Hé lộ "tử huyệt" khiến Ukraine liên tục mất lãnh thổ vào tay Nga
Theo chuyên trang quân sự Defense Express, trước tình trạng thiếu vũ khí và đạn dược cũng như việc viện trợ từ phương Tây gián đoạn, các lực lượng Ukraine chỉ có thể giữ vững tuyến phòng thủ và đẩy lùi làn sóng tấn công dữ dội của quân đội Nga.
Nếu chiến thuật này thành công, Ukraine có thể giảm bớt năng lực chiến đấu cũng như ý chí tiến lên của lực lượng quân sự của Nga. Song, nó cũng đòi hỏi một hệ thống tuyến phòng thủ nhiều lớp, dựa trên các vị trí kiên cố và được chuẩn bị kỹ càng từ trước.
Ukraine chưa có được tuyến phòng thủ kiên cố trước các đòn tấn công dồn dập từ Nga. Ảnh: Defense Express
Liên quan đến việc xây dựng phòng tuyến kiên cố, thời gian là nguồn tài nguyên quý giá nhất nhưng phần lớn thời gian đã bị quân đội Ukraine lãng phí. Với chiến trường hiện đại tràn ngập máy bay không người lái trinh sát và ảnh vệ tinh có sẵn, Nga đã dễ dàng phát hiện ra điểm yếu này và cố gắng khai thác nó.
Theo Defense Express, quân đội Ukraine không sẵn sàng huy động và tăng cường tuyến phòng thủ một cách nhanh chóng. Các lực lượng công binh đã bị giải tán một cách có phương pháp, dẫn đến việc chỉ còn lại 4 trung đoàn công binh trong toàn bộ Lực lượng Vũ trang Ukraine vào năm 2005.
Các thiết bị kỹ thuật quân sự đặc biệt để xây dựng phòng tuyến cũng đã ngừng hoạt động và bị bán đi. Mặc dù Ukraine đã thành lập các đơn vị kỹ thuật mới trong năm 2015–2016 nhưng vấn đề này vẫn chưa thực sự được quan tâm nhiều cho đến năm 2022. Lực lượng công binh cũng không được mở rộng.
Thời gian hoàn hảo để xây dựng phòng tuyến đã bị Ukraine bỏ qua. Ảnh: Defense Express
Trách nhiệm tạo tuyến phòng thủ hiện nay lại được đặt lên vai chỉ huy các lữ đoàn chiến đấu. Với nguồn lực hạn chế của từng đơn vị, Ukraine hiện khó có thể tạo ra được các tuyến phòng thủ vững chắc, kéo dài và đủ để ngăn chặn đà tiến dồn dập của Nga.
Một binh sĩ thuộc đơn vị kỹ thuật của Lực lượng Vũ trang Ukraine trên tiền tuyến tiết lộ, bộ binh sẽ quyết định nơi nào cần đội công binh và phân công nhiệm vụ, gây ra tình huống mỗi lữ đoàn lại xây dựng tuyến phòng thủ riêng. Điều này khiến việc duy trì tính liên kết và toàn vẹn trên toàn bộ tuyến phòng thủ trở nên khó khăn.
Mặt khác, khả năng phòng thủ vững chắc được cho là do các công sự có kết cấu bê tông cốt thép. Tuy nhiên, việc xây dựng các công sự như vậy cần phải có sự cho phép của các chỉ huy cấp cao của Ukraine. Ở các cấp thấp hơn, để đẩy nhanh tiến trình xây dựng họ chấp nhận dựng những công sự bằng gỗ và vật liệu chỉ được cấp sau khi có đệ trình của lữ đoàn.
Trong khi đó, Nga thường điều động các công ty xây dựng tư nhân đến để xây dựng tuyến phòng thủ, họ dựng những hầm trú ẩn bằng bê tông làm sẵn và đào hố cáo, hào, mương theo một quy hoạch tổng thể duy nhất. Nga sau đó đã thành công xây dựng được phòng tuyến 3 lớp rất vững chắc, thách thức hàng loạt vũ khí phương Tây do Ukraine triển khai.
Các quốc gia châu Âu đã ủng hộ sáng kiến của Séc về việc mua đạn pháo từ bên ngoài châu Âu để hỗ trợ thêm cho quân đội Ukraine.
Nguồn: [Link nguồn]