoài việc bàn hỗ trợ Ukraine đã dành nhiều thời gian để bàn cách đối phó với các tác động từ chiến dịch quân sự của Nga, gồm giá năng lượng tăng, lạm phát, nguy cơ thiếu lương thực… Cuộc họp này như bị phủ lên sự u ám khi giá dầu thế giới trong ngày 31-5 đã lên mức cao nhất trong hai tháng qua.
Cùng với việc phải đối mặt với “kẻ thù” đáng sợ như lạm phát tăng cao, đặc biệt là giá năng lượng và thực phẩm tăng, EU còn bị chia rẽ bởi lệnh cấm nhập dầu Nga khi một số thành viên được hưởng “ngoại lệ” tiếp tục nhập dầu mỏ từ Nga với giá rẻ.
Hệ lụy từ lệnh cấm nhập dầu mỏ Nga rõ ràng là không hề đơn giản với EU, trong khi liên minh này lại chưa rõ hiệu quả của đòn trừng phạt này tới đâu với Matxcơva.
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã tái định hình thị trường dầu mỏ toàn cầu, và vẽ lại một số tuyến đường vận chuyển dầu trên thế giới.
Nguồn: [Link nguồn]