Hé lộ về chương trình máy bay không người lái của Nga
Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay lạ ở gần biên giới với Syria nghi là của Nga hôm qua (16.10) đang trở thành “mồi lửa” hâm nóng lại chủ đề về chương trình máy bay không người lái ít được biết đến của Moscow.
Sự hồi sinh của chương trình máy bay không người lái của Nga đang thu hút sự chú ý của giới phân tích.
Nga đã tung các máy bay không người lái (UAV) vào chiến trường Syria ngay từ khi phát động chiến dịch không kích chống lại các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) tại đây theo đề nghị giúp đỡ từ chính quyền Tổng thống Assad. Phần lớn các UAV của Nga thực hiện nhiệm vụ trinh sát không phận, do thám, thu thập thông tin tình báo và kiểm soát tình hình bên trong lãnh thổ Syria.
Hôm 16.10, giới chức trách Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận bắn hạ một máy bay lạ bên trong không phận nước này, gần biên giới với Syria sau khi đã cảnh báo 3 lần “theo đúng các nguyên tắc hành động”. Hãng tin CNN dẫn lời hai quan chức quốc phòng Mỹ cho rằng, UAV mà Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ là của Nga, vốn được điều đến Syria tham chiến.
UAV bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ hôm 16.10
Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ thông tin trên. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov tuyên bố, tất cả các máy bay của Nga được triển khai tại Syria sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã trở về căn cứ Hmeimim an toàn.
Hiện vẫn chưa rõ chiếc UAV mà Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ thuộc về ai, song sự kiện này đã “hâm nóng” lại chủ đề về chương trình máy bay không người lái vốn ít được biết đến của Nga.
CNN dẫn lời giới quan sát cho hay, chương trình máy bay không người lái của Nga trong nhiều năm tụt hậu so với phương Tây nay đang bắt đầu hồi sinh mạnh mẽ. Ông Douglas Barrie, chuyên viên cao cấp về hàng không vũ trụ tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết, Moscow những năm gần đây đã tăng cường phát triển UAV.
“Sau sự tan rã của Liên bang Xô viết, chương trình UAV dường như đã bị Nga lãng quên. Nhưng trong thập niên vừa qua, Nga đã tái tập trung phát triển lĩnh vực này để tăng cường tiềm lực quân sự”, ông Douglas Barrie nhận định.
Trong khi đó, nhà phân tích Derrick Maple cho hay, trong 5 năm qua, Nga đã phụ thuộc đáng kể vào các mô hình UAV từ các nhà thầu quốc phòng Israel. Một số mẫu UAV của Israel thậm chí còn được cấp phép sản xuất tại Nga.
Tuy nhiên, Nga đã cam kết chi gần 10 tỷ USD trong 10 năm tới để tiếp tục phát triển phi đội UAV, bao gồm cả máy bay không người lái trinh sát được vũ trang, tương tự như một số mẫu của Mỹ, ông Maple nhấn mạnh.
Trước đó, ít nhất từ năm 2005, Nga đã phát triển một UAV vũ trang gọi là Skat. Loại này có thể có khả năng mang nhiều tên lửa radar hoặc tên lửa chống hạm, bom dẫn đường hay bom thường.
Quân đội và lực lượng an ninh Nga có khoảng 800 UAV, tất cả đều được cho là không vũ trang và chủ yếu sử dụng cho mục đích tình báo và trinh sát. Dưới đây là thông tin chi tiết về một số loại UAV mà quân đội Nga sở hữu.
1. Các UAV mini: Kkhoảng 500 chiếc
Chẳng hạn: Các biến thể của Zala 421, 400A Bird Eye và Orbiter 2 do Israel sản xuất. Đây là những UAV rất nhỏ, có cánh cố định hoặc cánh quay có phạm vi hoạt động ngắn và được sử dụng chủ yếu cho nhiệm vụ trinh sát trên chiến tuyến.
2. UAV chiến thuật loại nhỏ: Khoảng 200 chiếc
Chẳng hạn: Orlan-10. Những UAV chiến thuật loại nhỏ của Nga Trung tâm Công nghệ đặc biệt ở Saint Petersburg chế tạo. UAV loại này có khả năng bay trong 15 giờ, ở độ cao đến hơn 7.000 m và có phạm vi hoạt động đến 600 km, theo ông Maple. UAV được trang bị camera có độ phân giải cao, máy quay phim và máy thu ảnh hồng ngoại.
3. UAV chiến thuật cỡ vừa: Khoảng 100 chiếc
Chẳng hạn: Aerostar. Loại UAV này được nhà thầu quốc phòng Israel Aeronautics Defence Systems chế tạo, Aerostar có thể bay đến độ cao 5.500 m và hoạt động trong 14 giờ. Lực lượng Quốc phòng Israel đã sử dụng Aerostars cho nhiệm vụ giám sát và chống buôn lậu.
4. UAV tầm trung, có khả năng hoạt động kéo dài
Chẳng hạn: Heron. Loại UAV này có thể hoạt động hơn 40 giờ, ở độ cao đến hơn 9.000 m, theo nhà sản xuất UAV này - Israel Aerospace Industries. Heron có thể được sử dụng để thu thập thông tin tình báo, trinh sát hàng hải và giám sát. Nga và Israel đã ký một thỏa thuận năm 2010 để Heron được sản xuất ở Nga, nhưng hiện không rõ việc này đã được tiến hành hay chưa, ông Maple cho hay.