Hành trình phức tạp của virus SARS-CoV-2 trong cơ thể người

Dù chủ yếu xâm nhập vào cơ thể người thông qua đường hô hấp, như miệng hoặc mũi, nhưng một khi đã lọt được vào bên trong, virus SARS-CoV-2 có thể theo đường máu đi xâm nhập nhiều bộ phận khác.

"Dù phổi là bộ phận chịu nhiều ảnh hưởng nhất, nhưng thực tế là virus SARS-CoV-2 còn có thể di chuyển và lưu thông khắp xung quanh cơ thể chúng ta," bác sĩ Eric Cioe-Peña, giám đốc bộ phận y tế toàn cầu của mạng lưới chăm sóc sức khỏe Northwell Health có trụ sở tại New York, cho hay.

Cũng theo ông Peña, virus SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể thông qua đường hô hấp, như miệng hoặc mũi, vào bên trong phổi, vì vậy để lây nhiễm vào một người bình thường, nó cần phải liên kết với một loại enzyme có trên bề mặt các tế bào hô hấp. Nhưng một khi đã lọt được vào bên trong cơ thể, virus SARS-CoV-2 có thể xâm nhập vào đường máu, và từ đó có thể di chuyển tới và xâm nhập nhiều cơ quan khác.

"Một khi ở trong cơ thể con người, virus sẽ không còn gặp phải bất kỳ vấn đề gì trong việc xâm nhập vào các loại tế bào khác nhau", bác sĩ Peña cho biết với tạp chí Live Science, “Điều này, thật không may, có thể gây ra nhiều vấn đề khác trong cơ quan nội tạng."

Khi điều trị những bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng trong phòng cấp cứu, bác sĩ Peña từng phải chứng kiến nhiều bệnh nhân bị viêm cơ tim, hoặc nhiễm trùng cơ tim do virus gây ra. “Khi một trong những bệnh nhân mắc Covid-19 của chúng tôi bị ngừng tim đột ngột, hoặc chẳng may đột tử do các vấn đề về tim, đó thường là do vùng tim của họ đã bị nhiễm trùng,” ông nói thêm.

Để lây nhiễm vào một người bình thường, virus SARS-CoV-2 cần phải liên kết với một loại enzyme có trên bề mặt các tế bào hô hấp (Hình minh họa)

Để lây nhiễm vào một người bình thường, virus SARS-CoV-2 cần phải liên kết với một loại enzyme có trên bề mặt các tế bào hô hấp (Hình minh họa)

Các vấn đề về tim mạch cũng từng được ghi nhận ở các bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở thời điểm trước đó. Ở Vũ Hán, cứ 5 bệnh nhân thì lại có hơn 1 người bị tổn thương tim do Covid-19 gây ra, theo một nghiên cứu được công bố vào ngày 27.3 trên tạp chí JAMA Cardiology.

Còn theo một ghi nhận trước đó của tạp chí Live Science, virus SARS-CoV-2 có thể xâm nhập vào cả tim và phổi, vì chúng đều chứa những tế bào được bao phủ bởi các protein bề mặt được gọi là enzyme chuyển đổi angiotensin 2 (ACE2), đóng vai trò như một cửa ngõ cho virus xâm nhập vào tế bào.

Các cơ quan khác có chứa cùng loại enzyme này, ví dụ như đường tiêu hóa, có rất nhiều cửa ngõ như vậy, nên virus SARS-CoV-2 được cho là có thể xâm nhập vào các cơ quan này bằng những cách tương tự.

Theo bác sĩ Peña, một số bệnh nhân nhiễm Covid-19 thường trải qua các triệu chứng về đường tiêu hóa thay vì hô hấp, và điều đó đồng nghĩa với việc virus SARS-CoV-2 có thể xâm nhập vào ruột non và đôi khi cả phần ruột già.

"Chúng tôi thấy có rất nhiều trường hợp bị tăng men gan, dù đôi khi đó chỉ là những trường hợp nhiễm bệnh nhẹ. Điều này cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể xâm chiếm được cả các tế bào gan”, ông cho biết, “Khi các tế bào gan chết, chúng sẽ trào enzyme vào máu. Dù vậy, gan cực kỳ tốt trong việc tái tạo, nên sẽ không bị virus gây thương tổn một cách lâu dài.”

Hình minh họa quá trình xuyên phá Enzyme chuyển đổi angiotensin 2 (ACE2) của virus SARS-CoV-2

Hình minh họa quá trình xuyên phá Enzyme chuyển đổi angiotensin 2 (ACE2) của virus SARS-CoV-2

Nhưng đôi khi, bệnh nhân nhiễm Covid-19 cũng bị mắc chứng suy thận. 

