HĐBA thông qua nghị quyết kêu gọi ‘tạm ngừng nhân đạo’ trong xung đột Israel-Hamas
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua dự thảo nghị quyết kêu gọi “tạm ngừng nhân đạo” khẩn cấp trong xung đột Israel-Hamas.
Ngày 15-11, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) thông qua nghị quyết kêu gọi “tạm ngừng nhân đạo” khẩn cấp trong xung đột Israel-Hamas (lực lượng vũ trang kiểm soát Dải Gaza, Palestine) để cho phép viện trợ nhân đạo vào Gaza.
Việc thông qua nghị quyết kêu gọi "tạm ngừng nhân đạo" được xem là động thái được mong chờ từ lâu sau nhiều tuần HĐBA không thể tìm được tiếng nói chung, theo hãng tin Reuters.
Trong số 15 thành viên của HĐBA, có 12 thành viên bỏ phiếu ủng hộ, 3 nước Mỹ, Nga và Anh bỏ phiếu trắng.
Kêu gọi "tạm ngừng nhân đạo" đủ số ngày
Nghị quyết kêu gọi “các lệnh tạm ngừng và hành lang nhân đạo khẩn cấp và kéo dài” trên khắp Dải Gaza “trong đủ số ngày” để cho phép viện trợ nhân đạo “đầy đủ, nhanh chóng, an toàn và không bị cản trở” tiếp cận khu vực.
Nghị quyết cũng kêu gọi thả “tất cả các con tin do Hamas và các nhóm khác bắt giữ, đặc biệt là trẻ em” và tất cả các bên “kiềm chế tước đoạt các dịch vụ cơ bản và hỗ trợ nhân đạo ở Dải Gaza".
Nghị quyết kêu gọi "tạm ngừng nhân đạo" này không lên án hành động của Hamas - một điểm khiến các đồng minh của Israel là Mỹ và Anh không đồng tình.
Cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về kêu gọi tạm ngừng nhân đạo trong xung đột Israel-Hamas tại trụ sở LHQ (TP New York, Mỹ) ngày 15-11. Ảnh: WAFA
Trước khi dự thảo nghị quyết được thông qua, HĐBA đã chứng kiến những tranh cãi xoay quanh ngôn ngữ của văn bản này.
Tranh cãi chủ yếu tập trung vào việc nên kêu gọi “tạm ngừng nhân đạo” hay “ngừng bắn”. Mỹ ủng hộ tạm ngừng nhân đạo trong khi Nga thúc đẩy lệnh ngừng bắn.
Nga đã thất bại khi muốn sửa đổi nội dung dự thảo nghị quyết vào phút chót để đưa vào lời kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, tiến tới chấm dứt chiến sự.
Israel, Palestine chỉ trích nghị quyết
Bình luận về nghị quyết kêu gọi "tạm ngừng nhân đạo" ngày 15-11 của HĐBA, Đại sứ Israel tại LHQ Gilad Erdan cho rằng nghị quyết “không thực tế” và sẽ “không có ý nghĩa”.
Ông Erdan khẳng định rằng Israel đang hành động phù hợp với luật pháp quốc tế trong hoạt động quân sự ở Gaza.
“Thật không may khi HĐBA vẫn không thể lên án hoặc thậm chí đề cập vụ thảm sát ngày 7-10 của Hamas. Đây là một sự ô nhục” - vị đại sứ Israel viết trên mạng xã hội.
Tương tự, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Israel Lior Haiat nói: “Israel mong đợi HĐBA lên án Hamas một cách dứt khoát và giải quyết nhu cầu về một thực tế an ninh khác ở Gaza. Không có chỗ cho các thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo kéo dài nếu 239 con tin vẫn còn nằm trong tay những kẻ khủng bố Hamas”.
Sau khi bỏ phiếu trắng, Mỹ đã chỉ trích một số thành viên của HĐBA vì không lên án Hamas.
“Tôi muốn nói rằng tôi rất kinh hoàng khi một số thành viên của hội đồng này vẫn không thể tự mình lên án vụ tấn công khủng bố dã man mà Hamas đã thực hiện nhằm vào Israel hôm 7-10” - Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield nói.
Tuy nhiên, bà Thomas-Greenfield cũng lưu ý rằng hành động của Hamas “không làm giảm bớt trách nhiệm của Israel trong việc bảo vệ những người vô tội ở Gaza”.
Về phía Palestine, Quan sát viên thường trực của Nhà nước Palestine tại LHQ Riyad Monsour cho rằng nghị quyết kêu gọi "tạm ngừng nhân đạo" của HĐBA đã không đề cập đến các vấn đề chính bao gồm cái chết của dân thường, nhân viên nhân đạo, nhà báo, các cuộc tấn công bừa bãi của Israel và việc Israel giam giữ hàng nghìn người Palestine.
Ông Monsour cũng cáo buộc HĐBA thể hiện “sự phẫn nộ có chọn lọc” trong nghị quyết kêu gouj "tạm ngừng nhân đạo" này.
Nguồn: [Link nguồn]
Lầu Năm Góc lặng lẽ viện trợ vũ khí cho Israel dựa trên nhu cầu của đồng minh, trong đó có các tên lửa laser dẫn đường bắn từ trực thăng Apache, đạn pháo 155mm, thiết bị...