Hệ lụy khó lường sau vụ ám sát lãnh đạo Hamas

Sau thất bại không thể dự báo cuộc đột kích của Hamas hôm 7/10/2023, tình báo Israel tăng cường truy lùng thủ lĩnh phong trào này khắp Trung Đông. Dù không chính thức xác nhận, các quan chức Israel và Mỹ cho biết, Tel Aviv là tác giả vụ ám sát phó lãnh đạo Hamas Saleh al-Arouri ở thủ đô Beirut của Lebanon.

Hamas hứng thiệt hại lớn

Hamas không đơn độc trong cuộc xung đột với Israel, vốn nổ ra từ ngày 7/10/2023 sau sự kiện phong trào vũ trang của người Palestine này tiến hành cuộc đột kích từ Dải Gaza vào Israel. Một trong những bên ủng hộ Hamas tích cực nhất là lực lượng dân quân Hezbollah thân Iran nắm nhiều quyền lực ở Lebanon. Không chỉ hỗ trợ về chính trị, Hezbollah "chia lửa" với Hamas bằng cách gia tăng đụng độ với Israel ở biên giới phía Bắc Israel, khiến Tel Aviv khó tập trung toàn lực vào cuộc xung đột tại Dải Gaza ở phía Nam.

Ông al-Arouri thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng UAV ở thủ đô Beirut của Lebanon. Ảnh: GettyImages.

Ông al-Arouri thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng UAV ở thủ đô Beirut của Lebanon. Ảnh: GettyImages.

Sứ giả của Hamas trong các cuộc liên lạc với Hezbollah chính là ông Saleh al-Arouri, 57 tuổi, phó lãnh đạo cao nhất của Hamas, người thiệt mạng cùng 6 thành viên cấp cao khác của nhóm trong vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhắm vào văn phòng Hamas ở ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut của Lebanon. Hình ảnh hiện trường cho thấy tòa nhà bị UAV đánh sập một phần; gạch đá, giấy tờ và đồ đạc vương vãi. Hamas và Lebanon cáo buộc chính Israel thực hiện vụ tấn công.

Sự kiện ông al-Arouri bị ám sát đánh dấu mất mát lớn của Hamas sau gần 3 tháng kể từ khi cuộc xung đột với Israel nổ ra. Ngoài việc khiến kênh liên lạc của Hamas với Hezbollah và Iran bị xáo trộn, New York Times cho biết, ông al-Arouri là cấp phó có quan hệ gần gũi với thủ lĩnh tối cao Hamas Ismail Haniyeh, từng tham gia sáng lập cánh vũ trang Lữ đoàn Qassam và là quan chức cấp cao nhất của Hamas từng bị ám sát trong nhiều năm qua. Ông al-Arouri cũng có ảnh hưởng lớn ở khu vực Bờ Tây, nơi sinh sống của hàng triệu người Palestine. "Al-Arouri là một người đặc biệt quan trọng, cả về mặt lãnh đạo tổng thể lẫn sự hậu thuẫn của ông đối với các hoạt động vũ trang", chuyên gia Matthew Levitt thuộc Viện Chính sách Cận Đông của Washington đánh giá "Họ đã không hạ sát một thủ lĩnh Hamas ngẫu nhiên, mà họ hạ một người có vai trò rất quan trọng trong tổ chức hoạt động (của Hamas)".

Với người Palestine ủng hộ Hamas, al-Arouri như một người hùng. Sau thông tin ông bị ám sát, hàng ngàn người Palestine ở Bờ Tây đã tuần hành phản đối Israel và kêu gọi trả thù. Theo Anadolu, ông al-Arouri đã tham gia các phong trào Hồi giáo khi còn là sinh viên tại Đại học Hebron ở Bờ Tây vào giữa những năm 1980 và gia nhập Hamas sau khi phong trào này được thành lập năm 1987. Al-Arouri được mô tả là một trong những thành viên sáng lập Lữ đoàn al-Qassam, cánh vũ trang của Hamas. Từ 1991-1992, ông đứng sau nỗ lực nhân rộng các chi nhánh của Lữ đoàn al-Qasssam ở Bờ Tây.