“Dù một số tổn thương ở nội tạng là hậu quả từ sự xâm nhập trực tiếp của virus vào các tế bào, phần lớn các triệu chứng còn lại còn do hệ thống miễn dịch gây ra,” bác sĩ Peña cho biết, “Những cơn bão Cytokine, hiện tượng một lượng lớn tế bào miễn dịch được giải phóng vào đường máu và sau đó tấn công các mô khỏe mạnh trên khắp cơ thể, thường gây tổn thương phổi nghiêm trọng và còn có thể gây lỗi hệ thống đa cơ quan. Đó là ‘một phản ứng áp đảo’ mà về cơ bản sẽ làm suy yếu cơ thể chúng ta."

Hiện vẫn chưa rõ tại sao một số người có phản ứng miễn dịch cao như vậy so với những người khác, nhưng bác sĩ Erin Michos, phó giám đốc khoa tim mạch dự phòng tại Trường Y khoa Johns Hopkins, từng cho biết trên Live Science rằng điều này có thể mang tính di truyền.

Cũng theo ghi nhận từ Live Science, một cơn bão Cytokine như vậy thậm chí có thể ảnh hưởng đến não bộ, và một số bệnh nhân Covid-19 có thể đã biểu hiện triệu chứng này trong não của họ. Hơn nữa, mất khứu giác và vị giác gần đây đã được thêm vào danh sách các triệu chứng có thể có của Covid-19. Điều này phần nào chỉ ra rằng virus SARS-CoV-2 có khả năng xâm nhập hệ thần kinh và phần não chịu trách nhiệm điều khiển mùi vị.

Do hiện tại chưa có cách chữa trị cụ thể nào đối với Covid-19, việc điều trị tại bệnh viện chỉ bao gồm chăm sóc, phục hồi những phần cơ thể bị ảnh hưởng.

Dù một số tổn thương ở nội tạng là hậu quả từ sự xâm nhập trực tiếp của virus vào các tế bào, phần lớn các triệu chứng còn lại còn do hệ thống miễn dịch gây ra (Hình minh họa)

Dù một số tổn thương ở nội tạng là hậu quả từ sự xâm nhập trực tiếp của virus vào các tế bào, phần lớn các triệu chứng còn lại còn do hệ thống miễn dịch gây ra (Hình minh họa)

“Nhưng không phải tất cả đều là tin xấu, dù trong những trường hợp rất, rất nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị thương tật vĩnh viễn", bác sĩ Peña nói, “Chúng tôi vẫn có những bằng chứng về các trường hợp đã hồi phục hoàn toàn. Đặc biệt, vùng gan và thận của bệnh nhân dù suy yếu đến đâu nhưng sau đó vẫn có thể hoạt động bình thường trở lại.

Ngay cả với chứng viêm phổi đa điểm, tức chứng viêm ảnh hưởng đến nhiều phần của phổi, chúng tôi đã thấy rất nhiều bản chụp X-quang ngực và phổi của các bệnh nhân bình thường trở lại sau khi khỏi bệnh. Vì vậy, đối với hầu hết mọi người, các cơ quan nội tạng vẫn sẽ phục hồi, miễn là bạn vẫn sống sót sau khi bị nhiễm Covid-19.”

Điều đó thậm chí còn đúng ở những bệnh nhân bị tổn thương tim, thứ không có khả năng tái tạo như những bộ phận khác. “Bệnh nhân Covid-19 bị viêm cơ tim có tỷ lệ tử vong rất cao,” bác sĩ Peña nói, “Nhưng hầu hết những người bị tổn thương do viêm cơ tim đều hồi phục hoàn toàn, trong trường hợp họ sống sót.”

Những điều trên không có gì đáng ngạc nhiên. Bất kỳ loại virus mới nào cũng có khả năng lan tràn vào nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể, vì hệ thống miễn dịch của chúng ta chưa từng gặp bất cứ loại virus tương tự nào trước đó. Nhưng một khi những cá nhân phát triển một số khả năng miễn dịch với nó, sẽ có ít bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng hơn.

“Dù vẫn chưa thể biết có bao người mới phục hồi Covid-19 hình thành được hệ miễn dịch, nhưng ngay cả khi không có được khả năng miễn dịch đầy đủ, việc sống sót sau lần đầu nhiễm bệnh vẫn đồng nghĩa với việc các triệu chứng của họ sẽ ít nghiêm trọng hơn và có ít phần cơ thể bị ảnh hưởng hơn nếu chẳng may bị tái nhiễm,” bác sĩ Peña kết luận.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Nước châu Á từng là ”điểm nóng” Covid-19, nay dân đi làm trở lại, khu mua sắm nhộn nhịp

Số ca nhiễm Covid-19 mới ghi nhận hôm 20/4 ở quốc gia châu Á này chỉ là 13, thấp hơn rất nhiều so với con số gần 1.000...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Anh - Live Science ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN