Hé lộ cuộc sống bên trong băng đảng tàn bạo nhất thế giới
Sống trong xã hội đầy bạo lực đẫm máu ở El Salvador và Los Angeles (Mỹ), các thành viên từng bước đưa MS-13 vượt qua các băng nhóm xã hội đen khác, trở thành băng đảng có 100.000 thành viên và nguy hiểm nhất thế giới.
MS-13 được đánh giá là băng đảng nguy hiểm nhất thế giới hiện nay với 100.000 thành viên.
Báo Anh Daily Mail mới đây đã có cuộc phỏng vấn với Alex Sanchez (44 tuổi), người đàn ông gốc El Salvador, hiện đang sống ở Mỹ. Sanchez là người gia nhập băng đảng khét tiếng MS-13 từ những ngày đầu nhưng giờ đã rời khỏi tổ chức để hoàn lương, chăm lo gia đình.
Nổi lên nhờ mã tấu
Alex Sanchez vẫn nhớ lần đầu tiên ông chứng kiến cảnh mã tấu xóa sổ một băng đảng trong cuộc hỗn chiến hơn 80 người ở Los Angeles những năm 1980. Đó là thời khắc làm thay đổi Mara Salvatrucha 13 (MS-13), băng nhóm gồm toàn những trẻ em nhập cư gốc El Salvador.
Sanchez nói, ông đã chứng kiến toàn bộ quãng thời gian băng nhóm MS-13 trỗi dậy, để trở thành tổ chức tội phạm có 100.000 thành viên, nguy hiểm nhất thế giới hiện nay.
Sanchez đến Los Angeles, Mỹ một cách bất hợp pháp năm 1979, khi ông mới 7 tuổi. Sanchez lớn lên với nhiều biến động trong cuộc đời. Một ngày nọ, ông phi máy bay giấy trúng vào chân một học sinh khác. Hệ quả là Sanchez bị kẻ bắt nạt đánh một trận nhừ tử.
Kể từ đó, ông hiểu rằng, mỗi khi mình cảm thấy không được tôn trọng hoặc bị tổn thương, cách tốt nhất là đấm thẳng vào mặt đối phương để xua tan sự tức giận.
Ở trường trung học, Sanchez làm bạn với một nhóm những đứa trẻ người El Salvador khác. Đó chính là sự khởi nguồn của băng nhóm MS-13, với những đứa trẻ thích nghe nhạc rock và dùng cần sa.
“Cả nhóm thời điểm đó chỉ nghĩ đến việc tập trung với nhau, cùng bảo vệ nhau để tồn tại”, Sanchez nói. Băng nhóm này bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực đẫm máu khi hai thành viên bị những tổ chức khác sát hại, với lý do bảo vệ lãnh thổ.
Alex Sanchez đã xin ra khỏi nhóm để tập trung chăm sóc gia đình.
Dần dần, các thành viên chủ chốt của MS-13 đã hình thành nên những quy định riêng cho nhóm. “Chúng tôi sẽ không hé răng nếu bị bắt. Nếu bị đánh, chúng tôi sẽ tự tìm cách trả thù mà không gọi cảnh sát can thiệp. Việc nhờ đến cảnh sát được cho là sự yếu đuối”.
Mã tấu chính là thứ đánh dấu tên tuổi của MS-13, so với các băng nhóm xã hội đen khác. “Khi có người cầm mã tấu truy đuổi bạn, cảm giác lúc đó sẽ rất khác. Đó là thứ đi cùng tên tuổi của nhóm trong giai đoạn những năm 1980-1990”.
Nhưng rồi, các băng nhóm khác ở miền trung nước Mỹ biết đến MS-13, và họ cũng có thứ vũ khí khác để đáp trả, ví dụ như súng tiểu liên Uzi, Sanchez kể lại.
Vào tù để khẳng định chiến tích
Thời gian trôi qua, ngày càng nhiều thanh niên nhập cư El Salvador đến Mỹ. Ở quê nhà, đất nước của họ rơi vào tình trạng nội chiến đẫm máu, giữa quân đội chính phủ và phe nổi dậy.
Sanchez nói, nội chiến đã tác động mạnh đến tâm hồn trẻ em El Salvador. Bởi ở khắp nơi đều có thi thể người chết, những nạn nhân bị chặt đầu. Đó cũng có thể là khởi nguồn cho sự tàn bạo đến đỉnh điểm của MS-13 sau này.
Hai thành viên MS-13 đứng trước tòa hồi đầu tháng nay vì cáo buộc giết hại thiếu niên và bắt cóc một người khác.
Nhiều thành viên MS-13, bao gồm cả Sanchez, được khuyến khích vào tù để chứng tỏ bản thân. Với Sanchez là việc đánh cắp một chiếc xe để rồi bị bắt và ngồi tù hai năm.
“Đối với nhiều người, ngồi tù là một hình thức trừng phạt. Nhưng đối với các băng đảng xã hội đen, họ coi vào tù là một nghi thức”, Sanchez kể lại. “Tôi từng muốn đặt chân đến những nhà tù nghiêm ngặt nhất để chứng tỏ thanh danh của mình”.
Hình xăm được coi là thứ không thể thiếu đối với MS-13. Không phải vì chúng không mất đi theo thời gian mà để chứng minh lòng trung thành, và khoe khoang chiến tích của mình.
Sanchez bị trục xuất trở về El Salvador năm 21 tuổi. Không có người thân quen, Sanchez vẫn phải dựa vào MS-13 để sống. Ở thời điểm đó, nhiều biệt đội tử thần được phái đến để sát hại các thành viên MS-13, theo lời Sanchez.
“Rửa tay gác kiếm”
Năm 1995, Sanchez quay trở lại Mỹ thành công. Ông có một con trai chưa từng gặp mặt ở Los Angeles và ông bắt đầu cảm thấy chán ngán của sống ở thế giới ngầm.
“Có thể tôi sẽ rời nhóm trong một năm, hoặc thậm chí là vĩnh viễn để làm cha của những đứa trẻ”, Sanchez nói. Và như vậy, ông từng bước hoàn lương.
Alex Sanchez khi còn là thành viên của MS-13.
Ông nói, mặc dù MS-13 ở những nơi khác nhau có quy định khác biệt, băng đảng hầu như đều chấp nhận để thành viên rời đi, nếu họ muốn sống với gia đình, hay gây dựng danh tính mới.
Sanchez cùng một người bạn lập ra tổ chức phi lợi nhuận, giúp đỡ những trẻ em El Salvador gặp khó khăn, giúp đỡ những người muốn quay về cuộc sống bình thường.
MS-13 ngày nay ngày càng phát triển, mở rộng quy mô hoạt động đến mức không thể kiểm soát. “Tôi nghĩ vấn đề nằm ở chỗ MS-13 giờ đây đã chia thành quá nhiều nhóm nhỏ, với những quy tắc riêng. Họ tự đặt ra luật lệ đó mà không phải bắt nguồn từ những người sáng lập nhóm”.
Đối với Sanchez, ông chưa bao giờ sống yên ổn khi quyết định rời khỏi MS-13. Chính quyền Mỹ từng nhiều lần cố gắng trục xuất Sanchez cho đến khi ông nhận được quyền tị nạn chính trị năm 2002. Bởi tính mạng ông có thể bị đe dọa nếu trở về quê nhà.
Thời điểm các băng nhóm El Salvador bị liệt vào danh sách khủng bố, Sanchez nói ông đã không còn liên hệ được với họ nữa nhưng ông vẫn bị chính quyền El Salvador nghi ngờ ủng hộ tội phạm.
Cuối cùng, Sanchez nói mình chỉ muốn giúp cho cuộc sống của những thanh thiếu niên El Salvador trở nên tốt đẹp hơn, để họ có công ăn việc làm, mà không phải sống cuộc đời đầy bạo lực và đẫm máu như ông
>>>Bấm xem thêm: Băng đảng 100.000 thành viên nguy hiểm nhất thế giới