Hé lộ cách Trung Quốc sản xuất vận tải cơ hạng nặng Y-20

Y-20 (hay Xian Y-20) là mẫu máy bay vận tải quân sự cỡ lớn đầu tiên do Trung Quốc tự chế tạo.

Sau 6 năm ra mắt, cách thức phát triển vận tải cơ quân sự đầu tiên mới được phần nào hé lộ qua phóng sự của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV).

Thành tựu chiến lược

Y20 là vận tải cơ quân sự lớn nhất Trung Quốc từng sản xuất

Y20 là vận tải cơ quân sự lớn nhất Trung Quốc từng sản xuất

Y-20 (hay Xian Y-20) được thiết kế để vận chuyển người và hàng hóa đường dài trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Y-20 được trang bị bốn động cơ phản lực D-30KP-2 (do Nga chế tạo) với tầm hoạt động lên đến 4.500km khi chất tải đầy đủ. Trọng lượng tối đa khi cất cánh là khoảng 200 tấn và có thể bay gần 10.000km mà không cần tiếp dầu.

Chiếc máy bay này là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của Trung Quốc, bao gồm cả những dự án phát triển các dòng máy bay vận tải chiến lược, tên lửa đạn đạo và máy bay chiến đấu tàng hình. Ngay từ khi ra mắt, Y-20 đã được so sánh với dòng máy bay vận tải hạng nặng Boeing C-17 của Mỹ.

Lý do dòng máy bay này được định danh “20” vì đây được xem là một trong những thành tựu của ngành công nghiệp hàng không quân sự Trung Quốc trong suốt 20 năm qua với nhiều phát triển vượt bậc, giúp Trung Quốc dần đuổi kịp hay thậm chí vượt mặt một số nước phương Tây.

Tại thời điểm máy bay này thử nghiệm thành công, nhà quan sát quân sự Trung Quốc Bành Việt từng nhận định, Y-20 không chỉ giúp cải thiện khả năng triển khai quân nhanh chóng mà còn đóng vai trò phương tiện vận chuyển đáng tin cậy hỗ trợ các máy bay chống tàu ngầm, tiếp nhiên liệu trên không hay cảnh báo sớm do nước này sản xuất. Ông Bành khẳng định: “Tầm quan trọng chiến lược của Y-20 thậm chí lớn hơn so với chiến đấu cơ tàng hình J-20 và tàu sân bay Liêu Ninh”.

Ngoài ra, theo Hoàn Cầu báo, Y-20 mở ra thời kỳ Trung Quốc không còn phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga về máy bay vận tải quân sự hạng nặng. Giới chuyên gia trong nước cho rằng, Trung Quốc cần ít nhất 100 chiếc Y-20 để nâng cao khả năng mở rộng sức mạnh trên toàn cầu và ít nhất 300 chiếc để có thể cạnh tranh với Mỹ.

Hội tụ trí tuệ để sản xuất

Lật lại quá trình sản xuất phương tiện quan trọng này, mới đây, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết, để cho ra đời Y-20, Tập đoàn Hàng không Trung Quốc (Avic) đã sử dụng cách thức mới đó là lựa chọn sử dụng nhiều công ty con khác nhau để cùng hội tụ trí tuệ, hợp sức thiết kế và sản xuất thay vì dựa vào 1 đơn vị như trước đây.

Nếu như trong quá khứ, toàn bộ quy trình thiết kế, phát triển và sản xuất máy bay tại Trung Quốc đều do một đơn vị thực hiện thì nay, Avic đã sử dụng một loạt các đơn vị tham gia thiết kế và phát triển vận tải cơ Y-20 trong đó Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Xian (XAIC) chủ trì.

“Toàn bộ các công ty sản xuất máy bay của quốc gia đều được huy động để hoàn thành dự án Y-20. Dự án này đã được phát triển dựa trên hệ thống hợp tác để có thể hội tụ tất cả các kỹ thuật công nghiệp chủ chốt trong ngành hàng không của đất nước”, ông Han Xianli, cựu Giám đốc phụ trách máy bay vận tải hạng nặng của Avic kể lại.

Hình ảnh bên trong nhà máy sản xuất máy bay lớn của XAIC tại Sơn Tây (Ảnh cắt từ clip)

Hình ảnh bên trong nhà máy sản xuất máy bay lớn của XAIC tại Sơn Tây (Ảnh cắt từ clip)

CCTV không nêu chi tiết các công nghệ quan trọng đã được sử dụng nhưng đơn vị XAIC đã chi hơn 70 triệu Nhân dân tệ (9,7 triệu USD) cho hệ thống thiết kế điện tử, cho phép các kỹ thuật viên cùng đóng góp ý kiến, từ đó tổng hợp lại.

Y-20 đã thực hiện chuyến bay thử đầu tiên vào năm 2013 và đã được bàn giao cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc năm 2016 – 8 năm sau khi dự án được công bố, ngắn hơn so với thời gian phát triển vận tải cơ C-17 của Mỹ (mất khoảng 14 năm) và vận tải cơ Il-76 của Nga (trong 11 năm), theo CCTV.

Trong bản tin, CCTV cũng hé lộ một số hình ảnh hiếm thấy về xưởng sản xuất máy bay lớn của XAIC tại Sơn Tây.

Trước đó, Tạp chí quân đội của Trung Quốc Ordnance Industry Science Technology từng có bài viết vào tháng 8/2022, nêu cụ thể hơn về nhiệm vụ của từng thành phần tham gia.

Trong đó, Ordnance Industry Science Technology cho biết, XAIC chịu trách nhiệm phát triển phần thân trước, thân máy bay trung tâm và các bộ phận cánh còn Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Thành Đô (CAIG) đóng góp vào thiết kế vòm và radar của Y-20.

Tập đoàn Máy bay Sơn Dương (SAC) đã tham gia vào thiết kế đuôi của Y-20; Tập đoàn Sản xuất Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac) chia sẻ trách nhiệm trong sản xuất phụ tùng.

Cả CAIG và SAC đều là các nhà thầu vũ khí quan trọng của Quân đội Giải phóng Nhân dân, chủ yếu phát triển máy bay chiến đấu mẫu J.

Ông Fu Qianshao, một chuyên gia về thiết bị thuộc Không quân Trung Quốc nhận định, Y-20 có thể được phát triển mạnh hơn, trở thành nền tảng cảnh báo sớm chiến lược của Trung Quốc, nhờ có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà thiết kế khác nhau. “Nhưng sẽ vẫn cần thời gian để có thể tạo ra những thay đổi lớn vì còn rất nhiều khác biệt về cấu trúc và hệ thống vũ khí giữa vận tải cơ và máy bay cảnh báo sớm”, ông Fu cho hay.

Nguồn: [Link nguồn]

‘Cá mập bay’ Trung Quốc hoá ra là ‘em họ’ của tiêm kích Nga

Một phim tài liệu mới trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV tiết lộ nguồn gốc của “cá mập bay” J-15 – loại tiêm kích trên tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc hiện...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trang Trần ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN