Hậu trường chiến dịch sơ tán 70 nhân viên ngoại giao Mỹ khỏi Sudan
Lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã khẩn trương sơ tán các nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở Sudan trong một chiến dịch chỉ kéo dài vài giờ đồng hồ. Không có phát súng nào và cũng không có thương vong nào được ghi nhận.
Khi những nhân viên ngoại giao cuối cùng rời đi, Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Khartoum của Sudan buộc phải đóng cửa tạm thời. Hàng ngàn công dân Mỹ vẫn đang ở lại quốc gia Đông Phi vì Washington cho biết sẽ quá nguy hiểm nếu thực hiện một chiến dịch sơ tán quy mô lớn hơn.
Các cuộc giao tranh giữa quân đội Sudan và lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) đã bước sang ngày thứ chín vào Chủ nhật (23/4). Sân bay quốc tế chính vẫn đóng cửa, và các tuyến đường dẫn ra khỏi Sudan hiện đang được canh gác bởi lực lượng vũ trang. Giao tranh đã khiến hơn 400 người thiệt mạng, AP cho biết.
Trong một tuyên bố cảm ơn quân đội, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông liên tục nhận được báo cáo về nỗ lực hỗ trợ những người Mỹ còn lại ở Sudan “trong phạm vi có thể”. Ông tuyên bố Djibouti, Ethiopia và Ả Rập Saudi đã hỗ trợ quá trình sơ tán, đồng thời kêu gọi chấm dứt bạo lực ngay lập tức ở Sudan.
Theo AP, chiến dịch sơ tán được tiến hành bởi khoảng 100 lính đặc nhiệm Mỹ trên ba chiếc trực thăng MH-47. Họ đã vận chuyển khoảng 70 nhân viên Mỹ còn lại từ bãi đáp tại đại sứ quán đến một địa điểm không được tiết lộ ở Ethiopia. Molly Phee, trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Phi, cho biết Ethiopia cũng cung cấp dịch vụ hỗ trợ bay và tiếp nhiên liệu.
Bộ Tư lệnh Châu Phi của Mỹ và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, tướng Mark Milley đã liên lạc với cả hai phe tham chiến trước và trong chiến dịch để đảm bảo rằng các lực lượng Mỹ có lối đi an toàn cho việc sơ tán.
Tuy nhiên, John Bass - một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ đã bác bỏ tuyên bố của lực lượng RSF Sudan rằng lực lượng này tham gia hỗ trợ chiến dịch sơ tán của Mỹ. “Họ chỉ hợp tác bằng việc không bắn về phía lực lượng của chúng tôi trong quá trình hoạt động”, quan chức này nói.
Tổng thống Biden đã yêu cầu quân đội Mỹ sơ tán nhân viên đại sứ quán sau khi nhận được khuyến nghị của Hội đồng An ninh Quốc gia trong bối cảnh giao tranh ở Sudan chưa có hồi kết.
“Giao tranh ở Sudan đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm thường dân vô tội. Nó phải dừng lại”, ông Biden nói. “Các bên tham chiến phải thực hiện lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện, cho phép tiếp cận nhân đạo và tôn trọng ý chí của người dân Sudan.”
Binh biến ở Sudan bùng phát ngày 15/4, trong cuộc đấu tranh quyền lực giữa người đứng đầu lực lượng vũ trang - tương Abdel-Fattah Burhan và người đứng đầu nhóm bán quân sự RSF - tướng Mohammed Hamdan Dagalo. Hàng triệu người Sudan đang phải ẩn nấp trong nhà để tránh các vụ nổ và cướp bóc.
Một đoàn xe ngoại giao của Mỹ đã bị tấn công vô cớ vào tuần trước. Một số vụ tấn công chết người nhằm vào các nhân viên cứu trợ nước ngoài ở Sudan cũng đã được ghi nhận.
Ước tính có khoảng 16.000 công dân Mỹ đã đăng ký với đại sứ quán là đang ở Sudan. Con số này rất khó xác minh, vì không phải người Mỹ nào cũng khai với đại sứ quán về thời điểm họ sẽ rời đi.
Đại sứ quán đã đưa ra một cảnh báo trước đó vào thứ Bảy, rằng “do tình hình an ninh không ổn định ở Khartoum và việc đóng cửa sân bay, hiện tại không an toàn để thực hiện chiến dịch sơ tán công dân Mỹ có sự phối hợp của chính phủ Mỹ.”
Kế hoạch sơ tán của Washington cho các nhân viên ngoại giao Mỹ đã được xây dựng một cách nghiêm túc từ ngày 17/4, sau khi đoàn xe của đại sứ quán bị tấn công ở Khartoum. Lầu Năm Góc xác nhận hôm 21/4 rằng quân đội Mỹ đã được triển khai đến Camp Lemonnier ở Djibouti để chuẩn bị sẵn sàng cho chiến dịch sơ tán.
Ả Rập Saudi đã tuyên bố hồi hương thành công một số công dân của mình vào ngày 22/4, chia sẻ đoạn video về các công dân Ả Rập Saudi và những người nước ngoài khác được chào đón bằng sô cô la và hoa khi họ bước xuống một con tàu sơ tán tại cảng Jeddah.
Các cuộc sơ tán đại sứ quán do quân đội Mỹ tiến hành là tương đối hiếm và thường diễn ra trong những điều kiện khắc nghiệt.
Khi ra lệnh cho một đại sứ quán cắt giảm nhân viên hoặc đình chỉ hoạt động, Bộ Ngoại giao Mỹ thường muốn nhân viên của mình rời đi bằng phương tiện thương mại nếu có thể.
Khi Đại sứ quán Mỹ ở Kiev tạm thời đóng cửa ngay trước chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, các nhân viên ngoại giao đã rời đi bằng phương tiện thương mại.
Lần cuối cùng nhân viên đại sứ quán Mỹ được sơ tán bằng đường bộ là từ Libya vào tháng 7/2014, khi một đoàn xe quân sự lớn của Mỹ chở nhân viên từ đại sứ quán ở Tripoli đến Tunisia. Đã có nhiều cuộc sơ tán gần đây, đáng chú ý nhất là ở Afghanistan và Yemen, nhưng những cuộc sơ tán đó chủ yếu được tiến hành bằng đường hàng không.
Nguồn: [Link nguồn]
Mỹ và 2 đồng minh châu Á đã triển khai các nguồn lực quân sự, sẵn sàng sơ tán quan chức ngoại giao, công dân khỏi Sudan.