AlJazeera cho hay, al-Arouri còn là nhà đàm phán chính của Hamas trong cuộc trao đổi tù nhân với Israel năm 2011, mà theo đó, Tel Aviv thả 1.027 người Palestine bị giam giữ khỏi các nhà tù của Israel để đổi lấy binh sĩ Gilad Shalit của Israel bị Hamas bắt giữ. Ngoài ra, ông al-Arouri cũng đóng vai trò quan trọng trong các cuộc thương lượng do Qatar làm trung gian dẫn đến việc Hamas thả hơn 100 con tin để đổi lấy lệnh ngừng bắn nhân đạo với Israel ở Dải Gaza tháng 11/2023.

Ở chiều ngược lại, Israel lại coi al-Arouri như cái gai trong mắt. Al-Arouri bị quân đội Israel giam hành chính lần đầu năm 1990 do có dính líu đến Hamas. Năm 1992, quân đội Israel lại bắt ông và tuyên phạt 15 năm tù giam. Al-Arouri được thả năm 2007, nhưng chỉ 3 tháng sau, ông lại bị bắt giữ thêm 3 năm nữa. Tòa án Tối cao Israel năm 2010 trả tự do cho ông, nhưng cấm ông trở về vùng Palestine. Al-Arouri lưu vong ở Syria 3 năm, sau đó di chuyển qua lại vài nước. Truyền thông khu vực tiết lộ, al-Arouri dành phần lớn thời gian gần đây sinh sống ở Lebanon cho tới khi bị ám sát.

Cuộc săn lùng của tình báo Israel

Tình báo Israel nổi tiếng với các vụ ám sát nhắm vào các đối thủ ở Trung Đông trong quá khứ. Theo Wall Street Journal, Tel Aviv nhiều lần bị các quốc gia trong khu vực chỉ trích vì thực hiện tấn công trên lãnh thổ của họ. Các đặc vụ Israel từng bị tố đóng giả phụ nữ săn lùng chiến binh Hamas ở Beirut và cải trang thành khách du lịch để ám sát một thủ lĩnh Hamas tại Dubai. Tình báo Israel cũng vướng cáo buộc cài bom trên xe hơi để ám sát một thủ lĩnh Hezbollah ở Syria hay dùng súng trường điều khiển từ xa hạ sát nhà khoa học hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh tháng 11/2020 ở Tehran.

Sự kiện ông al-Arouri thiệt mạng tác động lớn đến hoạt động của Hamas, nhưng khó khiến nhóm sụp đổ. Ảnh: AP.

Sự kiện ông al-Arouri thiệt mạng tác động lớn đến hoạt động của Hamas, nhưng khó khiến nhóm sụp đổ. Ảnh: AP.

Khi quan hệ với các nước Arab ấm dần lên, Israel dường như hạn chế nhắm tới các mục tiêu nước ngoài để ngăn bùng nổ khủng hoảng ngoại giao. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của cuộc đột kích ngày 7/10/2023 khiến 1.200 người chết, vốn có một trong số nguyên nhân là các cơ quan tình báo Israel thất bại trong việc dự đoán tình hình, đã thay đổi cách tiếp cận của Tel Aviv. Cả Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đứng đầu Cơ quan An ninh nội địa Shin Bet, ông Ronen Bar và lãnh đạo cơ quan tình báo nước ngoài Mossad, ông David Barnea gần đây đều hứa trước công chúng rằng họ sẽ săn các thủ lĩnh Hamas ở nước ngoài. "Sẽ mất thời gian, như đã mất thời gian sau vụ thảm sát Munich, nhưng chúng tôi sẽ ra tay xử lý họ dù họ ở đâu", ông Barnea tuyên bố ngày 3/1, đề cập đến chiến dịch truy kích nhóm Tháng Chín Đen thực hiện vụ bắt cóc và thảm sát 11 nhân viên và vận động viên Israel ở Munich, Đức năm 1972.

Nếu Israel thực sự là tác giả của đòn tập kích đoạt mạng ông al-Arouri, đó sẽ là cuộc tấn công đầu tiên, mở màn của chiến dịch nhắm vào các thủ lĩnh Hamas ở nước ngoài mà Israel đã đề cập. Nó cũng cho thấy Israel sẵn sàng hi sinh một phần các quan hệ ngoại giao, thậm chí nguy cơ khiến xung đột leo thang để hạ các nhân vật đối địch mà Tel Aviv cho là gây nguy hại với an ninh quốc gia.

Dù Israel không xác nhận, nhiều quan chức cấp cao của Mỹ nói với New York Times, CNN, al-Arabiya và nhiều hãng tin quốc tế rằng, chính Tel Aviv đã ám sát ông al-Arouri. Trong khi đó, nhà lập pháp Israel, cựu Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc, Danny Danon, đã chúc mừng các cơ quan tình báo Mossad, Shin Bet và quân đội Israel về chiến dịch ở Beirut. "Bất cứ ai có liên quan đến vụ 7/10 nên biết rằng chúng tôi sẽ tìm đến họ và giải quyết ân oán với họ", ông Danon viết trên X, trước đây là Twitter. Hồi tháng 10/2023, tờ Yedioth Ahronoth của Israel đưa tin, 6 nhân vật cấp cao của Hamas được đưa vào "tầm ngắm của hỏa lực Israel", bao gồm ông al-Arouri, theo Anadolu.

Ngoài Lebanon, Qatar, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua đã cung cấp nơi trú ẩn cho các thành viên Hamas. Thủ lĩnh cao nhất của Hamas Ismail Haniyeh hiện điều hành một văn phòng trên lãnh thổ Qatar, quốc gia đóng vai trò tích cực trong việc tìm kiếm giải pháp hòa giải Israel-Hamas.

Trong diễn biến liên quan, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này vừa bắt 33 người nghi làm gián điệp cho Israel, tham gia các hoạt động "do thám, truy đuổi và bắt cóc" người nước ngoài ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thậm chí cảnh báo Israel sẽ gánh chịu "hậu quả nghiêm trọng" nếu tấn công các thành viên Hamas trên lãnh thổ nước này.

Giới chuyên gia nhận định, việc một nhân vật có tầm ảnh hưởng như ông al-Arouri bị ám sát rõ ràng là mất mát lớn của Hamas, nhưng đó sẽ là tổn thất mang tính thời điểm, trong khi hệ quả chúng gây ra thường khó lường. Cái chết của một thủ lĩnh có khả năng buộc nhóm phải thay đổi chiến lược, nhưng có thể tạo cơ hội cho một người khác cứng rắn hơn lên nắm quyền. Tờ báo Israel Yediot Ahronoth mới đây có bài đăng mô tả vụ hạ sát phó lãnh đạo Hamas là "một canh bạc" khi cho rằng sự kiện đó sẽ ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán trao đổi con tin. Lior Peri, con trai một nạn nhân bị bắt đến Dải Gaza tháng 10/2023, nói: "Việc đó (ám sát ông al-Arouri) chẳng có nghĩa gì. Tôi không biết ai chịu trách nhiệm và ra lệnh, nhưng họ chắc chắn không nghĩ đến các con tin".

Theo ông Avi Melamed, cựu quan chức tình báo Israel, vụ ám sát ở Beirut còn khiến Hezbollah cảm thấy bị xúc phạm vì al-Arouri là "khách mời đặc biệt" của lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah. Trong các tuyên bố mới nhất, Hezbollah cảnh báo sẽ đáp trả vụ ám sát bằng phản ứng mạnh mẽ. Trên thực địa, Hezbollah tăng cường tấn công mục tiêu của Israel dọc biên giới phía Bắc nước này. Trong khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố sẵn sàng ứng phó "với mọi tình huống" phát sinh "trên mọi mặt trận", thì người phát ngôn Mark Regev của Thủ tướng Israel ngày 3/1 buộc phải tìm cách xoa dịu với khẳng định: "Dù ai thực hiện cuộc tấn công" thì đó "không phải là một cuộc tấn công vào nhà nước Lebanon hay Hezbollah mà đó là cuộc tấn công vào Hamas".

Tuy nhiên, Lebanon không đồng tình với lập luận đó. Bằng chứng là họ đã đệ đơn lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để khiếu nại Israel xâm phạm chủ quyền Lebanon.

Nguồn: [Link nguồn]

Israel và phong trào vũ trang Hamas đạt thỏa thuận cho phép chuyển thuốc men cho con tin Israel bị giữ ở Dải Gaza, đổi lấy viện trợ bổ sung cho dân thường Palestine.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Phùng ([Tên nguồn])
Xung đột Israel - Hamas Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN